Thời gian gần đây, hành lang an toàn giao thông (HLATGT) tỉnh lộ 419, đoạn qua thị trấn Đại Nghĩa, huyện Mỹ Đức, Hà Nội xuất hiện hàng chục ngôi nhà tạm được làm bằng khung sắt, mái tôn. Xác định đây là những công trình vi phạm, nhưng đến nay, chính quyền sở tại vẫn chưa xử lý mà có đề án xin xây dựng làm địa điểm kinh doanh. Vậy ý tưởng này có hợp lý và đúng quy định của pháp luật?
Ồ ạt xây dựng trái phép
Bám theo chiều dài hơn 1km vỉa hè dọc tỉnh lộ 419 đoạn qua thị trấn Đại Nghĩa hiện đang có khoảng 40 ngôi nhà tạm được dựng bằng cột sắt, mái tôn và bốn bề quây tôn với đủ kiểu dáng, kích cỡ. Công trình nhỏ diện tích khoảng 20m2², công trình lớn có diện tích lên đến hàng trăm mét vuông. Những công trình này chủ yếu được làm bằng khung sắt, mái tôn xuất hiện từ đầu năm 2014, nhưng từ tháng 9/2014 đến nay được làm “ồ ạt” và tập trung chủ yếu tại địa phận tổ dân phố Văn Giang và Thọ Sơn.
Cuối tháng 12/2014, khi phóng viên có mặt tại tỉnh lộ 419, phát hiện thêm 4 trường hợp vi phạm. Các chủ đầu tư tự ý phân chia vị trí để đổ bê tông và dựng khung nhà tạm. Theo quan sát, vị trí các công trình vi phạm chỉ cách trụ sở UBND thị trấn Đại Nghĩa khoảng 500m.
Qua tìm hiểu được biết, đầu năm 2014, UBND thị trấn Đại Nghĩa xây dựng đề án quản lý lòng đường, vỉa hè với mục đích tận dụng những nơi có HLATGT đường bộ rộng để người dân làm nhà tạm bằng khung sắt, mái tôn kinh doanh tạo nguồn thu, trong đó có vỉa hè tỉnh lộ 419 rộng khoảng 6m. Mặc dù đề án đã được Đảng ủy, UBND thị trấn thống nhất trình UBND huyện. Tuy nhiên, đến nay, khi chưa được UBND huyện chấp thuận song các hộ đã đua nhau dựng nhà tạm để kinh doanh, buôn bán chiếm dụng hết vỉa hè, lấn chiếm đất nông nghiệp, gây mất mỹ quan đô thị và mất an ninh trật tự.
Cần sớm xử lý dứt điểm vi phạm
Chủ tịch UBND thị trấn Đại Nghĩa Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi lập đề án, Đảng ủy, UBND thị trấn đã thông qua và nhất trí trình UBND huyện. Tiếp đó, UBND thị trấn sơn kẻ vạch bớt 1,5m vỉa hè để dành cho người đi bộ, đồng thời yêu cầu các hộ chỉ được làm nhà tạm bằng khung sắt, mái tôn khi được UBND huyện chấp thuận. Quan điểm của UBND thị trấn là khi xây dựng đề án với mong muốn tận dụng những vị trí HLATGT rộng để tạo điều kiện cho người dân kinh doanh có thêm thu nhập. Vừa qua, UBND thị trấn cùng các phòng chuyên môn của huyện khảo sát thực địa, xác định vị trí được dựng nhà mái tôn, nhưng chỉ được dựng cột, lợp mái mà không được quây tôn xung quanh, và các hộ chỉ được bán hàng vào ban ngày, không được ở lại ban đêm. Do UBND huyện chưa có văn bản chấp thuận nên UBND thị trấn chưa thu thuế kinh doanh của các hộ.
Phó phòng Quản lý đô thị huyện Mỹ Đức Lê Nghiêm Huấn khẳng định: “UBND huyện và UBND thị trấn chưa thống nhất phương án cuối cùng về vị trí và quy cách dựng nhà tạm bằng tôn. Đầu tháng 12/2014, Phòng đã kiểm tra hiện trạng, qua đó xác định có 38 hộ vi phạm xây dựng trên đất HLATGT đường bộ tỉnh lộ 419, trong đó có 12 trường hợp lấn chiếm đất nông nghiệp. Mặc dù lực lượng chức năng của huyện đã lập biên bản và yêu cầu các hộ tháo dỡ công trình vi phạm, nhưng đến nay, không hộ nào chấp hành. Để các hộ tự ý dựng nhà tạm trên HLATGT đường bộ, trách nhiệm đầu tiên thuộc về UBND thị trấn”.
Trong khi đề án quản lý lòng đường, vỉa hè chưa được UBND huyện chấp thuận, nhưng UBND thị trấn Đại Nghĩa đã “bật đèn xanh” để các hộ ồ ạt dựng nhà bằng khung sắt, mái tôn là trái quy định. Vì vậy, để tránh gia tăng vi phạm, đề nghị UBND huyện Mỹ Đức chỉ đạo UBND thị trấn Đại Nghĩa và các phòng chức năng sớm xử lý dứt điểm vi phạm.
Nhà khung sắt, mái tôn trên đất hành lang ATGT đoạn qua thị trấn Đại Nghĩa.
|