Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàn gắn những mảnh đời chịu bạo lực

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sau hơn 8 năm thành lập, CLB Gia đình hạnh phúc phường Yết Kiêu ở Hà Đông (Hà Nội) đã trở thành nơi hàn gắn hạnh phúc của rất nhiều cặp vợ chồng.

Vá lành rạn nứt

Được thành lập vào năm 2009, CLB Gia đình hạnh phúc phường Yết Kiêu đã trở thành nơi chia sẻ những bất hòa, gửi gắm tâm tư của một số chị em phụ nữ bị bạo hành. Trường hợp của chị Nguyễn Thi T. là một ví dụ điển hình. Dù đã có với nhau đủ con trai, con gái, nhưng tối ngày chồng chị T. không lo làm ăn, chỉ biết “làm bạn” với rượu, rồi đánh đập, chửi bới vợ con. Cả ngày đi làm thuê vất vả, đêm về có khi chưa kịp nấu cơm tối, chị T. đã phải chạy sang nhà hàng xóm để tránh đòn của chồng. Vốn bản tính cam chịu, chị T. không muốn báo lên chính quyền vì ngại chuyện “xấu chàng hổ ai” và nhất là gia đình đổ vỡ. Nhưng khi sức chịu đựng quá  giới hạn, chị T. đã tìm đến các chị Đinh Thị Thùy Chi, Trần Thị Hải Yến, Nguyễn Thị Phương – Chi hội trưởng các tổ dân phố, đồng thời là thành viên tổ hòa giải của “Địa chỉ tin cậy” để chia sẻ, nhờ giúp đỡ.
Thành viên CLB “Gia đình hạnh phúc” phường Yết Kiêu nhận giấy khen về thành tích hòa giải.
Thành viên CLB “Gia đình hạnh phúc” phường Yết Kiêu nhận giấy khen về thành tích hòa giải.
Bằng tình thương, sự sẻ chia của những người cùng làng xóm, các thành viên trong tổ hòa giải cơ sở đã tích cực động viên chị T, đồng thời đến tận nhà khuyên giải chồng chị T. Thời gian đầu, do không tiếp nhận sự tham gia khuyên bảo của người ngoài, chồng chị T. đã phản ứng dữ dội, thậm chí còn đập phá, đánh đuổi các thành viên hòa giải, làm mâu thuẫn tình làng xóm, láng giềng. Sau một thời gian được tổ hòa giải tỉ tê, phân tích khuyên nhủ, chồng chị T. cũng hiểu được những việc làm sai trái của mình, khi nóng giận không được đánh đập vợ con. Hiện nay, vợ chồng chị T. sống với nhau khá hòa thuận, không còn lời qua tiếng lại.

Tương tự, mái ấm gia đình của chị N.T.B tưởng chừng sẽ có nguy cơ bị tan vỡ khi chị luôn phải chịu bạo hành cả về thể xác lẫn tinh thần vì sự ghen tuông vô cớ của chồng. Kinh tế gia đình khó khăn, chị B. ngoài việc đồng áng còn tranh thủ buôn bán hoa quả. Nhưng cũng chính những cuộc trò chuyện qua điện thoại với bạn hàng, đặt hàng khiến cho chồng chị nghi ngờ vợ “có bồ” ở bên ngoài. Chồng chị thường xuyên kiểm tra tin nhắn điện thoại, rồi bắt các con bí mật đi theo dõi xem chị B. đang đi đâu, làm gì với ai… Chị B. giải thích nhưng chồng không nghe. Cuộc sống gia đình vì thế ngày càng bế tắc. Mới đây, nhờ sự tư vấn, hỗ trợ kịp thời của những thành viên mô hình “Địa chỉ tin cậy” tại gia đình của bà Phạm Thị Ngọc Lan (14 Cao Thắng) mà mâu thuẫn trong gia đình chị B. đã được tháo gỡ. Chồng chị B. cũng hiểu được những hành động bạo lực sai trái vì sự ghen tuông vô cớ của mình đối với vợ, tập trung làm kinh tế để nuôi dạy con tốt.

Theo bà Phạm Thị Ngọc Lan (14 Cao Thắng) - Chủ tịch Hội Phụ nữ phường Yết Kiêu, đồng thời là Chủ nhiệm CLB Gia đình hạnh phúc: Từ khi thành lập đến nay, các thành viên hòa giải của CLB đã hòa giải được hầu hết các vụ bạo hành. Sau khi hòa giải, chồng hiểu vợ, con dâu nhận ra những điểm sai trong cách cư xử với mẹ chồng…, nên các gia đình lại có cuộc sống hòa thuận. Một vài trường hợp, do mâu thuẫn tiềm ẩn từ nhiều năm, mặc dù hòa giải nhưng các cặp vợ chồng vẫn quyết định ly hôn, để tránh tình trạng bạo lực xảy ra.

Để phụ nữ mở lòng

Chị Đinh Thị Thùy Chi – Chi hội 4 chia sẻ: “Những ngày đầu mới thành lập, hoạt động của CLB gặp không ít khó khăn vì chị em thường có tâm lý không vạch chuyện xấu trong nhà, tránh tình trạng “vạch áo cho người xem lưng”. Nhiều chị cam chịu, chỉ biết im lặng, không muốn ai quan tâm đến việc gia đình mình. Tuy nhiên, sau khi các thành viên của CLB can thiệp thành công một vài trường hợp, bây giờ đã có nhiều chị em tìm đến để giãi bày tâm sự khi gia đình có chuyện. Nhiều gia đình cũng đứng trước nguy cơ bị tan vỡ nhưng khi được tư vấn, giúp đỡ, họ đã từng bước thay đổi, và cùng nhau vun đắp hạnh phúc gia đình”.

“Năm 2011, trên địa bàn phường Yết Kiêu xảy ra 4 vụ bạo lực gia đình, đến năm 2012, con số này đã tăng lên thành 9 vụ.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lý phường Yết Kiêu, quận Hà Đông đạt danh hiệu 5 không 3 sạch.
Gia đình bà Nguyễn Thị Lý phường Yết Kiêu, quận Hà Đông đạt danh hiệu 5 không 3 sạch.
Đến khi CLB Gia đình hạnh phúc hòa giải thành công nhiều vụ việc, thành lập được 2 địa chỉ tin cậy đặt tại các gia đình thành viên tổ hòa giải, năm 2014 chỉ còn 2 vụ bạo hành gia đình xảy ra, và đến năm 2015 đã không có trường hợp người phụ nữ nào bị bạo hành” - bà Phạm Thị Ngọc Lan cho biết. Theo bà Lan, tham gia vào công tác vận động, hòa giải đều là những công việc "ăn cơm nhà, vác tù và hàng tổng", nhưng mọi người rất nhiệt tình. CLB duy trì sinh hoạt, thảo luận hàng tháng. Tại đây, hội viên được tiếp cận những kiến thức bổ ích về Luật Phòng, chống bạo lực gia đình, Luật Bình đẳng giới, được tham gia thảo luận tập thể những hành vi bạo lực gia đình, quyền, nghĩa vụ của nạn nhân khi bị bạo hành, kỹ năng hòa giải, cách nuôi con khỏe, dạy con ngoan, xây dựng các tiểu phẩm vui về bạo lực gia đình để bà con dễ nhớ, dễ hiểu…

Nhân rộng hiệu quả mô hình

Hiện nay, ở Việt Nam, tình trạng bạo lực gia đình vẫn xảy ra ở nhiều mái nhà, đặc biệt tại vùng sâu vùng xa, nhưng không phải ở nơi nào CLB Gia đình hạnh phúc, hay Địa chỉ tin cậy cũng hoạt động hiệu quả, trở thành nơi che chở cho những mảnh đời bất hạnh. Tại hội thảo “Hỗ trợ pháp lý và tiếp cận pháp lý cho phụ nữ tại Việt Nam” - các chuyên gia cho biết, nhiều phụ nữ (nạn nhân của bạo lực gia đình) vẫn chưa biết được về quyền được trợ giúp pháp lý hoặc còn e ngại khi tiếp cận với trợ giúp pháp lý… Pháp luật Việt Nam hiện hành đã mang lại nhiều cơ hội để giải quyết trợ giúp pháp lý, cũng như nâng cao khả năng tiếp cận pháp lý cho phụ nữ.

 “Nhiều trường hợp bao gồm bạo lực gia đình hay khi người phụ nữ không có quyền tiếp cận thu nhập trong gia đình một cách bình đẳng, việc tính toán mức thu nhập trung bình của mỗi hộ gia đình sẽ ảnh hưởng và cản trở quyền tiếp cận hỗ trợ pháp lý để đạt được công lý của phụ nữ” - bà Shoko Ishikawa - Trưởng đại diện UN Women nhấn mạnh. Thực tế, pháp luật chưa quy định phụ nữ nói chung được hưởng trợ giúp pháp lý, chưa quy định mô hình trợ giúp pháp lý cho phụ nữ cũng như chưa có trình tự, thủ tục riêng đối với phụ nữ là nạn nhân bạo lực giới, đặc biệt là cung cấp giấy tờ chứng minh. Ông Trần Nguyên Tú - Cục Trợ giúp pháp lý chỉ ra, nhiều phụ nữ là nạn nhân của bạo lực gia đình vẫn chưa biết được về quyền được trợ giúp pháp lý hoặc còn e ngại khi tiếp cận với trợ giúp pháp lý.

Các chuyên gia cho rằng, cần phải tăng cường sự tiếp cận pháp lý của phụ nữ, đặc biệt là trợ giúp pháp lý miễn phí cho phụ nữ, nhất là những phụ nữ là nạn nhân của bạo lực giới. Mặt khác, để khỏa lấp một phần “lỗ hổng” của Luật, xây dựng mô hình CLB Gia đình hạnh phúc, Địa chỉ tin cậy để những người phụ nữ bất hạnh có thể tìm đến sẻ chia.
Ở Ấn Ðộ, mỗi năm có khoảng hơn 5.000 phụ nữ bị cướp đi mạng sống của mình vì nhà chồng cho rằng của hồi môn không đủ. Ở Bangladesh, theo thống kê tội giết vợ chiếm 50% trong số vụ giết người. Ở Việt Nam, tình trạng bạo lực gia đình không đến mức báo động như các nước trên. Nhưng theo thống kê của Tòa án Nhân dân tối cao, trung bình một năm trên cả nước có tới 8.000 vụ ly hôn mà nguyên nhân do bạo lực gia đình. Cũng theo số liệu thống kê của bệnh viện, các trung tâm, phòng cấp cứu lớn của cả nước, có hơn 27% phụ nữ bị ngược đãi nhập viện, hơn 10% điều trị y khoa nghiêm trọng hằng năm do nguyên nhân bạo lực gia đình.