Chỉ số MSCI của chứng khoán châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) gần như không thay đổi, sau khi chạm mức cao 18 tháng rưỡi vào cuối tuần trước.
Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản tăng 174,66 điểm, hay 1,56%, lên 11.348,49 điểm, sau khi hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) đã gạt bỏ sự chỉ trích đối với Nhật Bản về sự xuống giá của đồng yen gần đây, điều đã gây lo ngại về một cuộc chiến tiền tệ.
Giá cổ phiếu được niêm yết tại thị trường chứng khoán Tokyo. Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Hội nghị đã không chỉ trích Nhật Bản, song cam kết ngăn chặn tình trạng phá giá đồng tiền để nâng cao khả năng cạnh tranh và khẳng định chính sách tiền tệ chỉ được sử dụng cho mục đích ổn định giá cả và thúc đẩy tăng trưởng.
Chỉ số Shanghai Composite của Thượng Hải tăng 4,27 điểm, hay 0,18%, lên 2.436,67 điểm trong ngày giao dịch đầu tiên sau kỳ nghỉ Năm Mới, nhờ sự lạc quan về nền kinh tế.
Chỉ số Hang Seng của Hong Kong tăng 32,93 điểm, hay 0,14%, lên 23.477,49 điểm, khi các nhà giao dịch đặt cược vào sự phục hồi của thị trường Thượng Hải trong thời điểm các nhà đầu tư đại lục trở lại thị trường sau tuần nghỉ lễ.
Chứng khoán Australia tăng 0,3%, khi cổ phiếu ngành khai mỏ tăng nhờ hy vọng khách hàng mua nhiều nhất là Trung Quốc có thể bắt đầu mua trở lại sau kỳ nghỉ.
Tại Seoul, chỉ số Kospi mở cửa giảm 2,87 điểm, hay 0,14%, xuống 1.978,31 điểm, một phần vì lo ngại về việc đồng yen tiếp tục yếu đi sẽ làm giảm lợi thế cạnh tranh của các nhà xuất khẩu Hàn Quốc.
Hiện các nhà đầu tư tập trung chú ý vào các cuộc thương lượng về vấn đề tài chính ở Mỹ, nơi các chính trị gia đang bàn về gói cắt giảm ngân sách dự kiến sẽ bắt đầu vào ngày 1/3. Các nhà phân tích cho rằng các biện pháp khắc khổ sẽ làm tổn hại nền kinh tế Mỹ.