Hễ ai nhắc đến chuyện đặt tiền mua hàng xách tay, chị Hạnh ở Tây Sơn, Hà Nội lại thở dài thườn thượt. Cách đây đúng một năm chị đã gặp không ít phiền hà khi mua hàng hóa xách tay từ nước ngoài.
Tháng 6/2010, đúng lúc cơn sốt iPhone 3GS lên đến cao trào thì một người bạn của chị Hạnh đi công tác nước ngoài. Mừng như vớ được vàng, chị vội bỏ 10 triệu đồng nhờ cậu bạn xuất ngoại tậu cho một "trái táo khuyết" - iPhone 3GS loại 16GB. Đúng 10 ngày sau hàng về, chị Hạnh hý hửng mang chú iPhone ra cửa hàng gần nhà để nhờ bẻ khóa. Sau gần nửa giờ kiểm tra, cậu thợ bẻ khóa thông báo chiếc iPhone của chị là phiên bản khóa mạng và thuộc dạng đặc biệt. Apple chỉ sản xuất khoảng 1.000 con vì vậy, muốn bẻ được khóa phải cần đến thiết bị chuyên dụng. "Chủ cửa hàng cho biết thiết bị này chỉ duy nhất trong Sài Gòn có một điểm nhập về. Nếu tôi vẫn muốn dùng máy, họ chuyển con chíp vào Sài Gòn để mở khóa. Thời gian chờ đợi khoảng 2 tuần và chi phí mà tôi bỏ thêm là 2 triệu đồng", chị Hạnh kể. Chị cho biết thời gian chờ đợi này nó làm chị giảm mất ham muốn sở hữu trái táo cắn dở. "Bực nhất là đúng thời điểm này, 2 hãng viễn thông VinaPhone và Viettel lại tung hàng ra bán với giá tương đương với mức mà tôi bỏ ra. Trong khi đó, nhà mạng lại có chính sách bảo hành còn chiếc iPhone 3GS xách tay của tôi mỗi lần dở chứng lại phải mang ra hàng, chi phí mỗi lần sửa lên tới cả triệu bạc", chị Hạnh nói. Trên thực tế, chị Hạnh không phải là trường hợp duy nhất mất tiền oan vì mua phải hàng "độc". Nam Anh, sinh viên năm cuối trường Đại học Kiến trúc Hà Nội từng "mất ăn mất ngủ" khi mua phải chiếc máy tính xách tay thuộc hàng "của hiếm của quý". Chiếc latop HP được Nam đặt hàng từ một người bạn nước ngoài thuộc dòng TX, màn hình cảm ứng, xoay 360 độ. "Dùng cái này không lo đụng hàng, trong số tất cả những người mình quen, chưa ai có sản phẩm tương tự nên thấy tự hào lắm", Nam Anh chia sẻ. Sau hơn một năm sử dụng, chiếc laptop của Nam Anh bị hỏng cáp màn hình. Cậu mang đi sửa chữa thì được báo giá 3,5 triệu đồng. Nam Anh kể, loại cáp dùng cho máy này phải đảm bảo khả năng xoay 360 độ nên đắt gần gấp đôi so với loại thông thường. Với mức giá đó, cậu cũng phải đi đến 5 cửa hàng mới có nơi nhận sửa, do sản phẩm này ở Việt Nam ít người dùng, linh kiện thay thế không phổ biến. Nhưng chỉ sau đó chừng 3 tháng, chiếc lap lại "dở chứng" với màn hình không nhận cảm ứng. Nếu muốn sửa, Nam Anh phải bỏ ra tiếp 3 triệu đồng và chờ ít nhất là một tháng rưỡi. "Họ bảo màn hình bình thường thay chỉ 2 triệu đồng, nửa tháng là có. Nhưng với máy của mình, họ phải đặt hàng chuyển từ nước ngoài về nên tốn kém và lâu hơn. Đến 'cháy' túi vì hàng độc!", Nam Anh than thở. Không chuộng đồ lạ, chị Minh, ở Cầu Giấy, Hà Nội thích hàng xách tay vì cho rằng tiết kiệm được chút ít vì không bị tính thuế. Chị Minh mua chiếc điện thoại Samsung Behold qua mạng của một du học sinh mang trực tiếp từ Hàn Quốc về. Nhưng khi "dế" bị chai pin, chị tìm khắp Hà Nội cũng không có loại tương thích, đành bỏ phí dù mới sử dụng được 8 tháng. Minh Đức, sinh viên vừa tốt nghiệp đại học Xây dựng Hà Nội cũng rơi vào tình cảnh tương tự. Thấy phù hợp với túi tiền và nhu cầu sử dụng nên cậu chọn mua chiếc điện thoại Lenovo model I350, 2 sim 2 sóng, giá 1,5 triệu đồng của cửa hàng Mobimart trên phố Thái Hà. Mới sử dụng được nửa năm thì màn hình bị nhòe với những đường vạch ngang dọc, không thể nhìn được. Khi cậu mang đi sửa thì những nhiều cửa hàng từ chối vì không có màn hình của hãng này. Đức phải đến chính nơi đã mua để sửa với giá 400.000 đồng, gần bằng một phần ba giá trị cả chiếc máy và chờ hơn 2 ngày. Nhân viên của Mobimart cho biết, họ phải đặt linh kiện của Lenovo chuyển từ TP HCM ra chứ không có sẵn. Hãng này cũng không phân phối bán lẻ bên ngoài nên tìm đồ thay thế không đơn giản. Trao đổi với PV, anh Trần Đình Nam, phụ trách kỹ thuật bảo hành của một hệ thống siêu thị điện máy lớn ở Hà Nội cho biết, hiện nay trên thị trường có một số sản phẩm được xách tay từ nước ngoài về nhưng không phổ biến trong nước nên khi hỏng hóc, rất khó kiếm được linh kiện thay thế. Theo anh Nam, đa phần, hàng qua công ty nhập khẩu bao giờ cũng có số lượng lớn trên thị trường. Còn hàng xách tay, về 'nhỏ giọt' thì đồ thay thế khó, thậm chí ngay cả địa chỉ bảo hành của hãng đó ở trong nước cũng chưa chắc đã có. Thêm đó, khi khách muốn sửa chữa, các cửa hàng phải đặt linh kiện về nên chuyện giá bị đội do khâu vận chuyển, chờ đợi cũng là điều khó tránh. "Nếu không may bị hỏng hóc, phải kiếm đồ thay thế thì người sử dụng nên qua trực tiếp nơi đã mua để tìm kiếm. Vì thông thường họ có mối quan hệ với nơi cung cấp sản phẩm. Tuy nhiên, để tránh rơi vào thế bị động, trước khi quyết định mua, người tiêu dùng nên tìm hiểu và cân nhắc kỹ xem ở thị trường trong nước, sản phẩm đó có phổ biến và dễ thay thế không", anh Nam tư vấn.