Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hàng Việt khó chiếm lĩnh thị trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sau 3 năm thực hiện Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", hàng Việt đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng. Tuy nhiên, để hàng Việt chiếm lĩnh được thị trường, đòi hỏi phải phát triển hệ thống bán lẻ hiện đại.

Nhiều bất cập

Theo số liệu công bố tại hội thảo "Hàng Việt Nam trong hệ thống bán lẻ hiện đại, cần một chiến lược lâu dài" do Bộ Công Thương tổ chức 18/9 cho thấy, tỷ lệ hàng Việt đang được bán trong các kênh bán lẻ hiện đại đang chiếm tỷ lệ cao từ 70 - 98%.Các ý kiến đưa ra tại hội thảo khẳng định, hệ thống bán lẻ hiện đại với các loại hình như: siêu thị, cửa hàng tiện lợi, trung tâm mua sắm, bán hàng trên mạng... đã góp phần làm thay đổi diện mạo của ngành thương mại, thay đổi thói quen mua sắm, tiêu dùng của người dân. Đây cũng là kênh phân phối quan trọng đưa hàng Việt đến với người tiêu dùng. Nếu như năm 2006, tỷ trọng hàng Việt trong hệ thống bán lẻ chỉ chiếm khoảng 50%, thì đến nay có siêu thị như FiviMart, HaproMart, Co.opMart... , tỷ lệ hàng Việt chiếm từ 60 - 95%.

Hàng Việt khó chiếm lĩnh thị trường - Ảnh 1

Người dân tín nhiệm lựa chọn sản phẩm may mặc trong chương trình đưa hàng Việt về nông thôn tại huyện Thạch Thất. Ảnh: Hoài Nam

Tuy nhiên, sự thâm nhập hàng Việt tại kênh bán lẻ hiện đại ở từng nhà bán lẻ và ở mỗi ngành hàng. Cụ thể, đối với những ngành hàng thực phẩm, hiện hàng Việt đang chiếm ưu thế với tỷ trọng từ 80 - 95%; trong khi đó ngành hàng đồ dùng gia dụng lại khá yếu thế với tỷ trọng từ 50 -60%, thậm chí có thời điểm tại những nhà bán lẻ có thế mạnh kinh doanh hàng nhập khẩu, tỷ lệ này còn xuống dưới mức 40%.

Có tình trạng này là do nhiều sản phẩm chất lượng chưa cao, quy cách đóng gói, bao bì còn đơn điệu chưa theo kịp với thị hiếu người tiêu dùng, nguồn cung hàng hóa không ổn định. Bên cạnh đó, các sản phẩm Việt khi đưa vào tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ hiện đại phải chịu thêm nhiều chi phí như: Hỗ trợ quảng cáo, khuyến mại, phí thuê quầy, chiết khấu… điều này khiến cho giá thành sản phẩm tăng cao so với mặt bằng chung nên khó thu hút khách hàng.

Với hệ thống bán lẻ hiện đại, hàng hóa chất lượng cao hơn so với nếu đưa vào hệ thống khác. Để hàng Việt thâm nhập sâu vào hệ thống bán lẻ hiện đại thì điều quan trọng là phải có sản phẩm đa dạng về mẫu mã, chất lượng và giá cả hợp lý cho từng phân khúc thị trường. Trước hết, hàng hóa phải đạt chuẩn và phải cạnh tranh mới đưa hàng được vào. Vì vậy, chúng tôi một mặt vận động các doanh nghiệp bán lẻ thành viên ưu tiên cho các sản phẩm Việt Nam, mặt khách hướng dẫn các nhà sản xuất đạt yêu cầu của nhà bán lẻ.

Đinh Thị Mỹ Loan Phó Chủ tịch Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam

Một nguyên nhân khác, theo Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Nguyễn Văn Đồng, vẫn còn tình trạng doanh nghiệp (DN) lợi dụng hoạt động khuyến mại để thực hiện gian lận thương mại, tiêu thụ các mặt hàng tồn, hàng cũ, hàng nhái, sắp hết hạn sử dụng, điều này làm ảnh hưởng đến lợi ích, lòng tin của người tiêu dùng đối với hàng Việt.Ngoài ra, việc phân bố hệ thống bán lẻ hiện đại chủ yếu tập trung tại khu vực nội thành, hạ tầng thương mại tại các huyện ngoại thành chưa phát triển, điều đó khiến việc đưa hàng Việt tiêu thụ tại hệ thống bán lẻ hiện đại gặp nhiều khó khăn.

Bà Vũ Thị Hậu, Phó Tổng Giám đốc Công ty CP Nhất Nam than phiền: Hiện phần lớn DN sản xuất không chọn siêu thị làm nhà phân phối nên siêu thị phải lấy hàng qua đại lý, điều đó khiến giá hàng hóa tại siêu thị luôn cao do phải cộng thêm lãi của đại lý cấp I.

Cần chiến lược lâu dài

Để đẩy mạnh tiêu thụ hàng Việt trong hệ thống bán lẻ hiện đại bên cạnh việc cải tiến mẫu mã, nâng cao chất lượng sản phẩm thì hoạt động mở rộng mạng lưới phân phối là điều cần thiết.

Bà Nguyễn Thị Hạnh, Tổng Giám đốc Saigon Co.op kiến nghị: Bộ Công Thương cần thiết có các chính sách thiết thực để hỗ trợ những nhà bán lẻ thuần Việt phát triển mạng lưới, đồng thời quy hoạch mạng lưới bán lẻ phù hợp và áp dụng thực hiện các nguyên tắc về tiêu chí kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) trước khi cấp phép đầu tư, mở thêm chi nhánh đối với nhà bán lẻ nước ngoài.

Trong khi đó, Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội Nguyễn Tiến Vượng đề xuất, Chính phủ cần tạo điều kiện cho các DN mở rộng hệ thống phân phối bằng việc xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ DN về địa điểm, vốn vay ưu đãi… những chính sách này sẽ góp giúp DN nâng cao năng lực cạnh tranh với các tập đoàn bán lẻ nước ngoài.

Theo Thứ trưởng Hồ Thị Kim Thoa, nhằm hỗ trợ DN mở rộng hệ thống bán lẻ hiện đại từ đó tăng cường tiêu thụ hàng Việt, thời gian tới, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đề xuất với Chính phủ có chính sách hỗ trợ cho DN trong việc tiếp cận tín dụng thuận lợi bằng cách xây dựng quỹ cho DN phân phối trong nước vay ưu đãi trong việc xây dựng hệ thống bán lẻ, có chính sách ưu tiên về mặt bằng, hạ tầng, thuế, phí. Tuy nhiên bên cạnh sự hỗ trợ của Nhà nước, chính bản thân DN phải tự tìm hướng đi riêng, có chính sách đầu tư cụ thể vào từng phân khúc thị trường, có mẫu mã, giá cả hợp lý. Bên cạnh đó, DN nên đẩy mạnh việc xây dựng thương hiệu để người tiêu dùng bắt nhịp với hàng hóa Việt.

Hiệp hội Các nhà bán lẻ Việt Nam phải là cầu nối gắn kết giữa các nhà bán lẻ với DN sản xuất hàng hóa, từ đó giảm chi phí qua khâu trung gian đi thẳng từ sản xuất tới cửa hàng bán lẻ hiện đại đến tận tay người tiêu dùng. Ngoài ra, các địa phương tạo điều kiện cho DN bán lẻ tìm kiếm địa điểm xây dựng hệ thống bán lẻ hiện đại, mở rộng thị trường tiêu thụ sản phẩm nội địa; Đẩy mạnh hỗ trợ nông dân trong việc sản xuất hàng nông sản đạt chất lượng cao cung ứng cho DN sản xuất, phân phối. Lực lượng chức năng đẩy mạnh công tác chống sản xuất hàng giả, hàng lậu và gian lận thương mại qua đó bảo vệ doanh nghiệp, người tiêu dùng trong nước.

Bộ Công Thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh phát triển đa dạng kết cấu hạ tầng thương mại tại các địa phương, nhất là các loại hình bán lẻ hiện đại để đạt được mục tiêu theo Quy hoạch tổng thể phát triển thương mại Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến 2030. Phấn đấu đưa tỷ trọng bán lẻ từ khoảng 20% hiện nay lên 40% vào năm 2020.

Lê Việt Nga Phó Vụ trưởng Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương)