KTĐT - Có nhiều điều kiện phát triển nhưng giống như nhiều ngành hàng khác tại Việt Nam, nhưng ngành bia cũng gặp phải vấn nạn “hàng giả, hàng nhái” gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp.
Cuộc vận động “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” gần đây được coi là đòn bẩy chủ lực để các doanh nghiệp nội thực hiện những cuộc "lên ngôi" trên sân nhà, trong đó có ngành rượu - bia - nước giải khát.
Lâu nay, thị trường bia gặp rất nhiều khó khăn do tâm lý chuộng hàng ngoại, do các chiến dịch quảng bá truyền thông chuyên nghiệp khá mạnh của các thương hiệu ngoại. Tuy nhiên, theo báo cáo quý I, năm 2009 của Hiệp hội Bia - Rượu - Nước giải khát Việt Nam, mức tiêu thụ các sản phẩm bia tăng trưởng hàng năm 18%. Đến năm 2010, thị trường bia có thể đạt mức tiêu thụ 3,5 tỷ lít. Đây là một tín hiệu đáng mừng cho các doanh nghiệp bia trong nước.
Quy hoạch phát triển ngành bia - rượu - nước giải khát Việt Nam đến năm 2015, tầm nhìn đến 2025 đã được Bộ Công Thương phê duyệt, năm 2010 cũng được coi như một đòn bẩy để thị trường đồ uống nội nói riêng, thị trường bia nội nói chung có thể phát triển. Theo đó, Việt Nam sẽ sản xuất và tiêu thụ 3,1 - 3,2 tỷ lít bia (bình quân mỗi người sẽ sử dụng 35 - 36 một năm) trong năm 2010, đến năm 2015 sẽ sản xuất và tiêu thụ 4,6 - 4,7 tỷ lít bia còn đến năm 2025, sức tiêu thụ bia sẽ lên tới 7 - 7,5 tỷ lít.
Có nhiều điều kiện phát triển nhưng giống như nhiều ngành hàng khác tại Việt Nam, nhưng ngành bia cũng gặp phải vấn nạn “hàng giả, hàng nhái” gây khó khăn cho nhiều doanh nghiệp. Nguyên nhân của vấn nạn này do các chế tài, quy định pháp luật còn chưa chặt chẽ và chưa đủ để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp.
Thực tế tại thị trường Việt Nam, tất cả các mặt hàng từ hàng hiệu thế giới đến hàng nội địa cao cấp và bình dân đều vấp phải một vấn nạn “hàng giả hàng nhái” rất khó giải quyết triệt để do các chế tài và các quy định pháp luật còn chưa chặt chẽ và chưa đủ để bảo vệ quyền lợi cho các doanh nghiệp. Luật sư Đỗ Minh Thuỷ, Văn phòng Phạm và Liên Danh, cho biết kiện doanh nghiệp làm hàng giả, hàng nhái ra được đến toà án rất khó bởi Nhà nước đã có quy định trước khi xử lý hình sự phải cảnh báo bằng văn bản nhưng khi bị tiến hành cảnh báo bằng văn bản lần đầu thì doanh nghiệp vi phạm có sửa chữa bằng cách thay đổi yếu tố rất nhỏ trong nhãn hiệu như vậy một thương hiệu bị làm nhái thành mấy chục nhãn hiệu.
Trước tình hình khó khăn này, các doanh nghiệp buộc phải tự cứu mình và bảo vệ quyền lợi cho người tiêu dùng bằng những cách riêng. Nhà máy bia Đông Nam Á chú trọng việc giới thiệu thương hiệu mới Halida Thăng Long đến với người tiêu dùng bằng cách sử dụng các đường cong đặc biệt chỉ có trên thân chai bia. Điều này đảm bảo cho nhãn chai không bị xước hay rách khi vận chuyển trong két nhựa. Dấu hiệu dễ nhận biết này giúp người tiêu dùng có thể tự mình bảo vệ mình khỏi hiện tượng hàng nhái, hàng kém chất lượng.