Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng loạt cơ sở kinh doanh ăn uống đường phố sẽ bị “khai tử”?

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Thông tư 30 của Bộ Y tế sắp có hiệu lực đã quy định cụ thể những điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đó một số tiêu chuẩn mà người bán thức ăn đường phố sẽ phải tuân thủ như: Thức ăn ngay, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập…

Bộ y tế vừa ban hành Thông tư 30/2012/TT-BYT quy định về điều kiện an toàn thực phẩm đối với cơ sở kinh doanh dịch vụ ăn uống, kinh doanh thức ăn đường phố, thông tư có hiệu lực từ ngày 20-1-2003.

Nếu chiếu theo quy định này, hàng chục nghìn cơ sở kinh doanh không đáp ứng đủ điều kiện sẽ bị “khai tử”. Có rất nhiều quy định mới được đưa vào song vấn đề là ở chỗ những quy định ấy rất khó để thực hiện một cách triệt để.

 

Chỗ nào cũng có thức ăn đường phố

 

Có thể nói hiếm nơi nào mà thức ăn đường phố lại đa dạng, nhiều như ở Hà Nội. Bất cứ chỗ nào bạn cũng có thể mua được đồ ăn, từ những món ăn nhẹ như ô mai, hoa quả dầm đến xôi, bánh mỳ, bánh bao, đến cơm, bún, phở. Rẻ, tiện và thức ăn đường phố đã trở thành một thói quen của người Hà Nội nên các quán ăn vỉa hè luôn thu hút được nhiều người.

 
Hàng loạt cơ sở kinh doanh ăn uống đường phố sẽ bị “khai tử”? - Ảnh 1

Ảnh minh họa: Internet.

 

Có thể gặp bất cứ trên con phố nào, ngõ ngách nào, đầu đường góc chợ nào là những gánh ăn đường phố. Rồi cổng trường học, cổng bệnh viện, cổng bến tàu, xe, bên miệng cống hay cạnh chỗ để rác, đâu đâu cũng có những hàng ăn như vậy.  La liệt là rác là ruồi nhặng là xú uế nhưng những quán ăn đường phố vẫn cứ tồn tại cùng với đời sống của người Hà Nội.

 

Theo thống kê sơ bộ, chỉ riêng trên địa bàn Hà Nội hiện cũng có khoảng 47.000 cơ sở sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm, trong đó loại hình dịch vụ ăn uống đường phố chiếm tới hơn 26.000 cơ sở nhưng mới chỉ có khoảng có 16.138 cơ sở được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện VSATTP, còn lại vẫn có hàng chục nghìn cơ sở khác chưa được quản lý. Đó là con số mà các cơ quan chức năng nắm được, chắc chắn con số thực tế về các cơ sở thức ăn đường phố còn gấp nhiều lần như thế, chúng hoàn toàn nằm ngoài tầm kiểm soát, quản lý về VSATTP của cơ quan chức năng.

 

Khi quy định chỉ để… có

 

Thông tư 30 của Bộ Y tế sắp có hiệu lực đã quy định cụ thể những điều kiện đảm bảo an toàn thực phẩm đối với kinh doanh thức ăn đường phố. Theo đó một số tiêu chuẩn mà người bán thức ăn đường phố sẽ phải tuân thủ như: Thức ăn ngay, đồ uống phải để trong tủ kính hoặc thiết bị bảo quản hợp vệ sinh và phải chống được bụi bẩn, mưa, nắng, ruồi nhặng và côn trùng xâm nhập…

 

Nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm, thực phẩm bao gói, chế biến sẵn bảo đảm có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng và bảo đảm an toàn thực phẩm theo quy định… Người kinh doanh thức ăn đường phố phải được tập huấn và được cấp Giấy xác nhận tập huấn kiến thức an toàn thực phẩm theo quy định; phải được khám sức khoẻ và cấp Giấy xác nhận đủ điều kiện sức khoẻ theo quy định…

 

Thật ra những quy định này là cụ thể hóa những nội dung quy định tại Luật An toàn thực phẩm. Xét theo những tiêu chí này thì gần như 100% các hàng rong, vỉa hè đều vi phạm và nếu làm chặt thì chúng sẽ bị “khai tử” vì với thực tế hàng rong vỉa hè tồn tại như hiện nay thì chắc chắn không thể thỏa mãn được các điều kiện trong thông tư.

 

Dù đã sát ngày có hiệu lực tức là ngày 20-1, nhưng qua khảo sát một số quán vỉa hè Hà Nội chúng tôi nhận thấy gần như 100% người bán hàng không hề biết gì về nội dung Thông tư này. Chị Hoa (Văn Lâm, Hưng Yên), một người bán bánh rong cho biết cả làng chị đến gần một nửa lên Hà Nội bán xôi, bánh, cơm nắm muối vừng… mỗi người có đúng một hoặc hai cái thúng đi khắp Hà Nội, nguyên liệu thì lấy luôn ở quê - “Giờ quy định phải có tủ kính, rồi giấy tờ nguồn gốc nguyên liệu rõ ràng thì chúng tôi chịu”.

 

Còn chủ hàng bún đậu mắm tôm trên phố Hai Bà Trưng lại tỏ ra thờ ơ: “Bán hàng ở đây chỉ lo mỗi lực lượng làm trật tự đuổi chứ chúng tôi cũng chả biết Thông tư nào hết. Nguyên liệu của chúng tôi chủ yếu là bún và đậu phụ, hai thứ này chúng tôi cũng đi lấy lại của người ta làm thủ công lấy đâu ra giấy tờ hóa đơn chứng từ. Còn việc tập huấn, nếu cơ quan chức năng tổ chức thì chúng tôi rất sẵn lòng tham gia, chỉ sợ chúng tôi muốn tập huấn mà chẳng biết ở đâu”.

 

Ngay cả một chuyên gia về lĩnh vực VSATTP khi nhắc đến Thông tư 30 cũng không tin vào tính khả thi của nó. Chuyên gia này cho rằng vẫn biết quy định là cần thiết, nhưng khi ra quy định thì cần phải xem xét xem tính khả thi của nó đến đâu, còn không thì cũng chỉ để có chứ chẳng thay đổi được gì.

 

“Riêng với Thông tư này, nó chưa biết có gây khó cho người kinh doanh hay không, nhưng trước tiên là gây khó cho cơ quan quản lý. Ai sẽ đi kiểm tra, kiểm tra một năm được mấy lần thì có chấn chỉnh được không, rồi xử phạt thế nào… Phía cơ quan quản lý có đủ khả năng phối hợp với các đơn vị khác như chính quyền các địa phương trong việc tuyên truyền, cung cấp hoạt động bổ trợ như cấp giấy chứng nhận về tập huấn an toàn thực phẩm cho hàng chục nghìn người kinh doanh hay không. Khi cái gốc của vấn đề là VSATTP từ nơi sản xuất chúng ta không làm được mà cứ siết phần ngọn thì chắc chắn là khó rồi”.