Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng Việt dần lấy lại vị thế

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Trung thu, sức mua đồ chơi vì thế cũng đã tăng mạnh.

Điểm nổi bật mùa Trung thu năm nay là đồ chơi truyền thống đang tái khẳng định lại vị thế của mình, dần đánh bật hàng ngoại ra khỏi thị trường nội địa.

Đồ chơi truyền thống hồi sinh

Những ngày này, phố Hàng Mã nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Điều dễ nhận thấy là đồ chơi truyền thống như đèn Trung thu, mặt nạ, trống cơm, đầu sư tử… chiếm số lượng lớn trong các cửa hàng. Chị Thu Lan - chủ cửa hàng 74 Hàng Mã cho biết, năm nay, cửa hàng chủ yếu kinh doanh đồ chơi Trung thu truyền thống, bởi sản phẩm các làng nghề, DN Việt Nam đã có nhiều cải tiến về mẫu mã, giá cả hợp lý, nhất là các loại đền lồng.
Đồ chơi truyền thống bày bán tại Times City. Ảnh: Hoài Nam
Đồ chơi truyền thống bày bán tại Times City. Ảnh: Hoài Nam
Thực tế cho thấy, trong dịp Tết Trung thu năm nay, mặt hàng đèn lồng được tiêu thụ mạnh. Để đáp ứng nhu cầu này, DN, làng nghề đã đưa ra thị trường nhiều mẫu mã mới. Cụ thể, đèn lồng ngoài mẫu mã truyền thống còn có thêm những mẫu đèn hình con cá, con bướm đến bông hoa…, giá dao động từ 15.000 - 60.000 đồng/chiếc. Đặc biệt, trên thị trường đã xuất hiện các mẫu đèn lồng in hình biển đảo, cảnh sát biển, Hoàng Sa, Trường Sa, Thánh Gióng, Hai Bà Trưng... với các khẩu hiệu về chủ quyền của Việt Nam như: “Hoàng Sa - Trường Sa là của Việt Nam”, “Em yêu chú bộ đội hải quân Việt Nam”..., có giá từ 30.000 - 60.000 đồng/chiếc. “Loại lồng đèn cổ truyền in nội dung chủ quyền đất nước, biển đảo đã thu hút một lượng lớn người tiêu dùng, trung bình mỗi ngày cửa hàng tiêu thụ được khoảng 150 chiếc đèn kiểu này” - chị Lan cho biết.

Theo bà Tạ Thị Châu - Phó Giám đốc Công ty CP Bao bì kỹ thuật mới, DN sản xuất đồ chơi trẻ em: Trong cơ cấu sản phẩm đèn lồng Trung thu do Công ty sản xuất, ngoại trừ bóng đèn và chip nhạc trong nước chưa sản xuất được nên phải đặt mua từ Đài Loan (Trung Quốc), còn các bộ phận khác đều là hàng nội địa. Nhờ chủ động nguồn nguyên liệu sản xuất nên Công ty đã đưa ra thị trường 120 mẫu đèn lồng, trong đó có 50 mẫu mới tôn vinh lòng yêu nước, chủ quyền biển đảo Tổ quốc. Quan trọng hơn cả là không có tính bạo lực, đây là điều mà tất cả các phụ huynh đều mong muốn.

Nỗi lo hàng giả

Lợi dụng sức tiêu thụ đồ chơi Việt tăng cao, những ngày này, dân buôn lậu đã tăng cường vận chuyển, tiêu thụ đồ chơi nhập lậu nhái mẫu mã hàng Việt.

Phản ánh từ một số DN sản xuất đồ chơi Trung thu cho thấy, sản phẩm đồ chơi Trung thu do DN Việt Nam sản xuất vừa ra thị trường 2 - 3 ngày thì hàng nhái đã xuất hiện, chủ yếu là hàng do Trung Quốc sản xuất, mẫu mã, logo gần giống hàng Việt. Nhiều người bán vì lợi nhuận vẫn nhập loại đèn nhái, bởi đèn lồng Việt chỉ lãi được cao nhất 5.000 đồng/chiếc, trong khi đèn nhái có thể lãi đến 30.000 đồng/chiếc.

Nhằm ngăn chặn hàng lậu, hàng giả, qua đó bảo vệ hàng Việt, Chi cục Quản lý thị trường (QLTT) Hà Nội đã thành lập các chuyên đề riêng tại tất cả các quận, huyện để xây dựng kế hoạch kiểm tra, kiểm soát hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em. Ông Nguyễn Đắc Lộc - Phó Chi cục trưởng Chi cục QLTT Hà Nội cho biết: Chi cục đã tiến hành kiểm tra hoạt động xuất nhập khẩu, kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em tại tất cả các quận, huyện trên địa bàn TP, đặc biệt là quận Hoàn Kiếm và chợ Đồng Xuân, phố Hàng Mã… Trong quá trình kiểm tra, lực lượng QLTT chú trọng kiểm tra về nguồn gốc xuất xứ, tem hợp quy. Tất cả các mặt hàng đồ chơi không đảm bảo được các tiêu chí này sẽ bị tịch thu. Mới đây nhất, qua kiểm tra một số điểm kinh doanh, tập kết hàng hóa trên địa bàn quận Hoàn Kiếm đã phát hiện thu hơn 3.000 sản phẩm đồ chơi trẻ em. Toàn bộ số đồ chơi này đều là hàng hóa nhập lậu, không có hóa đơn, chứng từ chứng minh nguồn gốc, xuất xứ. Tính đến thời điểm này, Chi cục QLTT đã xử lý được 53 vụ vi phạm, phạt hành chính 374 triệu đồng, thu giữ 51.300 sản phẩm với giá trị gần 100 triệu đồng.

Việc lực lượng QLTT Hà Nội đẩy mạnh kiểm soát thị trường đã góp phần ngăn chặn hàng giả, nhái nhãn mác, kiểu dáng, hạn chế đồ chơi bạo lực nhập lậu, nhằm đảm bảo thị trường đồ chơi Trung thu trong sạch cho các cháu thiếu nhi. Đồng thời, qua đó hỗ trợ DN trong nước đẩy mạnh sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, nâng cao sức cạnh tranh, giành lại thị trường cho hàng nội.