KTĐT - Nắng nóng khiến người dân đổ đến các quán bia hơi, mía đá, trà đá, sấu đá... đông nghẹt dù giá các loại nước giải khát này đã được đẩy lên mức khá cao.
Nắng nóng đột biến từ Hà Nội vào đến miền Trung gần cả tháng nay khiến người tiêu dùng phải tìm đến các loại hoa quả, thực phẩm giải nhiệt để làm dịu bớt cơn nóng.
Những mặt hàng vì thế cũng đã được tư thương đẩy giá cao gấp rưỡi đến gấp đôi so với trước đây.
Giá “nhảy” từng ngày
Tại Hà Nội, các loại quả có khả năng giải khát tốt, có thuộc tính mát đang có mức tăng giá cao nhất: Cam sành tăng từ 40.000 đồng/kg lên 60.000- 70.000 đồng/kg; Quýt xanh tăng từ 25.000 đồng/kg lên 40.000- 50.000 đồng/kg; Sấu quả từ 12.000 - 16.000 đồng/kg lên 20.000 đồng/kg. Đó là giá của ngày 9/7 đổ về trước. Đến ngày 10-11/7, giá các loại hoa quả giải nhiệt này tiếp tục tăng thêm từ 5.000 – 10.000 đồng/kg.
Chị Nguyễn Thị Lâm, chủ cửa hàng bán hoa quả phố Kim Mã giải thích: “Giá nhiều loại quả giải nhiệt tăng vọt là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nhu cầu tăng cao, khan hàng nên tăng giá là chuyện thường. Dù giá vẫn tiếp tục tăng theo từng ngày nhưng hàng vẫn bán rất chạy”.
Bên cạnh hoa quả, mức tăng giá cao thứ hai là các loại thực phẩm dễ ăn và dễ tiêu hoá trong những ngày nắng nóng: Cua đồng từ 100.000- 120.000 đồng/kg tăng lên 150.000 đồng/kg; Ngao từ 20.000 đồng/kg lên 25.000- 30.000 đồng/kg; Hến từ 8.000 đồng/kg lên 12.000- 15.000 đồng/kg; Bún từ 10.000 đồng/kg lên 15.000- 18.000 đồng/kg... Dù có mức tăng khá cao nhưng những tiểu thương kinh doanh các mặt hàng này bao giờ cũng bán hết hàng từ rất sớm.
Quán nước quá tải, quá... bẩn
Nắng nóng khiến người dân đổ đến các quán bia hơi, mía đá, trà đá, sấu đá... đông nghẹt dù giá các loại nước giải khát này đã được đẩy lên mức khá cao: Giá mía đá, sấu đá, chanh đá từ 5.000- 6.000 đồng/cốc tăng lên 9.000- 10.000 đồng cốc; Trà xanh, nhân trần từ 2.000 đồng/cốc lên 3.000 đồng/cốc... Các chủ quán thường giải thích giá nước tăng là do đá khan hiếm. Họ tự tăng giá lên gần gấp đôi, mà nhiều hôm còn không có đá lạnh để bán.
Do nhu cầu giải khát tăng cao một cách đột biến, tại Hà Nội nhiều hàng nước giải khát quanh cổng bệnh viện, trường học, ven hồ, các điểm có bóng mát cây xanh mọc lên như nấm và luôn trong tình trạng quá tải. Chứng kiến một hàng nước mía nằm trên hồ Ngọc Khánh, “trở tay không kịp” với lượng khách kéo đến ùn ùn, chúng tôi vẫn không khỏi rùng mình về công nghệ đập đá, pha chế ở đây. Mía đã cạo vỏ để chỏng chơ bên lề đường bụi. Chủ hàng dùng đá cây - loại đá ướp thực phẩm để phục vụ thượng khách. Để đập đá nhanh, kịp thời phục vụ khách, chủ hàng cho đá vào chiếc túi vải, đặt ngay xuống lòng đường và lấy khúc gỗ to đập vụn rồi vô tư dùng tay bốc vào cốc cho khách dùng.
Trên thực tế đã có không ít bệnh nhân phải nhập viện vì uống nước giải khát bên đường. Trong những ca bệnh tiêu chảy cấp vào điều trị ở Viện Các bệnh nhiệt đới và lâm sàng quốc gia có không ít bệnh nhân mắc bệnh là do uống nước đá đường phố. Cảnh báo đã được đưa ra liên tục nhưng trong điều kiện nắng nóng ngột ngạt, người dân vẫn bỏ ngoài tai nguy hiểm mà ưu tiên nhu cầu giải nhiệt trước mắt.
Không thể cản việc “chặt, chém”
Về tình trạng “chặt chém” khách của các quán hàng thừa cơ hội nắng nóng hiện nay, ông Đỗ Gia Phan, Phó Chủ tịch Hội Tiêu chuẩn và bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam cho rằng: “Không thể cản được tình trạng quán xã vỉa hè thôi chặt chém khách. Vì số quán mọc lên như nấm, hoạt động không ổn định. Ngay cả khi cơ quan chức năng đến kiểm tra họ cũng có thể thoát tội vì không có chứng cớ về tình trạng “chặt chém”. Họ không có hoá đơn hay giấy tờ cụ thể về giá bán”.
Cũng theo ông Phan, để bảo vệ mình tốt nhất người tiêu dùng nên chọn những quán giải khát có uy tín, chất lượng đảm bảo, hoạt động ổn định. Trong đó, người tiêu dùng nên chọn cam sành, dưa hấu là thực phẩm được các chuyên gia khuyến cáo là giải nhiệt rất tốt trong mùa hè, đặc biệt còn giúp giảm sốt, chống mất nước cho người bệnh.
“Một tháng trở lại đây ngày nào tôi cũng bán được 2 tạ, tăng gấp 3 lần so với trước đây. Vì nắng nóng nên nhiều gia đình chọn ăn bún, cua đồng cho mát”.
Chị Hiển, bán bún tại chợ Ngọc Hà
“Nhập cao thì phải bán cao mới có lãi. Những ngày đầu mới tăng giá không dám lấy nhiều vì sợ không có người mua nhưng bây giờ thì chỉ sợ không có hàng để bán”.
Chị Hà Thị Lịch, chủ cửa hàng hải sản ở chợ Thành Công