Tăng giá vé là cần thiết
Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa chấp thuận điều chỉnh giá vé tại 44 dự án BOT với tổng số 47 trạm thu phí, Thời gian điều chỉnh giá vé dự kiến từ 0 giờ ngày 29/12, với mức tăng tùy theo từng dự án.
Để chuẩn bị cho việc tăng giá vé, Bộ GTVT giao Cục Đường bộ Việt Nam kiểm tra, rà soát, giám sát, thống nhất với doanh nghiệp dự án về mức giá, thời điểm điều chỉnh giá vé của từng dự án, trạm thu phí, bảo đảm không vượt quá mức giá tối đa quy định tại Thông tư 28/2021 của Bộ GTVT và hoàn tất thủ tục điều chỉnh giá vé các dự án, trạm thu phí theo đúng quy định.
Đồng thời, Bộ GTVT cũng yêu cầu các doanh nghiệp (DN) dự án kiểm tra, rà soát danh sách đối tượng thu, mức thu, đối tượng miễn, giảm giá vé và hoàn tất các thủ tục điều chỉnh giá vé dự án và trạm thu phí theo đúng quy định; thực hiện thông báo công khai việc điều chỉnh giá vé trên các phương tiện thông tin đại chúng và các cơ quan liên quan.
Việc tăng giá sử dụng cầu đường tác động lên CPI không đáng kể. Theo tính toán, giá cước vận tải trên các tuyến đường BOT tăng 0,2 - 1,4%, tương đương với mức tăng CPI ngưỡng 0,002 - 0,014%. Đây là mức tăng nhỏ, không ảnh hưởng đến rổ chi phí hàng hóa - Chủ tịch Hội thẩm định giá Việt Nam Nguyễn Tiến Thỏa
Lý giải cho việc điều chỉnh tăng giá vé đối với 44 dự án BOT lần này, Cục Đường bộ Việt Nam cho rằng, các dự án BOT do Bộ GTVT quản lý đưa vào khai thác chủ yếu từ trước năm 2016, theo quy định của hợp đồng dự án BOT, trong thời gian ba năm các dự án được điều chỉnh tăng giá một lần, với mức tăng là 6% mỗi năm.
Năm 2019 – 2022, hầu hết các dự án tới kỳ điều chỉnh giá theo hợp đồng, cá biệt có những dự án đã đến chu kỳ tăng vé lần hai nhưng vẫn chưa được tăng giá. Điều này ảnh hưởng đến phương án tài chính và khả năng hoàn vốn của dự án.
Bên cạnh đó, với lưu lượng xe hiện nay nếu không điều chỉnh giá, ước tính lũy kế doanh thu từ đầu dự án đến hết năm 2025, chỉ 16 dự án có mức doanh thu đạt trên 75% theo phương án tài chính tại hợp đồng dự án.
Trong trường hợp được tăng giá, số lượng dự án đạt doanh thu trên 75% theo phương án tài chính là 26. Thậm chí, ngay các khi các dự án BOT được điều chỉnh giá vé thì doanh thu các dự án cũng không đạt 100% theo phương án đã được xây dựng.
Các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá vé qua trạm BOT là cần thiết bởi theo lộ trình cứ 3 năm cần điều chỉnh giá một lần. Thực tế, trong suốt 6 - 7 năm qua, giá vé qua các trạm BOT gần như không thay đổi. Điều này đã ảnh hưởng khá nhiều đến phương án tài chính của các dự án BOT.
Giá vé phải tương xứng với chất lượng đường
Ông Nguyễn Văn Quyền - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải ô tô Việt Nam cho biết, việc tăng giá tại các dự án BOT nằm trong lộ trình điều chỉnh giá được quy định trong hợp đồng BOT. Vì vậy, trong quá trình Bộ GTVT lấy ý kiến, hiệp hội đã xem xét và đồng tình việc điều chỉnh giá vé theo quy định pháp luật nhằm đảm bảo phương án tài chính cho nhà đầu tư.
“Việc Nhà nước phải xem xét để điều chỉnh mức thu theo hợp đồng BOT và phương án tài chính của nhà đầu tư là cần thiết. Nếu không các nhà đầu tư sẽ thiệt hại lớn, ảnh hưởng đến chủ trương chung của Chính phủ về thu hút các nguồn lực phát triển hạ tầng giao thông " – ông Nguyễn Văn Quyền nói.
Đồng quan điểm trên, PGS.TS Trần Chủng - Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ Việt Nam (VARSI) cũng cho rằng, việc điều chỉnh giá vé tại 44 hợp đồng BOT đường bộ sẽ là ‘chiếc phao cứu sinh’ giúp nhiều dự án BOT đường bộ đang ngập trong khó khăn từng bước cải thiện được phương án tài chính.
“Mức giá tối đa cho một lần sử dụng dịch vụ đường bộ được xây dựng từ năm 2015 đã quá lạc hậu. Ngay trong đợt điều chỉnh vào ngày 29/12/2023, nhiều dự án phải áp dụng mức giá tối đa cho một số nhóm phương tiện. Vì vậy, các cơ quan chức năng cần khẩn trương xây dựng lại mức giá tối đa mới cho sát với diễn biến thực tế, đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư” – ông Trần Chủng nói.
Doanh nghiệp vận tải chia sẻ với áp lực của việc phải đảm bảo phương án tài chính, các cam kết đã ký trong hợp đồng BOT là lớn, chủ đầu tư đề xuất tăng phí là chính đáng. Nhưng việc tăng phí sử dụng dịch vụ đường bộ vào năm 2024 cần xây dựng lộ trình. Trong thời điểm hiện nay, nền kinh tế nói chung và ngành vận tải nói riêng vẫn đang khó khăn, dự báo khó khăn còn kéo dài tới hết năm 2025, vì vậy, các cơ quan quản lý Nhà nước cần tiếp tục nghiên cứu và xem xét việc tăng phí BOT - Phó Chủ tịch hiệp hội vận tải Hà Nội Đỗ Văn Bằng
Ở góc nhìn khác, nhiều chuyên gia lưu ý rằng, việc tăng giá vé vé BOT cần có sự cân nhắc kỹ lưỡng và xây dựng lộ trình cụ thể cho phù hợp với từng dự án. Tăng giá vé phải đi đôi với tăng chất lượng dịch vụ để người dân cảm thấy số tiền bỏ ra để mua vé qua trạm BOT là xứng đáng.
TS Phan Lê Bình – Chuyên gia giao thông nhận định, việc tăng phí sử dụng đường bộ các tuyến đường được làm theo hình thức BOT cần căn cứ trên thực tế khai thác của từng dự án, không thể tăng theo mức chung và gom các dự án lại để cùng tăng ở một thời điểm. Trước khi tăng phí, ngoài xem phương án tài chính cần tính đến các yếu tố thực tế.
“Nếu lượng xe tăng trưởng tốt, vượt phương án tính toán thì nhà đầu tư cần đưa ra cơ sở pháp lý để tăng hay giảm phí. Trường hợp lưu lượng xe tăng quá lớn, vượt dự toán ban đầu thì thay vì tăng phí, nhà đầu tư còn phải tính tới cả phương án giảm phí mới thỏa đáng” – TS Phan Lê Bình phân tích.
Trong khi đó, PGS.TS Nguyễn Quang Toản - Hội Cầu đường Việt Nam nhấn mạnh, tăng giá vé phải đi đôi với tăng chất lượng dịch vụ. Theo đó, những dự án BOT được tăng giá thì chất lượng đường phải được đảm bảo, làm sao để người dân cảm thấy tuyến đường mình đi phải có chất lượng tương xứng với số tiền mình bỏ ra để mua vé qua trạm BOT.
Các chuyên gia cho rằng, việc tăng giá vé cần phải được cân nhắc thật kỹ đối với những tuyến cao tốc lâu nay “có tiếng” về chất lượng dịch vụ. Đơn cử như tuyến cao tốc Nội Bài – Lào Cai, sau một thời gian đưa vào khai thác hiện tuyến đường này đã xuống cấp nhiều. Một số đoạn mặt đường đã lún nứt, nổi nhiều sống trâu rất nguy hiểm. Bên cạnh đó hệ thống trạm dừng nghỉ nhếch nhác thiếu sự đầu tư, quản lý…
Đó là chưa kể tuyến cao tốc này nhiều đoạn chỉ có 2 làn đường và không có dải phân cách giữa. Với chất lượng xuống cấp như trên, việc người tham gia giao thông phải trả 1.200 đồng/1km đường cao tốc tuyến Hà Nội - Lào Cai là chưa tương xứng chứ đừng nói đến chuyện tăng giá vé.
Có ba nhà đầu tư kiến nghị không điều chỉnh tăng giá vé gồm trạm Cù Mông thuộc dự án hầm đường bộ Đèo Cả; trạm Km1747 thuộc dự án nâng cấp, mở rộng đường Hồ Chí Minh (QL14), đoạn thuộc tỉnh Đắk Lắk; trạm Km11+625 thuộc dự án đầu tư cải tạo, nâng cấp QL38, đoạn nối QL1 với QL5 qua địa phận hai tỉnh Bắc Ninh và Hải Dương.