Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàn Quốc - Thiên đường tránh khủng hoảng nợ

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Trong khi các nước phương Tây đang oằn mình dưới gánh nặng nợ công và khủng hoảng tài chính Hàn Quốc đang nổi lên như một "thiên đường" an toàn tránh cuộc khủng hoảng nợ, mặc dù không ai có thể dám chắc nền kinh tế lớn thứ tư châu Á này có thể duy trì được vị thế đó trong bao lâu nữa.

Nợ công của Hàn Quốc, dù khá nhỏ so với các nước phát triển khác, song cũng đang có nguy cơ gia tăng do chi tiêu tài khóa mạnh và dân số già đi. Nợ hộ gia đình, vốn đã tăng đến các mức nguy hiểm, cũng đang tiếp tục phình lên, chủ yếu do các khoản vay từ các thể chế phi ngân hàng và những người có thu nhập thấp.

Yoon Sang-ha, chuyên gia kinh tế tại LG Economic Research Institute (LGERI), nhận định: "Tính đến thời điểm này, nợ công của Hàn Quốc vẫn ở mức an toàn do tỷ lệ nợ công so với Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vẫn đứng ở mức 33% trong năm 2010. Song về lâu dài, tỷ lệ này có thể sẽ gia tăng với một tốc độ nhanh hơn so với tốc độ trước đây ở các nước phát triển do các chi phí chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội gia tăng trong khi dân số lại già đi".

Sau cuộc khủng hoảng kinh tế tài chính toàn cầu năm 2008, nợ công trên toàn cầu đã gia tăng mạnh mẽ do các chính phủ tăng cường chi tiêu để kích thích phục hồi kinh tế. Theo Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), nợ công trên toàn cầu ước tăng trung bình khoảng 79,6% GDP trong năm 2011 so với mức tăng 62,1% vào năm 2007, thời điểm trước khi xảy ra cuộc khủng hoảng.

Thực tế, Hàn Quốc không phải là trường hợp ngoại lệ và đứng ngoài thập kỷ nợ nần mới này của thế giới. Theo dự đoán của Bộ Tài chính Hàn Quốc, tỷ lệ nợ quốc gia/GDP của nước này có thể lên tới 137,7% vào năm 2050. Tỷ lệ này thậm chí còn có thể tăng lên 168,6% nếu các chi phí cho chăm sóc sức khỏe và phúc lợi xã hội tăng mạnh. Nợ của hộ gia đình, vốn một thời từng là nguy cơ lớn nhất đối với nền kinh tế Hàn Quốc, đang được các nhà hoạch định tài chính theo dõi sát sao.