Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

HĐND cấp huyện, cấp xã cần tích cực “truyền thông chủ động”

Linh Chi - Ảnh: Thanh Hải
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 25/2, tham luận tại Hội nghị “Tọa đàm về các giải pháp nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động của HĐND các quận, huyện, thị xã”, Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị Nguyễn Minh Đức đã có một số ý kiến đáng chú ý xung quanh vai trò của truyền thông đối với hoạt động của HĐND, trong đó đặc biệt nhấn mạnh tính “truyền thông chủ động” của HĐND cấp huyện, cấp xã.

Tổng Biên tập Báo Kinh tế&Đô thị Nguyễn Minh Đức tham luận tại Hội nghị
Đặc biệt, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, tại các phiên giải trình do HĐND TP thực hiện, dữ liệu từ các cơ quan báo chí truyền thông rất lớn. Qua hoạt động của HĐND các cấp, từ họp thường kỳ, giám sát đến tiếp xúc cử tri, nếu không có các báo đăng tải thì cử tri không thể biết các ĐB, HĐND đang có những hoạt động gì. Chẳng hạn, tại cuộc tiếp xúc cử tri của HĐND quận Thanh Xuân mới đây, một cử tri nêu tình trạng chó bị thả rông tràn lan trên địa bàn mà chưa có giải pháp xử lý, đề nghị quận thành lập một biệt đội săn bắt chó. Sau khi Báo Kinh tế&Đô thị đưa tin ngay, 1/2 ngày sau, UBND quận Thanh Xuân lập tức ban hành quyết định thành lập biệt đội săn bắt chó rông, thực sự đáp ứng nguyện vọng của cử tri.
“Rõ ràng, vai trò đồng hành của báo chí với hoạt động của HĐND các cấp, của ĐB HĐND rất quan trọng. HDNĐ có chức năng giám sát nhưng báo chí cũng có chức năng giám sát hoạt động của ĐB HĐND, của HĐND, giám sát các lời hứa của HĐND với cử tri và giám sát phát ngôn của cử tri. Nếu báo chí không đưa tin, không giám sát, thì thông điệp về hoạt động của HĐND không thể đến với cử tri, ngược lại cử tri cũng không có cơ hội giám sát” - ông Nguyễn Minh Đức khẳng định.
Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị cũng thông tin: Hiện trên địa bàn Hà Nội có 800 cơ quan báo chí, trong đó mỗi kỳ họp HĐND TP có vài trăm phóng viên tác nghiệp. Ở thời buổi CNTT hiện đang diễn ra “cuộc chạy đua” giữa các cơ quan báo chí vì báo nào đưa tin nhanh, chính xác nhất thì độ lan tỏa truyền thông cũng cao nhất. Với riêng Kinh tế&Đô thị, các kỳ họp của HĐND TP đều được đưa tin trực tuyến, thậm chí Chủ tọa Kỳ họp phát biểu khai mạc xong thì Báo đăng ngay toàn văn ngay bài phát biểu trên báo điện tử; cũng như các trưởng ban, ĐB HĐND phát biểu xong thì Báo đều đăng ý kiến, kèm theo ảnh…
Điều đó thể hiện báo chí đang theo rất sát hoạt động của các cơ quan dân cử, nhưng cũng đòi hỏi báo chí tác nghiệp và các ĐB hoạt động đều cần rất chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các hoạt động giám sát, phiên giải trình của HĐND tổ chức là những chất liệu vô cùng hữu ích cho báo chí, được báo đưa tin kịp thời. Đó mới là những thông tin thực sự được cử tri trông đợi, vì là những vấn đề người dân còn bức xúc nhưng được giải trình, nhận trách nhiệm của các cơ quan chức năng. Đồng thời, các kết quả thanh, kiểm tra cũng rất cần được công khai cho báo chí để giám sát.
Tuy nhiên, ông Nguyễn Minh Đức cho rằng, dù sự quan tâm của lãnh đạo HĐND TP với các cơ quan báo chí thời gian qua rất tốt; phối hợp giữa HĐND TP, Văn phòng và các ban của HĐND TP với báo chí rất hiệu quả, song thực tế mối quan hệ của HĐND các quận, huyện với báo chí đang “có vấn đề”, dù báo chí cũng có phần trách nhiệm.
“Tôi đề nghị Thường trực HĐND TP chỉ đạo HĐND cấp huyện cần truyền thông chủ động, dành thời gian và kinh phí thỏa đáng để phối hợp với báo chí. Trong đó, trước mỗi kỳ họp, Thường trực HĐND cấp huyện cần xác định mời đại diện báo nào tham gia tuyên truyền, đề xuất họ truyền thông tập trung vấn đề gì; cũng như mời các phóng viên tham gia một số cuộc giám sát, hàng năm có kế hoạch phối hợp tuyên truyền cụ thể và tạo điều kiện cho phóng viên đến địa phương tác nghiệp. Kể cả HĐND cấp xã cũng cần trao đổi để phóng viên báo, đài TP đến cơ sở tác nghiệp, mới có thông tin hay từ cơ sở. Về phía báo chí, chúng tôi cam kết đồng hành có trách nhiệm với các cơ quan dân cử của TP” - Tổng Biên tập Báo Kinh tế & Đô thị nhấn mạnh.