KTĐT - Các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, diện ngập sâu đã giảm nhiều, hiện nhiều nơi chỉ còn ngập nhẹ, ngập cục bộ ở một số xã, phường.
Tính đến sáng nay (5/11), số nhà bị ngập, đổ, sập, trôi, tốc mái, siêu vẹo vì mưa lũ Nam Trung Bộ đã lên tới gần 20.000 nhà. Trong đó, Khánh Hòa bị thiệt hại nặng nhất với 10.762 nhà.
Các tỉnh đã tổ chức sơ tán 10.860 hộ/41.826 người đến nơi an toàn.
Theo báo cáo của Ban Chỉ đạo Phòng chống lụt bão Trung ương, mưa lũ đã khiến 18 người chết và 6 người mất tích, bị thương 6 người.
Tại Bình Định, toàn bộ vùng đồng bằng hạ lưu sông Hà Thanh và sông Kôn đã bị ngập từ 1 đến 2m, khu vực phía Đông các huyện An Nhơn, Tuy Phước, Phù Cát đã bị chia cắt, ngập sâu từ 0,3 - 0,5m có nơi ngập sâu đến 1,2m. Toàn bộ tuyến đê ngăn mặn khu Đông trên địa bàn huyện Tuy Phước đã bị sóng đánh sạt lở mái nhiều đoạn, giao thông bị chia cắt.
Các tỉnh Phú Yên, Khánh Hòa, Ninh Thuận, diện ngập sâu đã giảm nhiều, hiện nhiều nơi chỉ còn ngập nhẹ, ngập cục bộ ở một số xã, phường.
Về giao thông, tại Bình Định, nhiều tuyến đường giao thông tỉnh lộ 629, huyện lộ ngập sâu từ 0,3-1,1m bị lũ tàn phá hoại nặng: sạt lở, hư cầu cống, mặt đường,... Tỉnh Phú Yên, do bị ngập lũ nên hiện vẫn còn ách tắc giao thông cục bộ trên 10 tuyến tỉnh lộ: 642, 643, 644, 645, 645B, 646, 647, 649, 650 và một số tuyến đường liên xã tại huyện Tây Hòa, Tuy An.
Một số hồ thủy lợi, thủy điện từ Bình Định đến Bình Thuận đang thực hiện xả lũ theo quy trình, hiện vẫn an toàn.
Dự báo, do ảnh hưởng của hoàn lưu áp thấp nhiệt đới kết hợp với đới gió đông bắc mạnh và nhiễu động trong đới gió đông trên cao, lũ các sông từ Quảng Ngãi đến Bình Định, Gia Lai và Đắk Lắk tiếp tục lên chậm, các sông từ Phú Yên đến Khánh Hòa dao động ở mức cao.
Trước tin áp thấp nhiệt đới gần bờ, Bộ tư lệnh Bộ đội biên phòng đã phối hợp với các địa phương, ngành Thuỷ sản và gia đình chủ tàu thống kê, thông báo, kêu gọi, hướng dẫn cho 44.116 tầu/226.270 lao động biết vị trí diễn biến của áp thấp để chủ động phòng tránh và di chuyển, neo đậu tại các bến.