Theo thông tin mới được Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an, đơn vị này đã có kết luận điều tra vụ án Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ và thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng xảy ra tại Ngân hàng MHB, Công ty cổ phần chứng khoán Ngân hàng MHB và một đơn vị liên quan. Theo đó, Cơ quan Cảnh sát điều tra đã đề nghị truy tố 17 đối tượng về hai tội danh “Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ ” và “Thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng”.
Những đối tượng này gồm: Huỳnh Nam Dũng, nguyên Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng MHB; Nguyễn Phước Hòa, nguyên Tổng Giám đốc; Bùi Thanh Hưng, nguyên Phó Tổng Giám đốc; Nguyễn Văn Thanh, nguyên Kế toán trưởng Ngân hàng MHB; Lữ Thị Thanh Bình, nguyên Tổng Giám đốc Công ty MHBS ; Đặng Văn Hòa, nguyên Phó Tổng Giám đốc Công ty MHBS cùng 10 bị can khác có liên quan.
Theo kết luận điều tra, trước khi sáp nhập vào Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng MHB có vốn điều lệ là hơn 3.369 tỷ đồng, trong đó vốn Nhà nước chiếm tới 91,26%. Ngày 25/12/ 2006, Ngân hàng MHB thành lập Công ty MHBS, trong đó vốn của ngân hàng chiếm tới 60% vốn điều lệ. Ông Huỳnh Nam Dũng, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng MHB góp 8,12% vốn điều lệ và ông Nguyễn Phước Hòa, Tổng Giám đốc góp 1,24% vốn điều lệ tại Công ty MHBS.
Tháng 11/2010, qua kiểm toán nội bộ của Ngân hàng MHB, phát hiện Công ty MHBS thua lỗ liên tiếp: Năm 2008 thua lỗ hơn 36,6 tỷ đồng, năm 2009 thua lỗ hơn 41,5 tỷ đồng và 9 tháng đầu năm 2010 lỗ thuần từ hoạt động tự doanh gần 13 tỷ đồng. Ngoài ra, Công ty MHBS còn mắc nhiều sai phạm trong hoạt động kinh doanh chứng khoán, thậm chí cho khách hàng mua chứng khoán trả chậm tiền, cho khách hàng vay tiền thông qua hợp tác đầu tư, sử dụng 3 tài khoản đứng tên cá nhân làm tài khoản tự doanh sử dụng tiền vốn của Công ty để kinh doanh chứng khoán gây thua lỗ nghiêm trọng…
Ở thời điểm đó, với vai trò là người quản lý vốn Nhà nước tại ngân hàng MHB, Huỳnh Nam Dũng đã tổ chức cuộc họp với các thành viên trong Hội đồng ALCO thống nhất chuyển vốn từ Ngân hàng MHB sang Công ty MHBS dưới hình thức hợp tác đầu tư trái phiếu Chính phủ, để Công ty MHBS sử dụng gửi có kỳ hạn tại chính các chi nhánh MHB, hưởng chênh lệch lãi suất, đồng thời sử dụng chính nguồn vốn của Ngân hàng MHB tạm ứng tiền cho các công ty trung gian để thực hiện việc mua bán trái phiếu Chính phủ của Ngân hàng MHB, sau đó bán lại cho Công ty MHBS.
Bằng cách làm này, Công ty MHBS được hưởng lợi hơn 60,8 tỷ đồng; Công ty cổ phần đầu tư Thủ đô Huy Khánh hưởng lợi hơn 3,3 tỷ đồng (trong đó bị can Lê Nguyên Ngọc, nguyên Tổng Giám đốc hưởng lợi 400 triệu đồng; Đặng Văn Hòa, nguyên Phó Tổng giám đốc hưởng lợi 990 triệu đồng); Công ty Đại Phong Nguyên, do bị can Lê Việt Hùng, nguyên Tổng Giám đốc hưởng lợi 151 triệu đồng; Công ty cổ phần Econ Plus, do bị can Đoàn Hồng Ngọc, nguyên Tổng Giám đốc, hưởng lợi 131 triệu đồng; bị can Trương Thanh Liêm, nguyên Phó giám đốc khối ngân hàng đầu tư Công ty MHBS, Chủ tịch H ội đồng quản trị Công ty cổ phần Econ Plus hưởng lợi 280 triệu đồng.
Chủ trương chuyển vốn nêu trên của Ban lãnh đạo Ngân hàng MHB là vi phạm Luật các tổ chức tín dụng năm 2010; vi phạm Quy chế cho vay của các tổ chức tín dụng đối với khách hàng và các Thông tư của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Hậu quả, Ngân hàng MHB đã bị thiệt hại số tiền gốc là 272 tỷ đồng.
Về phía Ban Tổng giám đốc Công ty MHBS cũng có thêm sai phạm. Đó là việc tự mở một tài khoản tự doanh để giao dịch chứng khoán trên tài khoản này. Tiếp đó, mở thêm 3 tài khoản đứng tên 3 cá nhân để mua bán chứng khoán. Hậu quả đã gây thiệt hại số tiền hơn 108,3 tỷ đồng cho công ty này. Quá trình giao dịch, Hội đồng đầu tư Ban Tổng giám đốc MHBS đã chỉ đạo rút hơn 1,2 tỷ đồng từ tài khoản đứng tên Nguyễn Quang Huy để sử dụng cho mục đích cá nhân. Trong đó, Lữ Thị Thanh Bình, nguyên Tổng Giám đốc Công ty MHBS hưởng lợi 58 triệu đồng…