“Cây cầu hữu nghị” ĐNND nhờ đó không chỉ quảng bá hình ảnh Hà Nội thân thiện, hòa bình với bạn bè quốc tế mà còn góp phần giao lưu văn hóa, thúc đẩy tiềm năng kinh tế, du lịch.
Cầu nối tình hữu nghị
Tham dự chuyến đi tới làng nghề Bát Tràng theo chương trình Du xuân hữu nghị năm 2014, được tận tay quay đất, nhào nặn nên những chiếc bát, chiếc cốc gốm, các nhà ngoại giao đều cảm thấy thú vị khi trước đây vốn chỉ được thấy những việc này qua ti vi hay đọc trên sách báo. Những vất vả, mệt nhọc để tổ chức cho chuyến đi của các nhân viên Liên hiệp dường như vơi đi khi thấy các nhà ngoại giao hồ hởi với món đồ gốm sứ tự tay mình làm. Đại sứ Venezuela Jorge Rondon Uzcategui chia sẻ: “Trong nhà tôi hiện nay có rất nhiều đồ sứ Bát Tràng, vì tôi rất thích sản phẩm của làng nghề này. Tôi sẽ giới thiệu cho gia đình, bạn bè và người dân nước tôi về sản phẩm mang đậm nét văn hóa Việt của các bạn”.
Ở lớp học tiếng Việt, khởi nguồn đầu năm 2011 dành cho Đại sứ, phu nhân và cán bộ ngoại giao nước ngoài tại Hà Nội có bao câu chuyện thú vị, trở thành “cây cầu” hiệu quả nối bạn bè đến với văn hóa Việt. Đại sứ Palestine Saadi Salama có lẽ là một trong những nhà ngoại giao gắn bó với Việt Nam lâu nhất. Thời gian sinh sống, làm việc tại Việt Nam đủ lâu để ông có thể trò chuyện bằng tiếng Việt với phong cách vừa tự nhiên vừa có duyên. Những lúc cao hứng, ông có thể ngân nga vài câu hát trong bài “Hà Nội – một trái tim hồng”.
Không chỉ là cầu nối để văn hóa Việt lan tỏa tới bạn bè quốc tế, các hoạt động của Liên hiệp còn là cầu nối văn hóa giữa các quốc gia. Tại sự kiện Tết cổ truyền các nước châu Á được tổ chức thường niên, những hoạt động chào mừng Tết âm lịch các nước được tái hiện một cách sinh động và thú vị. Có lẽ trong khoảnh khắc cùng nhau tắm tượng Phật hay làm lễ té nước, buộc chỉ cổ tay…, các nhà ngoại giao nước ngoài đã cảm thấy như đang hưởng một cái Tết tại quê nhà. Cũng từ đó mà nhân dân các nước hiểu nhau hơn, thêm xích lại gần nhau, mối quan hệ gắn bó giữa Nhân dân Thủ đô với các nước trên thế giới nhờ đó được thắt chặt hơn một cách tự nhiên mà đi vào lòng người. Điều đáng mừng là các hoạt động văn hóa thường niên này đã trở thành nét đặc sắc rất riêng của công tác ĐNND Thủ đô, trở thành sự kiện được bạn bè quốc tế mong đợi.
Đồng hành cùng Thủ đô
Không dừng ở các hoạt động giao lưu văn hóa, theo Phó Chủ tịch Thường trực Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội Vũ Thị Hải, ĐNND còn đồng hành với mọi sự kiện thời sự sôi động của đất nước và Thủ đô.
Dịp kỷ niệm 1000 năm Thăng Long – Hà Nội (tháng 10/2010), Liên hiệp đã tổ chức Triển lãm ảnh “Hà Nội nghìn năm qua con mắt bạn bè quốc tế” với các nhiếp ảnh gia không ai khác chính là ngoại giao, các đại sứ. Họ đã bỏ công sức tìm đến những góc nhỏ của TP này, khám phá và ghi hình từng nhành cây ngọn cỏ với mắt nhìn của riêng họ, không phải dưới góc độ những nhà ngoại giao mà chỉ là những người nước ngoài yêu Hà Nội. Hà Nội vì thế đã hiện hữu vô cùng sinh động và ý nghĩa trong 200 tác phẩm tham gia triển lãm này.
Liên hiệp cũng tổ chức thành công Cuộc thi quốc tế tìm hiểu về Thăng Long - Hà Nội mang tên “Hà Nội điểm hẹn của bạn” bằng 6 thứ tiếng Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc, Quốc tế ngữ và tiếng Việt dành cho người nước ngoài và người Việt Nam ở nước ngoài và vận động 200 bạn bè quốc tế dự Lễ diễu hành kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội tại quảng trường Ba Đình sáng 10/10/2010.
Trong giai đoạn tình hình an ninh Biển Đông có những diễn biến phức tạp, vào năm 2014, Liên hiệp đã cùng Ủy ban Hòa bình TP và Hội hữu nghị Việt Nam - Trung Quốc tổ chức Hội nghị chia sẻ thông tin về tình hình Biển Đông. Đồng thời, phối hợp với nhóm trí thức trẻ Hà Nội lập chuyên mục “Hòa bình cho Biển Đông” trên trang web www.haufo.org.vn nhằm giới thiệu đến đông đảo các tầng lớp Nhân dân, đặc biệt là bạn bè quốc tế về chủ quyền của Việt Nam trên Biển Đông, chủ trương nhất quán của Việt Nam về xử lý những vấn đề chủ quyền theo luật pháp quốc tế. Chuyên mục này được tuyên truyền bằng 5 ngôn ngữ, qua đó thu thập được hơn 25.000 chữ ký của các tầng lớp Nhân dân trong nước và bạn bè quốc tế ủng hộ Việt Nam về chủ quyền biển đảo…
Chắp cánh cho hòa bình
Trong bối cảnh xu hướng hội nhập của TP Hà Nội và đất nước trên mọi phương diện đang ngày càng rõ nét, ĐNND Thủ đô càng phát huy vai trò khẳng định và quảng bá hình ảnh Hà Nội - một TP vì hòa bình, Thủ đô ngàn năm văn hiến, đồng thời, là một TP năng động, đang vững bước trên con đường hội nhập và phát triển.
Dịp kỷ niệm 15 năm Hà Nội được UNESCO vinh danh “Thành phố vì hòa bình”, Liên hiệp đã phối hợp tổ chức chuỗi sự kiện chào mừng bao gồm Triển lãm “15 năm Hà Nội - TP vì hòa bình”, nhằm giới thiệu đến công chúng trong và ngoài nước về Hà Nội - TP vì hòa bình, Thủ đô ngàn năm văn hiến dưới con mắt của bạn bè quốc tế - những người đã, đang gắn bó với mảnh đất Việt Nam, mang trong mình một tình yêu tha thiết với Hà Nội. Ngoài ra, Triển lãm còn trưng bày các tác phẩm xuất sắc trong số gần 1,3 triệu bài tham dự Cuộc thi tìm hiểu “Hà Nội - TP vì hòa bình”.
Bà Katherine Muller Marine - Trưởng Đại diện UNESCO tại Việt Nam sau khi nhận danh hiệu Công dân danh dự Thủ đô đã gửi lời cảm ơn chân thành tới Liên hiệp vì đã cho bà tham gia nhiều hoạt động ngoại giao văn hóa, hỗ trợ hòa nhập và hiểu thêm về đời sống của Hà Nội đầy sức sống. Theo bà Muller, Hà Nội đã chứng tỏ mình xứng đáng với danh hiệu này thông qua việc tạo nên ngôi nhà hòa bình bền vững cho tất cả cư dân và du khách của Thủ đô.
Có thể nói, trong những năm qua, bằng những hoạt động phong phú, đa dạng, Liên hiệp các tổ chức hữu nghị TP Hà Nội đã đưa công tác ĐNND Thủ đô ngày càng phát triển, hiệu quả, trở thành cầu nối hữu nghị, quảng bá, nâng cao vị thế Thủ đô trong con mắt bạn bè quốc tế, đồng thời thúc đẩy giao lưu văn hóa, hợp tác phát triển thương mại, du lịch.
Lan Anh ghi
|