Bởi chứng kiến dòng phương tiện lưu thông hỗn hợp cùng với tinh thần “đường ta, ta cứ đi” của nhiều chủ xe cơ giới đã khiến việc sang đường của du khách như một trải nghiệm không dễ dàng.
Cũng vì thế, đại đa số khách Tây lựa chọn cầu vượt đường bộ như một phương pháp đảm bảo sự an toàn cho chính bản thân. Trong khi đó, hầu hết người dân Thủ đô lại “kiên định” đối mặt với nguy hiểm, băng qua làn xe cộ hai chiều hay luồn lách giữa đám đông ùn tắc chỉ để sang bên kia đường. Rõ ràng ý thức của một bộ phận người đi bộ chưa tốt, nhiều người vẫn cố tình sang đường theo kiểu “bất chấp” (dù nơi họ di chuyển cách vị trí cầu vượt đường bộ không xa). Thói quen dùng cầu vượt đi bộ vì thế trở nên “xa xỉ” đối với người tham gia giao thông ở Hà Nội.
Tôi thường ghé thăm quốc đảo Singapore vào mỗi dịp hè và luôn ngạc nhiên bởi tinh thần hào hứng sử dụng cầu vượt đường bộ của người dân bản địa. Vào mỗi sáng Chủ nhật, ông bà tôi (hiện sống tại Singapore ) có thói quen đi lễ nhà thờ ở bên kia đường. Tuy đường cao tốc phía dưới có lưu lượng xe cơ giới lớn, nhưng việc qua đường với những người đã hơn 70 tuổi như ông bà giờ đây không còn là mối lo ngại. Tất cả là nhờ vào chiếc cầu vượt Henderson Waves được tích hợp thêm thang máy. Bên cạnh đầu tư lắp đặt các giải phân cách chắc chắn, thì Singapore còn lắp thêm các thang máy tại các chân cầu vượt hiện có. Đồng thời xây mới các cầu vượt bộ hành tại các ga tàu điện ngầm, bến xe bus có tích hợp thang cuốn, thang máy như một ưu tiên để nâng cao tần suất sử dụng phương tiện công cộng của người dân. Việc cải tiến hệ thống cầu vượt đã giúp người dân Quốc đảo ít tốn sức hơn và qua đường dễ dàng hơn so với hệ thống cầu cũ vốn chỉ có thang bộ. An toàn, tiện lợi chính là yếu tố quan trọng thúc đẩy đại đa số người dân nơi đây sử dụng cầu vượt bộ. Từ đó giảm thiểu đáng kể tắc nghẽn và nguy cơ tai nạn giao thông thương tâm có thể xảy ra tại đất nước này.
Đối lập hoàn toàn với bức tranh nhộn nhịp ở Singapore là sự đìu hiu của gần 50 cây cầu vượt bộ hành tại Hà Nội. 8 giờ sáng những ngày cuối tháng 12, tại nút giao thông Nguyễn Chí Thanh - Kim Mã, chỉ có duy nhất tôi di chuyển trên chiếc cầu vượt cho người đi bộ (gần hồ Ngọc Khánh). Đứng phía trên cầu nhìn xuống, tôi chứng kiến hàng loạt người dân đang hối hả băng qua đường, nơi giao cắt phố Phạm Huy Thông - Nguyễn Công Hoan vào đường Nguyễn Chí Thanh. Dòng xe cộ lao đi như mắc cửi, người đi bộ bất chấp nguy hiểm cứ băng qua đường… cho tiện. Ngay cả các tài xế ô tô cũng giật mình mỗi khi bất ngờ có người tạt đầu xe. Thỉnh thoảng, tiếng chửi thề của các chủ phương tiện xe máy vang lên vì phanh gấp do người đi bộ vượt lên trước. Tất cả tạo nên bức tranh giao thông nhộm nhoạm, hỗn loạn, ùn ứ.
Người dân Thủ đô thường hay tặc lưỡi ngụy biện cho việc sang đường “có một không hai” của mình do thói quen. Cần nhấn mạnh rằng, đã là thói quen thì hoàn toàn có thể sửa được và tập lâu ngày sẽ bỏ được. Một số khác lại bóng gió rằng, chừng nào cầu vượt bộ hành thôi đơn điệu và hiện đại như nước bạn thì “hẵng dùng”. Phải ghi nhận rằng với một đất nước nền kinh tế còn nhiều khó khăn như chúng ta, thì việc đầu tư xây dựng được các cây cầu bộ hành tuy đơn giản, tính thẩm mỹ chưa cao cũng đã là một nỗ lực rất lớn của các cơ quan chức năng. Người dân Thủ đô hoàn toàn có quyền mơ về hệ thống các cây cầu vượt đường bộ tối tân hơn trong tương lai. Nhưng, để có thể thích nghi với sự hiện đại đó, thay vì ca thán, mỗi người dân Hà Nội nên tập thói quen sử dụng cầu vượt bộ hành của “thì hiện tại” ngay từ bây giờ. Tựu trung, vấn đề cốt lõi cũng chỉ nằm ở ý thức của con người mà thôi.
Ba năm nay, tôi vẫn giữ thói quen đi qua con phố đông đúc Trần Đại Nghĩa bằng cầu vượt bộ hành để tới Đại học Kinh tế Quốc dân. Lựa chọn này như đã phân tích, xuất phát từ bản tính “lười” đương đầu với muôn vàn xe cộ của bản thân. Hiện tại, nhiều bạn bè tôi có vẻ cũng đã “chán” tham gia môn thể thao mạo hiểm “qua đường” khi đồng ý đồng hành cùng tôi trên những cây cầu vượt bộ hành. Hỏi lý do thì hầu hết đều trả lời: “Có cảm giác như mình đang ở Mỹ hay Úc – an toàn lại không khói bụi”.