Việc người dân Anh lựa chọn rời EU trong cuộc trưng cầu dân ý ngày hôm nay (23/6, theo giờ Anh), đã ngay lập tức tác động đến nhiều nền kinh tế trên thế giới, trong đó có cả Việt Nam. Mặc dù những ảnh hưởng tạm thời như chứng khoán lao dốc, vàng tăng giảm bất thường... có vẻ nghiêm trọng nhưng về lâu dài nếu Anh thực sự rời EU thì đây cũng không phải là mối lo quá lớn đối với Việt Nam.
Trong giai đoạn 2008 - 2015, tăng trưởng xuất khẩu từ Việt Nam vào Anh đạt gần 17%/năm và đạt mức kỷ lục 4,65 tỷ USD trong năm 2015. Con số này tương đương với 15% giá trị xuất khẩu chiều từ Việt Nam tới EU. Đáng lưu ý, hàng loạt mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Anh đều là các mặt hàng chủ lực đang đưa ra thế giới như thủy sản, nông sản, dệt may, điện thoại và linh kiện các loại... Anh rời khỏi EU nhiều khả năng sẽ khiến đồng bảng Anh rớt giá, qua đó ảnh hưởng tới giá trị hàng hóa xuất khẩu từ Việt Nam. Đây cũng sẽ là một trong những lý do khiến hàng hóa Việt Nam khó có thể tiến sâu vào thị trường Anh trong thời gian tới. Mặc dù vậy, tầm ảnh hưởng cũng không quá rộng khi phần lớn đối tượng chịu tác động là những DN phụ thuộc vào thị trường Anh. Mặt khác, lượng xuất khẩu sang Anh chỉ chiếm 2,5% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam trong năm 2015. Ở chiều ngược lại, nhập khẩu từ Anh cũng chỉ chiếm khoảng 4% tổng nhập khẩu vào Việt Nam, chủ yếu tập trung vào dược phẩm, nhựa và phụ tùng. Tuy nhiên những mặt hàng này đều có thể dễ dàng thay đổi nguồn cung, chính vì vậy ảnh hưởng với nhập khẩu của Việt Nam từ Anh sẽ không lớn. Trao đổi với phóng viên báo Kinh tế & Đô thị, chuyên gia Phạm Chi Lan cho rằng mặc dù thương mại Việt - Anh sẽ không thay đổi quá lớn nếu nước này rời khỏi EU nhưng cũng sẽ không thuận lợi như trước. EU có Hiệp định thương mại tự do EVFTA với Việt Nam nhưng nếu Anh không còn ở trong EU thì họ cũng sẽ không phải chịu những cam kết của Hiệp định này. Điều này cũng đồng nghĩa với việc Việt Nam sẽ mất đi những cam kết có lợi từ EVFTA trong thương mại với Anh và bắt buộc phải cạnh tranh bình đẳng với những đối thủ mạnh như Trung Quốc, Ấn Độ. Còn về những tác động của việc thay đổi tỷ giá giữa VNĐ và bảng Anh sẽ khó nói trước, bởi điều này còn phụ thuộc và tương quan giữa đồng tiền của Anh với các đồng tiền mạnh khác. Cần lưu ý, nếu Anh không nằm trong EU thì khi giao dịch với nước này sẽ phải chuyển qua bảng Anh thay vì đồng tiền chung Euro như trước, bà Lan nói thêm. Không lạc quan như bà Lan, TS Bùi Ngọc Sơn (Viện kinh tế chính trị), lại bày tỏ ra lo ngại, nếu Anh rời khỏi EU, khả năng lớn bảng Anh sẽ mất giá. Điều này dẫn tới những DN Việt đang chọn Anh là quốc gia xuất khẩu chủ lực gặp khó khăn. Bên cạnh đó dòng vốn FDI được Anh rót vào Việt Nam cũng bị ảnh hưởng nhưng không quá lớn bởi con số thực tế cũng không cao. Anh đi hay ở EU sẽ không mang lại tác động quá mạnh bởi nước này không phải là đối tác lớn của Việt Nam cả về thương mại lẫn đầu tư, ông Sơn khẳng định.
Anh đang là thị trường nhập khẩu thủy sản lớn của Việt Nam |