Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng chục năm chưa có lời giải tình trạng “được mùa mất giá”

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 11/4, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng đã kiểm tra tình hình xuất khẩu nông sản tại tỉnh Lạng Sơn.

Mặc dù tình trạng từng đoàn xe chở dưa hấu ùn tắc chờ xuất khẩu đã giảm hơn so với mấy ngày trước nhưng việc lặp đi, lặp lại (năm nay đã là năm thứ 13 xảy ra câu chuyện này) rất cần một chính sách đồng bộ, lâu dài với trách nhiệm của Bộ Công Thương trong việc đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, Bộ NN&PTNT xây dựng quy hoạch vùng gieo trồng, từ đó hạn chế tình trạng “được mùa mất giá”..., cũng như vai trò của các bộ, ngành, địa phương, DN và cả người nông dân.

Quá phụ thuộc vào một thị trường

Số liệu của Bộ Công Thương cho thấy, lượng dưa hấu ùn tắc tại cửa khẩu Lạng Sơn trong những ngày qua chủ yếu là sản phẩm của các tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên với tổng diện tích gần 4.000ha, sản lượng năm 2015 đạt trên 100.000 tấn. Đây là loại dưa có mùa vụ ngắn, chất lượng tốt và được trồng tập trung ở 2-3 huyện mỗi tỉnh chứ không trồng rải rác.
Ùn ứ xe tải chở dưa tại cửa khẩu biên giới Tân Thanh, Lạng Sơn. 	Ảnh: Quốc Cường
Ùn ứ xe tải chở dưa tại cửa khẩu biên giới Tân Thanh, Lạng Sơn. Ảnh: Quốc Cường
Tại buổi kiểm tra của Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng, ông Phùng Quang Hội - Chi Cục trưởng Chi cục Hải quan Cửa khẩu Tân Thanh cho biết, dưa hấu vào vụ thu hoạch chính, các thương lái thu mua, vận chuyển lên cửa khẩu với số lượng lớn, không tuân thủ khuyến cáo của các cơ quan chức năng.  Bên cạnh đó, dưa hấu chủ yếu được xuất thô, trong khi Trung Quốc chỉ cho phép 10 DN được nhập khẩu dưa hấu qua của khẩu Pò Chài. Những DN này phải thực hiện nghiêm ngặt việc kiểm dịch, phân loại…, trung bình mỗi xe mất khoảng 4-6 giờ kiểm tra trong khi khu vực bãi kiểm nghiệm, đóng gói phía Trung Quốc rất hạn chế. Đặc biệt do giá dưa hấu lên, xuống thất thường nên một số DN Việt Nam chờ đàm phán giá với DN Trung Quốc mới cho xuất hàng, điều này cũng gây nên tình trạng ùn ứ.

Trong những ngày qua, Bộ Công Thương đã có nhiều cuộc thảo luận với phía Trung Quốc và đạt được thỏa thuận Trung Quốc sẽ có kho bãi riêng cho mặt hàng dưa hấu. Ngoài ra, cơ quan chức năng thông tin liên tục đến DN khả năng thông quan tại cửa khẩu Tân Thanh, qua đó giảm thiểu tình trạng thương lái ồ ạt đưa dưa hấu lên cửa khẩu. Nhờ đó, lượng dưa ùn ứ đã giảm, hiện giá dưa xuất khẩu sang Trung Quốc cũng dao động ở mức trên dưới 10.000 đồng/kg, tùy chất lượng. Ông Võ Văn Quyền - Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết: Báo cáo của sở Công Thương các tỉnh miền Trung cho thấy, hiện tại, một số địa phương đã tiêu thụ được gần 80%, cá biệt tỉnh Bình Định đã cơ bản tiêu thụ hết. Riêng tỉnh Quảng Nam có khoảng từ 700 - 800ha dưa thu hoạch đúng vào mùa lũ nhưng đến nay, tình hình tiêu thụ cũng rất khả quan.

Đẩy mạnh quy hoạch, tăng cường tiêu thụ trong nước

Để ngăn chặn “tận gốc” tình trạng “được mùa mất giá” đòi hỏi Bộ NN&PTNT xây dựng quy hoạch vùng gieo trồng, người dân tuân thủ quy hoạch; DN bán lẻ xây dựng khâu tiêu thụ tại thị trường nội địa, qua đó hưởng ứng cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam".

Về vấn đề này ông Trần Xuân Định - Phó Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ NN&PTNT) cho biết: Bộ NN&PTNT đã thường xuyên khuyến cáo các sở NN&PTNT địa phương về vấn đề quy hoạch nông sản. Tuy nhiên, vẫn xảy ra tình trạng địa phương không tuân thủ, việc làm này không chỉ với dưa hấu mà diễn ra ở nhiều loại cây trồng khác như cao su, cà phê, thanh long… “Đất đai hiện đã giao quyền tự chủ cho nông dân sản xuất, vì vậy, ngành nông nghiệp cũng chỉ đưa ra khuyến cáo về khả năng tiêu thụ và quy hoạch diện tích; mọi quyết định vẫn nằm trong tay nông dân. Trong khi đó, bà con vẫn sản xuất theo phong trào, thấy có lãi thì đồng loạt làm dẫn tới cung vượt cầu” - ông Định nhìn nhận. Đại diện Vụ Thị trường trong nước cũng cho rằng: Nếu không loại bỏ được tư duy tự phát, manh mún và sản xuất không có kế hoạch, không chỉ vụ này mà nhiều vụ nữa, dưa hấu vẫn rớt giá.

Thực tế cho thấy hiện người trồng dưa chủ yếu phụ thuộc vào thị trường Trung Quốc, trong khi giá bán cũng như sức tiêu thụ tại thị trường nội địa rất lớn. Trong dịp Tết Nguyên đán vừa qua, giá bán dưa hấu dao động ở mức 6.000 - 9.000 đồng/kg tương đương giá xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, quan trọng là không mất nhiều phí vận chuyển trong quá trình xuất khẩu. Những ngày qua hầu hết hệ thống siêu thị lớn như Big C, Hapro, Metro, Co.opmart và thương nhân… đã tích cực thu mua dưa để tiêu thụ tại siêu thị, chợ truyền thống. Tuy nhiên, để hỗ trợ người dân tiêu thụ sản phẩm, DN phân phối nên đẩy mạnh liên kết với nông dân tổ chức sản xuất, kinh doanh trên cơ sở nắm rõ dung lượng thị trường, khả năng tiêu thụ sản phẩm. Theo ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hội Siêu thị Hà Nội: Bộ Công Thương với vai trò quản lý Nhà nước cần tổ chức tốt khâu phân phối ở thị trường nội địa theo hướng xây dựng cơ chế, cung cấp thông tin về thị trường, tổ chức các hoạt động xúc tiến thương mại, quy hoạch giống cây, con, quy trình trồng, công nghệ sản xuất.

Bên cạnh sự vào cuộc một cách tích cực của cơ quan quản lý còn đỏi hỏi chính bản thân DN và người nông dân “bắt tay” chặt chẽ trong quá trình sản xuất, tiêu thụ sản phẩm.
Phó Viện trưởng Viện Chính sách và chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn Nguyễn Đỗ Anh Tuấn: Xây dựng chuỗi giá trị cho nông sản
Trước khi hội nhập kinh tế, công nghệ chế biến nông sản trong nước chủ yếu nhằm vào mục tiêu kích cung qua đó tăng sản lượng cây trồng, vật nuôi ở mức cao nhất. Khi Việt Nam gia nhập thị trường thế giới đòi hỏi sản phẩm nông nghiệp phải đảm bảo chất lượng cũng như giá trị bằng cách nâng cao bảo quản, chế biến sau thu hoạch. Để làm được việc này Nhà nước nên tạo điều kiện cho DN trong quá trình tiếp cận vốn, mặt bằng sản xuất dành cho công nghệ chế biến sau thu hoạch. Về phía DN phải xây dựng chuỗi giá trị gắn kết từ nuôi trồng đến sản xuất để tạo ra sản phẩm đạt tiêu chuẩn thế giới. Quan trọng hơn cả là việc xây dựng chuỗi giá trị này sẽ hạn chế đến mức tối đa cung vượt cầu, kéo dài thời gian sử dụng nông sản tươi.
Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) Trần Thanh Hải:
Nên điều tiết thời vụ thu hoạch
Dưa trồng ra chỉ thu hoạch được một vụ và thu gấp trong một  tháng rõ ràng sẽ tạo áp lực tiêu thụ rất lớn. Nếu trồng được ở thời vụ khác nhau để kéo dài thời gian thu hoạch, hay công nghệ bảo quản tốt hơn người trồng sẽ đỡ bị ép giá. Ngay từ tháng 1 năm nay, chúng tôi đã có công văn để cảnh báo việc điều tiết nông sản xuất khẩu sang Trung Quốc nhưng một số địa phương  đã không làm tốt công tác này. Nguyên nhân là do xuất khẩu dưa hấu sang Trung Quốc đang phụ thuộc rất nhiều vào các DN Trung Quốc. Dù chúng ta có thông quan nhanh đến đâu nhưng phía Trung Quốc chậm thu mua thì cũng không giải quyết được vấn đề ùn tắc.