"Một trong những việc các DN Việt Nam cần làm ngay là đầu tư nâng cao giá trị, chất lượng sản phẩm hàng hóa nhằm củng cố tính cạnh tranh của sản phẩm tại thị trường EU. Các DN cần chú trọng vấn đề vệ sinh thực phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn và quy trình quản lý do EU quy định, coi trọng trách nhiệm xã hội, minh bạch hóa thông tin về lao động, môi trường sản xuất, đặc biệt bảo đảm quy tắc xuất xứ khi xuất khẩu vào EU" - Chủ tịch Hiệp hội DNNVV Việt Nam Nguyễn Văn Thân Từ ngày 1/8, ngay khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với khoảng 85,6% số dòng thuế, tương đương 70,3% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU. Sau 7 năm kể từ khi Hiệp định có hiệu lực, EU sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với 99,2% số dòng thuế, tương đương 99,7% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Đối với khoảng 0,3% kim ngạch xuất khẩu còn lại, EU cam kết dành cho Việt Nam hạn ngạch thuế quan với thuế nhập khẩu trong hạn ngạch là 0%. |
Hàng Việt rộng mở vào EU
Kinhtedothi - Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) chính thức có hiệu lực từ 1/8/2020 đang mở ra cơ hội lớn cho Việt Nam thâm nhập thị trường EU đầy tiềm năng với hơn 500 triệu dân và quy mô khoảng 18.000 tỷ USD.
Trong bối cảnh đại dịch Covid-19 quay trở lại và diễn biến phức tạp, EVFTA là "vị cứu tinh" giúp DN Việt Nam lấy lại đà tăng trưởng, mở rộng xuất khẩu, tiến sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Cú hích tăng trưởng xuất khẩu
Bộ trưởng Bộ Công Thương Trần Tuấn Anh khẳng định, EVFTA chính thức thực thi là cú hích lớn cho xuất khẩu của Việt Nam, giúp đa dạng hóa thị trường và mặt hàng xuất khẩu, đặc biệt là các mặt hàng nông, thủy sản cũng như những mặt hàng Việt Nam vốn có nhiều lợi thế cạnh tranh.
Thực tế thời gian qua, DN trong nước còn loay hoay tại thị trường châu Âu do cạnh tranh đến từ các nền công nghiệp quy mô khác trên thế giới, đặc biệt là Trung Quốc. Giá sản phẩm của Việt Nam thường cao hơn 10 - 20% so với nước bạn. Do vậy, thị phần hàng hóa của Việt Nam tại EU còn khiêm tốn. Trong khi đó, EU là thị trường nhập khẩu lớn thứ 2 thế giới.
Hàng năm, EU nhập khẩu khoảng 2.338 tỷ USD, trong khi thị phần xuất khẩu của Việt Nam ở EU khoảng 2% với chỉ hơn 42% kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU được hưởng mức thuế 0% theo Chương trình ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP). Do đó, với những cam kết mở cửa thị trường mạnh mẽ, cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu lên tới gần 100% biểu thuế trong EVFTA, cơ hội gia tăng xuất khẩu của Việt Nam là rất lớn, nhất là đối với những mặt hàng lợi thế như dệt may, da giày, nông thủy sản, đồ gỗ...
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, Hiệp định EVFTA sẽ giúp kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU tăng thêm khoảng 20% vào năm 2020; 42,7% vào năm 2025 và 44,37% vào năm 2030 so với không có hiệp định.
Đồng thời, kim ngạch nhập khẩu từ EU cũng tăng nhưng với tốc độ thấp hơn xuất khẩu, cụ thể là khoảng 15,28% vào năm 2020; 33,06% vào năm 2025 và 36,7% vào năm 2030. Về mặt vĩ mô, EVFTA góp phần làm GDP của Việt Nam tăng thêm ở mức bình quân 2,18 - 3,25% (năm 2019 - 2023); 4,57 - 5,30% (năm 2024 - 2028) và 7,07 - 7,72% (năm 2029 - 2033).
Lợi ích song hành sức ép
Nghiên cứu của Bộ Công Thương cho thấy, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của một số ngành sang EU dự kiến sẽ đạt kết quả tăng trưởng cao đối với một số ngành. Đơn cử, đối với nông thủy sản, EVFTA sẽ đem lại tiềm năng thị trường lớn cho xuất khẩu nông thủy sản tại Việt Nam, cụ thể là gạo (tăng thêm 65% vào năm 2025), đường (8%), thịt lợn (4%), lâm sản (3%), thịt gia súc gia cầm (4%), đồ uống và thuốc lá (5%) và thủy sản (2% trong giai đoạn 2020 - 2030).
Đối với ngành dệt may, dự báo kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may vào thị trường EU sẽ tăng nhanh với mức khoảng 67% đến năm 2025 so với không có hiệp định. Về sản lượng, nhìn chung EVFTA có tác động tích cực tới sản lượng với tốc độ tăng 6% (với ngành dệt) và 14% (với ngành may) vào năm 2030. Đối với ngành da giày, hiệp định khi có hiệu lực sẽ góp phần làm gia tăng đáng kể xuất khẩu giày da vào EU. Tốc độ tăng xuất khẩu vào EU dự báo sẽ gấp đôi vào 2025, và tổng xuất khẩu giày da cũng sẽ tăng khoảng 34%, sản lượng của toàn ngành tăng ở mức 31,8%.
Ở chiều ngược lại, các cam kết trong Hiệp định EVFTA cũng sẽ tạo ra sức ép cạnh tranh lớn đối với một số ngành. Chẳng hạn như ngành dược phẩm, dược phẩm từ EU sẽ vào Việt Nam thuận lợi, dễ dàng và trực tiếp hơn; cạnh tranh gay gắt hơn trong các gói thầu cung cấp thuốc cho các bệnh viện Việt Nam. Tác động này rõ rệt hơn với các loại biệt dược, thuốc chuyên dụng (nhóm thuốc có bảo hộ độc quyền, Việt Nam chưa sản xuất được).
Đối với ngành tài chính, ngân hàng, bảo hiểm, EVFTA tác động của mở cửa dịch vụ với nhóm ngành này là tích cực trên các góc độ cầu về dịch vụ, cơ hội hợp tác với các DN từ EU. Đến năm 2025, xuất khẩu dịch vụ tài chính, bảo hiểm của Việt Nam sẽ tăng khoảng 21%, nhập khẩu sẽ tăng 9,65%. Tuy nhiên, áp lực cạnh tranh là rất lớn, đồng thời, áp lực ổn định vĩ mô cũng lớn hơn do mở cửa dịch vụ này làm cho Việt Nam dễ nhạy cảm hơn với các cú sốc từ bên ngoài.
Doanh nghiệp chủ động thích ứng
Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) Nguyễn Thị Thu Trang cho rằng, cơ cấu kinh tế giữa Việt Nam và EU không phải là cơ cấu kinh tế cạnh tranh trực tiếp, đa phần các loại hàng hóa có thế mạnh của Việt Nam không phải là thế mạnh của EU và ngược lại.
Ngoài ra, bằng việc mở cửa thị trường cho hàng hóa EU, DN Việt Nam có thể tiếp cận nguyên phụ liệu, máy móc, thiết bị với giá thấp, từ đó là cơ hội tiết kiệm chi phí sản xuất, tăng cơ hội cạnh tranh hàng hóa của Việt Nam. “EU được xác định là thị trường kỹ tính và không phải DN nào cũng tiếp cận được. Do đó, để tiếp cận thị trường, các DN cần có giải pháp cụ thể trong việc đầu tư về thương hiệu, mẫu mã, chất lượng và cách xúc tiến tiếp cận với khách hàng, tiếp cận được vào hệ thống phân phối” - bà Nguyễn Thị Thu Trang lưu ý.
Theo phân tích của nhiều chuyên gia, các nước EU đã phát triển từ lâu và có hệ thống tiêu chuẩn cao trong khi Việt Nam vẫn đang trong giai đoạn phát triển thì việc đáp ứng các yêu cầu của EU đối với một số ngành hàng sẽ gặp khó khăn trong thời gian đầu. Mặt khác, nội dung cam kết về điều kiện áp dụng, lộ trình cắt giảm các loại thuế quan trong EVFTA là rất đa dạng và khác nhau đối với từng ngành hàng. Vì vậy, rất khó để có giải pháp chung cho tất cả các ngành hàng mà mỗi DN phải chủ động tìm hiểu, tra cứu và nghiên cứu những nội dung liên quan đến lĩnh vực mà mình đang kinh doanh để có phương án tận dụng hiệu quả.
Các chuyên gia cũng dự báo, dịch Covid-19 chắc chắn khiến việc triển khai một số nội dung liên quan của hiệp định EVFTA bị trì hoãn, nhưng những tác động tiêu cực này chỉ mang tính ngắn hạn.
Theo Đại sứ Việt Nam tại Vương quốc Bỉ, Trưởng đại diện phái đoàn Việt Nam tại EU Vũ Anh Quang, suy thoái kinh tế ở cả EU và Việt Nam do tác động của dịch Covid-19 sẽ khiến cho những lợi ích kinh tế mà EVFTA mang lại trong giai đoạn đầu triển khai sẽ không được như kỳ vọng vì các DN hai bên chưa thể tận dụng hết các ưu đãi do gián đoạn chuỗi cung ứng, gián đoạn lưu thông. Tuy nhiên, trong dài hạn, khi dịch bệnh được kiểm soát và các gói kích cầu kinh tế của hai bên đi vào hoạt động, thương mại hai bên sẽ bùng nổ trở lại.