Hãy nói “xin chào, xin lỗi”

Đỗ Thị Phương Thảo - Giáo viên trường Tiểu học Thành Công B
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Một bộ phận thanh niên tại Hà Nội hành xử ra sao khi bị va quệt giao thông? Câu trả lời nằm ở tiếng chửi thề, nắm đấm, thậm chí những con dao sẵn sàng tung ra.

Đó là biểu hiện rõ nhất cho thấy văn hóa giao thông chưa bám rễ vào nhận thức của giới trẻ. Đồng nghĩa, việc giáo dục người tham gia giao thông biết bình tĩnh khi xảy ra va chạm cần ưu tiên hàng đầu.
Đụng nhau là… chiến
“Chỉ một va quệt nhỏ, hỗn chiến như phim hành động dễ dàng xảy ra. Nếu không cẩn thận, thảm cảnh kẻ bị thương, người vào tù hiện hữu …”. Đó là cảm nhận của một số người nước ngoài sinh sống tại Hà Nội nhiều năm khi bàn về nạn ẩu đả sau va chạm hay tai nạn giao thông.
Chẳng nói đâu xa, ngày 24/6 vừa qua, hình ảnh 2 nam thanh niên lao vào hành hung một người đàn ông nước ngoài và người phụ nữ đi cùng trên đường Trần Khát Chân gây ra sự bất bình trong dư luận. Theo phản ánh của người dân tại hiện trường, mặc dù đã cố can ngăn song hai thanh niên vẫn liên tục đấm, đá vào mặt người đàn ông ngoại quốc. Thậm chí, còn hung hãn dùng tới cả mũ bảo hiểm và gạch đá. Nguyên nhân chỉ là một va quệt nhỏ trên đường - mà phần sai do một trong hai thanh niên trên gây ra.

Một vụ va chạm giao thông trên phố Xã Đàn. Ảnh:  Nguyễn Hưởng

Không chỉ thanh niên trẻ tuổi, mà ngay cả những người có học thức cũng sẵn sàng “túm tóc" nhau vì va quệt nhỏ. Còn nhớ cách đây không lâu, Công an quận Đống Đa phải vào cuộc truy bắt hung thủ đâm một người đàn ông trọng thương sau khi xảy ra va chạm giao thông trên phố Thái Thịnh. Theo thông tin chia sẻ ban đầu, ba người đàn ông đã có dấu hiệu hành hung một người trung niên. Thấy nhóm ba người đang đánh bạn mình, một người đàn ông khác cầm dao ra đuổi chém và đâm trọng thương một trong ba người kia. Bình luận về câu chuyện trên, ông Randy Hillary (giáo viên Tiếng Anh) chia sẻ: “Ở Hà Nội, va chạm xe cộ ngoài đường rất dễ xảy ra, bởi giao thông hỗn hợp, lại không phân làn. Do vậy, khi lỡ có va quệt hay tai nạn, người liên quan nên nghĩ đến việc  mình và đối phương có bị thương không, tập trung lo cho thương tích. Có thể gọi xe cấp cứu hoặc cảnh sát, khi cần. Còn nếu tai nạn nhỏ, có thể giải quyết được, hãy bàn bạc với nhau xem thế nào chứ đánh nhau là quá tệ".
Mỉm cười, bắt tay và xin lỗi
Theo các chuyên gia giao thông, chúng ta có thể và đã từng đổ lỗi cho nạn hành hung khi va chạm bằng sự băng hoại đạo đức, ý thức chấp hành giao thông, cả những hạn chế nhất định về đường sá và luật lệ. Dẫu vậy phải nhìn nhận thấu đáo rằng, đó còn là vấn đề văn hóa giao thông. Thay vì cách xử sự ôn hòa, đúng trình tự, rất nhiều người chọn cách lên gân theo kiểu "cá lớn nuốt cá bé" nhằm rũ bỏ trách nhiệm trong những vụ va chạm như vậy.
Cần phải nói rằng, trong bất cứ trường hợp nào, nếu mọi người có cách ứng xử nhã nhặn với nhau, sự việc sẽ được giải quyết mà không ai bị tổn thương. Nhiều người thống nhất quan điểm, kỹ năng khi va chạm gia giao thông có tên: Xin chào và xin lỗi. Va chạm nào trên đường cũng đều là sự cố đáng tiếc, song sau đó, người tham gia giao thông hành xử ra sao mới quan trọng. Thực tế, khi xảy ra va chạm, nếu không thiệt hại về người, nên xem là đại may mắn. Chuyện phương tiện hỏng hóc, có thể khắc phục. Mọi sự việc xảy ra, ít nhiều có lỗi của mình. Thế nên, thượng sách là xin lỗi, bỏ qua cho nhau. 
Ở châu Âu, mỗi khi xảy ra va chạm trên đường, người dân thường vui vẻ, mỉm cười bắt tay nhau nói câu xin lỗi vì sự cố không ai muốn. Còn sự việc giải quyết thế nào, đúng sai ra sao là chuyện của cảnh sát và công ty bảo hiểm. Đó cũng là cái đích mà văn hóa giao thông Hà Nội cần hướng tới. Nói một cách đơn giản, phải xây dựng nếp văn hóa giao thông bám rễ ngay trong lòng xã hội. Phải làm sao để kiểu ứng xử nhã nhặn trở thành tập quán phổ biến trong sinh hoạt hằng ngày của người dân Thủ đô. Kinh nghiệm cho thấy, để một tập quán hình thành và phát triển mới, tốt nhất là nó bắt đầu được chấp nhận và thực hành bởi con trẻ. Theo logic đó, một thế hệ mới với ý thức giao thông văn minh chắc chắn sẽ là chất xúc tác rất tốt cho việc xây dựng một môi trường giao thông văn minh.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần