Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hãy giữ lại nét làng xưa

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Mới đây, Hội Kiến trúc sư (KTS) Hà Nội đã tổ chức cuộc tọa đàm về xây dựng nông thôn mới vùng nông thôn Thủ đô Hà Nội.

Một góc làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. 	Ảnh: Phạm Hùng
Một góc làng cổ Đường Lâm, Sơn Tây, Hà Nội. Ảnh: Phạm Hùng
Qua những ý kiến tâm huyết của giới nghề có thể thấy, đau đáu trong tiềm thức của mỗi người, dù rằng đang sống giữa lòng đô thị, vẫn mong ngóng, yêu thương và trăn trở về chốn làng quê. Hà Nội đã đi được một chặng đường dù chưa dài nhưng không phải là ngắn trong lộ trình xây dựng nông thôn mới và đạt được nhiều kết quả khả quan, song bên cạnh đó vẫn còn những vấn đề bất cập, đặc biệt là trong công tác quy hoạch.

Nhiều bước đi còn “hơi vội”
Với chương trình mục tiêu quốc gia về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Hà Nội có đặc thù riêng với tỷ lệ 30% đất phát triển đô thị, 70% đất ngoài vùng phát triển đô thị. Diện tích đất nông nghiệp của Hà Nội còn rất lớn, xấp xỉ 190.000ha. Diện tích ấy tương đương với 3 tỉnh quanh Hà Nội đó là tỉnh Hà Nam, Bắc Ninh và Nam Định. Riêng diện tích đất trồng lúa của Thủ đô đã là 102.000ha. Qua hơn 6 năm thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới, Hà Nội đã có 401/401 xã được triển khai lập quy hoạch.

Quá trình xây dựng nông thôn mới của Hà Nội đã vấp phải không ít khó khăn và hạn chế. Theo đánh giá của KTS Vũ Tuấn Định - nguyên Phó Giám đốc Sở QH - KT Hà Nội, bất cập và hạn chế trong công tác quy hoạch đó là chưa triển khai quy hoạch chung huyện, quy hoạch chuyên ngành huyện như quy hoạch thủy lợi, cấp thoát nước, cấp điện, nông nghiệp, môi trường… nhưng vẫn thực hiện quy hoạch xây dựng xã. Do đó, một số xã đã lập và phê duyệt quy hoạch phải điều chỉnh lại theo quy hoạch chung của huyện. Một số xã nằm trong vùng phát triển đô thị, vùng phân chậm lũ mặc dù Sở QH - KT đã có hướng dẫn cụ thể, song chất lượng quy hoạch có vấn đề, công tác tư vấn làm chưa tốt, để lại những hậu quả không nhỏ trong các bước thực hiện.

Ông Đào Duy Tâm - Phó Giám đốc Sở NN&PTNT đánh giá: Chúng ta làm nông thôn mới nhiều khi hơi vội, đáng lẽ ra phải cho đi học, phải tuyên truyền, đào tạo cán bộ rồi mới làm, nhưng trong đề án của các huyện, xã, chỉ đến khi được phê duyệt rồi mới có nội dung thông tin, tuyên truyền, phổ biến. Đáng lẽ ra dân phải tham gia, đóng góp để xây dựng đề án, nhưng thực tế đề án là do lãnh đạo mời tư vấn đến để làm rồi trình duyệt. Bởi vậy, nhiều nội dung không hợp, không đi vào lòng dân. “Quy hoạch phải được công khai, dân chủ, giới thiệu từng vị trí để làm công trình gì, dân tham gia và đồng thuận thì mới sẵn lòng hiến đất, góp công và bỏ tiền của để làm. Nhưng rồi cũng chỉ là tư vấn được thuê về để ngồi vẽ. Đến khi triển khai quy hoạch thì chỗ làm nhà văn hóa lại trùng vào vị trí làm nhà thờ họ, chỗ làm đường thì lại là nghĩa trang… vì thế toàn mắc khi triển khai thực hiện quy hoạch” - ông Tâm nói và cho  rằng: Trình độ cán bộ là một vấn đề bất cập, giao quyền cho cấp xã nhưng trình độ của cán bộ cấp xã còn quá hạn chế. Nhiều khi cán bộ cũng có bằng đấy nhưng  chuyên môn thực chất không có, thế mà lại đứng ra làm đề án, dự án giá trị cả tỷ đồng. Trình độ thấp nên để cho mấy “ông” bên B cứ thế vẽ, hậu quả đến bây giờ nhiều xã đang mắc vấn đề nợ đọng xây dựng cơ bản.

Tại giao ban quận huyện về công tác quy hoạch, Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng Nguyễn Văn Đức từng chia sẻ, quy hoạch phải đi trước một bước để phát triển kinh tế - xã hội, xây dựng nông thôn mới, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân. Quy hoạch là cơ sở để chính quyền thực hiện công tác quản lý, huy động vốn đầu tư xây dựng hạ tầng, tạo điều kiện phát triển kinh tế - xã hội, vì vậy quy hoạch cần có tầm nhìn để tránh lãng phí.

Không phá cũ để làm mới

Theo phân tích của các chuyên gia, cần nhận thức rõ rằng xây dựng nông thôn mới không phải là phá cái cũ để làm cái mới. Nông thôn mới phải khác với thành phố, thành thị, nông thôn mà “hao hao” thị trấn, thị tứ thì đâu còn là nông thôn. Sự thay đổi của nông thôn phải gắn với bản sắc văn hóa dân tộc nhưng đồng thời có những bước đột phá. Đổ bê tông hết, mái bằng hết, hết hương ước, vơi quan hệ làng xóm… thì cũng không còn là nông thôn.

Việc định hướng kiến trúc - quy hoạch nhằm duy trì và phát triển được những đặc thù, sự duyên dáng, đằm thắm của làng quê Việt Nam, vừa mang hơi thở của thời đại trong quá trình công nghiệp hóa nông thôn, không phải là một việc đơn giản. Song đây chính là giải pháp cơ bản để vực dậy cả một kho tàng tiềm lực để thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa bằng nội lực. Điều đáng quan tâm là trong xu thế kiến trúc nông thôn đang bị thành thị hóa thì cơ sở hạ tầng lại chưa được cải tạo hoặc có thì vẫn mang tính chất manh mún, thiếu sự kết nối nên không những phá vỡ cấu trúc không gian truyền thống mà còn gây ô nhiễm nặng nề. Thời gian trước, câu chuyện này đã trở nên nhức nhối ở những làng nghề như Bát Tràng hay Tân Triều.

Đặt và trả lời cho câu hỏi “Chúng ta có quy hoạch cho làng xóm hay không?”, TS. KTS Vũ Hoài Đức (Viện Quy hoạch xây dựng Hà Nội) đã chỉ ra một thực tế, hầu hết các làng xóm đều được khoanh lại trong quy hoạch xây dựng, ngoại trừ các hệ thống đình, đền, chùa được giữ lại hay một vài nét vẽ đứt đoạn cho những con đường dự kiến mở rộng, những công trình công cộng được xác định rõ nét, còn nhà ở trong làng xóm có mật độ xây dựng, tầng cao công trình được xác định “trung bình” và “thực hiện theo dự án riêng”...! Như vậy thì có mà như không, bởi thực tế chưa thấy dự án nào dành riêng cho làng xóm cả, lại càng chẳng có những hướng dẫn cụ thể nào về kiến trúc cho người dân xây dựng nhà của mình phù hợp với bình diện chung như khung quy hoạch đã định.

Lại đặt câu hỏi “Chúng ta đã có nghiên cứu về bảo tồn làng xóm chưa?” - ông Vũ Hoài Đức cho rằng, rất nhiều mà chưa được bao nhiêu. Bởi thực tế còn tồn tại đầy rẫy những mâu thuẫn giữa bảo tồn với phát triển làng xóm. Còn đó câu chuyện Đường Lâm. Bài toán bảo tồn trong dòng chảy của thời đại thật không dễ, dẫu đã có những thành công ở Bát Tràng, Vạn Phúc. Để thay đổi và khắc phục những hạn chế, khi quy hoạch đô thị cần dành nguồn lợi từ chính các dự án dành cho làng xóm kề cận, đi đôi với quản lý chặt quá trình đô thị hóa. Xây dựng nông thôn mới, cần chú trọng đến việc tạo khu vực phát triển kinh tế bên cạnh việc cải tạo làng xóm cũ, thay vì quá chú trọng vào tiêu chí. Điều này, không chỉ tạo ra nguồn lực cho nông thôn, giúp cho việc bảo tồn, cải tạo làng xóm thuận lợi hơn mà còn hạn chế luồng dịch cư vào đô thị, níu giữ người dân ở lại với làng quê, nơi chôn rau, cắt rốn của mình.
KTS Lê Vũ Phàm chỉ ra rằng, đến nay chưa có một tổ chức chuyên ngành nào đánh giá và nhận diện đầy đủ những giá trị của quỹ di sản ngàn đời ở nông thôn cũng như phân loại những đặc thù của từng vùng miền để làm căn cứ cho quy hoạch nông thôn mới. Các làng quê Việt Nam vốn là một thực thể sống động, hình thành từ lâu đời, cảnh quan kiến trúc mang đậm dấu ấn, in sâu vào tâm khảm của mỗi người con Việt.