Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn.
Mở đầu phiên chất vấn chiều nay, các đại biểu (ĐB) đã đặt câu hỏi liên quan đến các vấn đề PCCC; Nhà tái định cư và xử lý vi phạm trong trật tự xây dựng.
Trả lời câu hỏi của ĐB Bùi Hiền Mai về công tác PCCC của Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn cho biết, về mặt thể chế PCCC ngày càng đầy đủ và hoàn thiện. Về trách nhiệm của các cơ quan liên quan cũng như từ cơ sở được nêu rất rõ. Thành phố xác định trong PCCC phải phòng là chính.
Về đầu tư, trong thời gian qua Thành phố đã đầu tư 1.200 tỷ đồng cho công tác này. Hiện thành phố đang chuẩn bị đầu tư thiết bị cho các đơn vị PCCC cấp quận, huyện 707 tỷ đồng.
"Thành phố đã có chỉ đạo, điều hành rất quyết liệt, thường xuyên, sát sao, thực hiện nhiều thanh, phúc, kiểm tra và đưa ra nhiều khuyến nghị. Nhưng vẫn xảy ra cháy vì chúng ta chưa thật sự quan tâm đến PCCC. Ở nhiều công trình, do nể nang, tiết kiệm chi phí, các thiết bị PCCC đều được thi công cuối cùng. Thành phố đã ký nhiều quyết định xử phạt vi phạm hành chính về PCCC. Nhưng cũng có khách quan là phát triển đô thị, hạ tầng và ý thức giữ gìn PCCC của mỗi người dân, tổ chức chưa thật sự cao", ông Sơn nói.
Theo Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn, Hà Nội là một trong những địa phương được Bộ CA ghi nhận là địa phương có trang bị các thiết bị PCCC đầy đủ nhất và hỗ trợ 100% nhu cầu trang thiết bị. Hiện nay, những đầu tư này cũng đang được Thành phố tiếp tục thực hiện.
Cũng liên quan đến vấn đề PCCC, Đại tá Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội cho biết, được sự quan tâm của TP, đến nay lực lượng Cảnh sát PCCC thành phố đã có 15 phòng CS PCCC quận, huyện và 11 đội chữa cháy cứu nạn cứu hộ, mô hình lực lượng phủ kín cấp phòng và cấp đội theo đầu mối hành chính.
Về tổng biên chế, con số trước khi thành lập là 600-700 chiến sĩ, đến khi thành lập vào khoảng 1.300 chiến sĩ và đến nay là 2.300 chiến sĩ và theo đề án phát triển lực lượng PCCC Hà Nội có khoảng từ 4.000-4.500 chiến sĩ
Về trang bị phương tiện kỹ thuật, theo kế hoạch và đã triển khai thực hiện, đầu xe là 209 phương tiện chữa cháy, 9 xe cứu hộ cứu nạn, 16 xe thang đạt được ngưỡng loại xe 32m-45m và 56m, hiện đại như ở Mỹ thì cũng chỉ có xe thang đến 72-74m nhưng thực tế sử dụng rất hạn chế… Số đầu xe trước đó khoảng 90 xe trong đó có 52 xe chữa cháy, 4 xe cứu hộ và 8 xe chở nước với chất lượng là xe cũ từ thời kỳ cũ...
Đại tá Hoàng Quốc Định - Giám đốc Cảnh sát PCCC Hà Nội
Theo Đại tá Hoàng Quốc Định, đối với TP Hà Nội, nguy cơ tiềm ẩn nguy cơ về cháy nổ trên địa bàn rất cao. Qua theo dõi thời gian qua, nguy cơ cháy nổ vẫn còn tiềm ẩn, nguy cơ gia tăng vẫn thường trực do tình hình phát triển kinh tế-xã hội nói chung, điều kiện khí hậu có nhiều vấn đề bất cập, tiềm ẩn khác.
Liên quan đến công tác đầu tư, quản lý và việc tiềm ẩn nhiều nguy cơ cháy nổ, Đại tá Định cho biết, trung bình trên địa bàn thành phố xảy ra từ 150-200 vụ cháy lớn, đáng kể, khoảng 500-700 sự cố cháy, các sự cố này tiềm ẩn nguy cơ cao nếu không phát hiện, nếu chữa cháy kịp thời sẽ gây hậu quả khôn lường. Trước tình hình đó, ý thức của người dân, nhiều đơn vị và lãnh đạo cơ sở còn hạn chế. Công tác tuyên truyền, chỉ đạo PCCC của TP được thực hiện rất nhiều, tỷ lệ số người nhận thức được nâng cao chưa nhiều. "Gần đây chúng tôi thấy dư luận quan tâm tìm hiểu và liên hệ trách nhiệm, tôi cho đây là tín hiệu rất tốt. Còn tình trạng người dân thờ ơ với công tác PCCC là phổ biến, đến khi xảy ra cháy mới bắt đầu quan tâm PCCC", ông Định nói.
Có đại biểu quan tâm hỏi về trụ nước và họng nước tới nay, TP giao cho Sở XD và các đơn vị thực hiện và đến nay theo dự án là 500 trụ nước, cũng đã bàn giao được 202 trụ trên địa bàn TP. Còn theo tiêu chuẩn quy chuẩn hiện nay cần 1.000 trụ nước...
Liên quan đến vấn đề quản lý đô thị và chung cư, GĐ Sở Xây dựng Lê Văn Dục cho biết, trong đó có vấn đề 18 dự án khu đô thị, các chủ đầu tư các dự án này tuân thủ tốt hơn và khi có yêu cầu của TP và Thanh tra xây dựng họ đã tiếp thu. Hiện nay, vấn đề ở khu đô thị là mật độ xây dựng, chiều cao của các tòa nhà… Khu vực Văn Quán - Yên Phúc chỉ giới quy hoạch đã bị thay đổi, hạ tầng kết nối của khu đô thị… Và đối với 18 dự án đó, cho tới thời điểm này đã phạt hành chính chủ đầu tư và yêu cầu cam kết thực hiện...
Đối với nội dung câu hỏi của ĐB Nguyễn Quỳnh Anh về 25 biệt thự cũ, từ năm 2009, sau khi xem xét quy hoạch chung của Thủ đô, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu trong văn bản tháng 7/2010, những biệt thự này đã được phá dỡ. Đồng chí Vũ Hồng Khanh - Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo rất rõ là thanh tra phải thanh tra đến cùng, tuy nhiên vẫn giữ nguyên nhóm 1, nhóm 2 cho sửa, nhóm 3 theo quy hoạch của TP.
Với nhà tái định cư, cho tới thời điểm này, chỉ được vận hành 112 tòa nhà tái định cư, chỉ được kinh doanh tầng 1 và cơ bản đáp ứng bức xúc của người dân như sửa chữa thang máy, thiết bị sử dụng chung PCCC, sơn sửa mặt ngoài mà quỹ bảo trì của người dân không chịu nổi. Hàng năm Sở Tài chính và Sở XD quyết toán.
Vấn đề cấp giấy sử dụng nhà đối với 1.300 nhà đó và Sở XD đã yêu cầu công ty tiếp tục thực hiện. Như vậy không phải 53% nữa mà chúng tôi đôn đốc được 68%, thanh tra Bộ Xây dựng, thanh tra TP đã vào cuộc và công ty đã biết sợ. Người dân bảo rằng ông bán nhà cho tôi, sử dụng diện tích công không đúng và kinh doanh cho mục đích riêng thì đến nay Sở XD đã tham mưu đầy đủ văn bản pháp quy và chờ Bộ XD ban hành Quyết định 08 để thực hiện xong “căn bệnh” cho nhà tái định cư.
Vấn đề nhà siêu mỏng, siêu méo, không thể tránh khỏi việc cắt xén; chỉ giới không thể hết được chỉ giới răng cưa, vẫn có nhà siêu mỏng, siêu méo trên tuyến đường vành đai 1, vành đai 2, Trần Phú kéo dài… Có tổng cộng 521 mảnh đất siêu mỏng, siêu méo nằm trên các tuyến đường mới mở, thanh tra quận và phường giữ được những mảnh đất này. Sau đó xem xét từng mảnh đất và phân rõ mảnh nào được xây, được hợp khối, hợp thửa….
Sau khi xuất hiện 521 phương án này, qua kiểm tra thực tế và các chủ đầu tư trình dự án đi kèm được phê duyệt thì đến nay Sở XD đã phối hợp Sở Quy hoạch - Kiến trúc, Sở TN&MT thực hiện chỉ còn 253 mảnh đất không thể xây dựng được còn 166 mảnh đất có kết cấu tốt, kinh doanh tốt, đảm bảo cho người dân sử dụng chúng tôi sẽ trình với Sở Quy hoạch - Kiến trúc mạnh dạn đưa những mảnh không thể xây dựng được vào mục đích khác phù hợp.
Về việc trên đường Tố Hữu, thuộc địa bàn quận Thanh Xuân có nhiều tòa nhà cao tầng, xây sát đường và nhìn rất mỏng manh vì cao? "Sở XD sẽ báo cáo với UBND TP… ghi nhận cho thấy có 6 nhà như vậy, chúng tôi sẽ báo cáo thành phố không cấp phép tiếp, và phải tính toán khi cấp phép đảm bảo chiều cao hài hòa với chiều ngang.
ĐB Nguyễn Hoài Nam
Chất vấn tiếp về PCCC, ĐB Nguyễn Hoài Nam cho rằng, việc Thành phố quan tâm đầu tư cho PCCC đã rõ và đây là sự cố gắng của ngành. Tuy nhiên, công tác PCCC là quan trọng nhất thì lại được nhìn nhận chưa đầy đủ, có cảm giác chúng ta đang thỏa mãn với những gì chúng ta đã làm được. Qua giám sát, đại biểu cho rằng, tại các chung cư tái định cư, ngoài khâu quản lý, vận hành còn nhiều bất cập, hệ thống PCCC ở những tòa này cũng đang ở mức báo động nguy hiểm khi không có hệ thống chữa cháy tự động, không hệ thống chữa cháy vách tường..., nếu xảy ra cháy sẽ là thảm họa. Vậy các ngành chức năng của Thành phố có biết việc này? Bao giờ và ai sẽ phải làm, sẽ khắc phục ngay hệ thống máy bơm dùng cho PCCC bị hư hỏng?
ĐB Vũ Mạnh Hải (Tổ Sóc Sơn) đặt vấn đề: Việc TP quan tâm đến PCCC liên quan đến tính mạng và tài sản, an ninh trật tự của Thủ đô đã được đặt đúng tầm. Tuy nhiên việc xây dựng nhà tái định cư, giải phóng mặt bằng, xây dựng các trung tâm thương mại nhiều để đáp ứng nhu cầu cuộc sống. Nhiều người dân quan tâm đến việc xây dựng, trang thiết bị cho PCCC tại nhà tái định cư và trung tâm thương mại nhưng còn vấn đề khách quan, tôi xin hỏi Giám đốc sở PCCC là giao thông đô thị khó khăn khi thực hiện PCCC. Để khắc phục vấn đề giao thông cản trở khi thực hiện chữa cháy, về cục bộ Sở CS PCCC có phương án gì thực hiện để người dân ở chung cư và trung tâm thương mại yên tâm?
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn: Quy định rất rõ trách nhiệm của chủ đầu tư khi lập dự án, quản lý đầu tư, ban quản lý nhà chung cư này về PCCC nhưng tại sao trong thực tiễn vẫn xảy ra tình trạng này? Chúng ta vẫn thấy độ vênh giữa pháp luật và thực tiễn. Chúng ta đang cố gắng hoàn thiện hệ thống pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Và đang rất cố gắng thực hiện để làm sao thực tiễn và pháp luật ngày càng gần nhau.
Ví dụ gần là khu chung cư Xa La, chúng tôi thấy trách nhiệm là chủ đầu tư trong đó có thỏa thuận về PCCC. Đây là sự vi phạm pháp luật của chủ đầu tư và liên đới là của đơn vị giám sát thi công, nhà thầu thi công,đơn vị thiết kế. TP đã ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, khi xảy ra cháy tại Xa La, TP đã chỉ đạo, rà soát toàn bộ khu chung cư về hồ sơ, thiết kế. Trong trường hợp ĐB bảo có 3 không thì CS PCCC sẽ tham mưu với thành phố để có giải pháp khắc phục, đang triển khai xây dựng kế hoạch kiểm tra tổng thể các khu nhà chung cư.
Về câu hỏi của ĐB Vũ Mạnh Hải, theo tôi thì giải pháp căn cơ bền vững là tuyên truyền cho người dân hiểu được trách nhiệm, toàn dân tham gia phong trào PCCC. Những cuộc diễn tập thường tập trung vào khu có nguy cơ cháy cao như làng nghề, khu chung cư cao tầng, trung tâm thương mại. Chúng tôi cũng hiểu được rằng với mạng lưới giao thông tại TP thì dù có nhanh bao nhiêu cũng không đáp ứng được. Vì thế, bây giờ cần nhiều giải pháp như trang bị thêm xe nhỏ, xe mô tô chữa cháy. Nhưng quan trọng vẫn là lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, hậu cần tại chỗ, trang bị tại chỗ. Đây cũng là giải pháp thứ hai sau công tác tuyên truyền. Thứ ba là giải pháp Phòng ngừa là chính, trong đó có trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan, tổ chức.
Chưa thỏa mãn với phần trả lời của Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn, ĐB Nguyễn Hoài Nam tái chất vấn: Đồng chí trả lời chưa đúng ý, tôi chỉ hỏi đến nhà tái định cư của TP. Chiểu theo luật PCCC và Nghị định 79, chúng tôi đi kiểm tra tình trạng vi phạm PCCC là như nhau nhưng tổng công ty đã lên phương án thay thế máy bơm hỏng trong khi đó Công ty một thành viên bảo chúng tôi không có tiền bảo trì. TP quan tâm đầu tư trước mắt ngay để khắc phục máy bơm PCCC và TP có biết không? Có làm việc này không và bao giờ mới xong?
Phó Chủ tịch Lê Hồng Sơn trả lời xin được tiếp thu và khẳng định việc trên Công ty Một thành viên phải báo cáo để TP có phương án khắc phục, vấn đề này TP rất quan tâm. Trong thời gian tới, sau khi có báo cáo phương án cụ thể, chúng tôi sẽ báo cáo HĐND.
Liên quan đến câu hỏi ĐB Nguyễn Hoài Nam chất vấn Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc về việc hai năm nay Hà Nội triển khai Năm trật tự và văn minh đô thị, tỷ lệ kiểm tra sai phạm rất cao, kỷ cương đô thị rất tốt, nhưng vừa qua, tình trạng sai phạm tại tòa nhà cao tầng khu đô thị, vấn đề là sự phối hợp giữa các cơ quan chức năng ở đây là như thế nào? Vậy nguyên nhân nào chúng ta để lọt mà không ngăn chặn được tình trạng như thế này ngay từ đầu? Ngay từ khi chủ đầu tư vi phạm, chúng ta không cấp phép cho xây dựng, cơ chế phối hợp như thế nào?
Giám đốc Sở Quy hoạch - Kiến trúc Nguyễn Thế Hùng trả lời: Thứ nhất, việc sai phạm này là do thái độ chấp hành pháp luật của chủ đầu tư không tốt từ vấn đề quy hoạch, đầu tư, xây dựng. Thứ hai là nhiệm vụ của các bộ máy chưa làm hết nhiệm vụ của mình. Có cơ quan làm được, có cá nhân làm nhiệt tình, có cá nhân không làm. Thứ ba là xem xét chế độ chính sách xử lý vi phạm.
Về quản lý của chúng ta còn có bất cập. Việc đầu tiên chúng ta đã báo cáo Thủ tướng để có lực lượng thanh tra xây dựng, quản lý trật tự xây dựng, thực hiện thí điểm được 5 năm và chúng ta chỉ còn 2 cấp, tạo ra cho quận, huyện mất đi lực lượng thực hiện thanh tra trực tiếp. Mô hình hiện nay là hợp quản làm lực lượng thanh tra yếu hẳn đi. Có trách nhiệm Sở, TP, địa bàn. Chúng ta cần kiến nghị Chính phủ thực hiện mô hình này. Thứ hai là chúng ta muốn xử lý nghiêm về vấn đề xây dựng sai phép, theo Thông tư là vi phạm xây dựng sai nhưng không vi phạm quy hoạch nên chỉ bị phạt hành chính. Đây là vấn đề không phù hợp với Thủ đô Hà Nội.
Giải pháp là tuyên truyền thực hiện đúng quy định pháp luật, tuyên truyền sâu rộng, tăng cường củng cố bộ máy quản lý, nhất là lực lượng thanh tra xây dựng, quản lý trật tự đô thị để lực lượng này mạnh về chuyên môn, nhiệt tình… Thực hiện giám sát của các cấp, các ngành, xử lý cá nhân. Tăng cường sử dụng toàn bộ những kết quả của vấn đề giám sát cộng đồng, giám sát xã hội để bộ máy sớm có thông tin, không để sai phạm xảy ra quá mức và không thể xử lý.
Tiếp tục chất vấn về nội dung PCCC, ĐB Hoàng Mạnh Phú (tổ Đan Phượng) thông tin: Công tác PCCC rất quan trọng và liên quan nhiều lĩnh vực, tại huyện Đan Phượng, nếu không đủ điều kiện PCCC thì chưa thực hiện, nông thôn cũng rất cần, hơn 1.000 làng nghề của Hà Nội cũng rất cần nếu không cẩn thận thì nước xa không chữa được lửa gần. Vậy, vấn đề đặt ra là PCCC liên quan đến hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật cho con người và xây dựng đô thị, chúng tôi vẫn thấy chung cư cao tầng xây dựng giữa khu dân cư.
Tôi tán thành trong PCCC thì phòng là chính, nhưng xảy ra cháy thì ai lo? Các đồng chí có thấy, tại TP.HCM đã xảy ra vụ cháy mà có xe thang 72m cũng không giải quyết được. Bởi vậy, trong khi tình hình của Hà Nội như hiện nay đã tham mưu và tổ chức cho bao nhiêu huyện thị tập huấn PCCC để ý thức của Đảng bộ, Nhân dân được nâng lên. Về quản lý nhà nước, chúng ta cũng không thể hy vọng chữa cháy được toàn bộ 100%, nếu xảy ra cháy, ảnh hưởng đến tư tưởng của người dân rất lớn, cứ như thế này thì nay mai người dân ai dám ở chung cư nữa, DN sẽ phải chuyển sang kinh doanh khác, không xây nhà chung cư nữa?
Trả lời chất vấn của ĐB Hoàng Mạnh Phú, Nguyễn Nguyên Quân, ông Hoàng Quốc Định - Giám đốc CS PCCC bày tỏ: Tôi rất cám ơn sự ghi nhận và sự động viên của các đồng chí đối với công tác PCCC trong thời gian qua.
Công tác PCCC hiện nay vẫn còn nhiều tồn tại, nhất là vấn đề liên quan đến nhà chung cư, nhà cao tầng nói chung. Vừa qua TP và UBND TP có giao cho CS PCCC đánh giá lại tổng thể thực trạng nhà chung cư tồn tại liên quan đến PCCC. Tôi xin báo cáo với các ĐB nguyên nhân và thực tế hiện nay. Hiện nay nhà và công trình cao tầng nói chung qua điều tra có 891 nhà và công trình cao tầng ngoài 643 nhà chung cư mà báo cáo của UBND TP đã nêu còn có những nhà chuyên năng khác.
Trong đó có 779 nhà đã đưa vào hoạt động và 112 đang thi công. Những công trình đang thi công có nhiều vấn đề tồn tại bất cập, mà nhiều vụ cháy hỏa hoạn xảy ra ngay khi đang thi công. Nguyên nhân tồn tại tiềm ẩn thì có nhiều nhà và công trình được xây dựng đi vào hoạt động trước khi có luật PCCC (năm 2001), vấn đề thẩm định, nghiệm thu, phê duyệt chưa được rõ ràng. Sở XD cấp phép xây dựng, điều kiện tiêu chuẩn PCCC có trước hay sau thì chưa ai quan tâm đến, chủ đầu tư nói chung cố tình làm ngơ miễn là làm sao giảm kinh phí và tiết kiệm thời gian cấp phép.
Nhiều nhà và công trình nhất là nhà tái định cư sớm cần đưa vào hoạt động do giải phóng mặt bằng. Đó là tồn tại khách quan do lịch sử để lại. Nguyên nhân chủ quan là do nhận thức, bộ máy cán bộ thực thi nhiệm vụ triển khai trách nhiệm của mình theo chức năng về kinh nghiệm còn hạn chế, yếu kém. Vừa qua TP và UBND TP đã giao cho CS PCCC Hà Nội khảo sát điều tra cơ bản lại, đánh giá rõ, sâu, cụ thể thực trạng tình hình và đề ra giải pháp. Trong các giải pháp nói chung đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP Lê Hồng Sơn đã có chỉ đạo như tuyên truyền, phòng ngừa tại chỗ...
Giám đốc CS PCCC Hà Nội cho rằng, công tác điều tra, đánh giá, nguyên nhân khách quan, chủ quan phải thật rõ, trên cơ sở đó phân định rõ ra là nhà nào có trước luật, sau luật, đã hoạt động, chưa hoạt động, phạm vi trách nhiệm và phạm vi liên quan đến công tác quản lý, điện nước, giao thông. Đặc biệt, vấn đề cơ quan quản lý, ban quản trị nhà chung cư, hoạt động của bộ máy này còn yếu về nghiệp vụ và trách nhiệm. Phương châm chỉ đạo 4 tại chỗ thì ban quản trị nhà chung cư phải thật sự chuyên nghiệp về PCCC.
Vấn đề giao thông là vấn đề rất lớn, không thể giải quyết một sớm một chiều. Và vấn đề tại chỗ cần được đầu tư một cách quyết liệt. Chúng tôi cũng đặt ra yêu cầu là cơ chế trách nhiệm giữa các ngành liên quan, công ty điện lực, cơ quan thiết kế… phải được phân vai, phân việc, trách nhiệm rõ ràng. Sở CS PCCC sẽ xây dựng kế hoạch cụ thể trình UBND TP duyệt để chỉ đạo các ngành, các cấp triển khai thực hiện, từng bước giải quyết vấn đề tồn tại nhà và công trình cao tầng nói chung và chung cư, nhà tái định cư nói riêng về vấn đề PCCC. Công tác quản lý nhà nước, thực tập chữa cháy nói chung cần phải được duy trì nhưng cũng phải phù hợp với khả năng, điều kiện thực tiễn của chúng ta.
ĐB Phạm Thị Thanh Mai tiếp tục tái chất vấn: Qua trả lời của đồng chí Giám đốc Sở XD, về việc kéo dài vi phạm chúng tôi chưa thấy trách nhiệm của Sở XD. Trả lời như vậy thì hầu hết bóng dáng quản lý nhà nước của Sở XD đối với quỹ nhà tái định cư, nhà chuyên dùng mà công ty nhà 1 thành viên đang gây ra không có! Tôi muốn hỏi đến bao giờ thì xong nếu thuộc thẩm quyền của đồng chí? Về thẩm quyền của TP, xin đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP trả lời?
Liên quan đến mô hình tổ chức Công ty trách nhiệm hữu hạn Một thành viên quản lý nhà, Giám đốc Sở Nội Vụ Nguyễn Huy Sáng trả lời: trong văn bản đề án sắp xếp của thành phố được chính phủ phê duyệt thì công ty này là 100% vốn nhà nước quản lý.
Giám đốc Sở Nội Vụ Nguyễn Huy Sáng.
Giám đốc Sở Nội Vụ khẳng định, danh mục các loại quỹ nhà này, có cơ chế chính sách để đối xử đối với từng loại nhà, khai thác công năng của các loại nhà này. Trách nhiệm trước hết vẫn là ở Sở XD, Sở TC để quản lý đối với các loại nhà này, giá đấu thầu là bao nhiêu, diện tích dành cho nhà sinh hoạt cộng đồng là bao nhiêu, cho thuê để phục vụ nhà đó là bao nhiêu, đấu thầu tạo nguồn thu để cho ban quản trị nhà hay chủ đầu tư để sửa chữa hỏng hóc, bảo trì. Vì đây là liên quan đến chức năng nhiệm vụ của công ty nên chúng tôi cũng có trách nhiệm. Qua nhiều thời kỳ dài, chúng ta phải nghiên cứu theo hướng đó chứ không phải là mô hình tổ chức...
Kết luận phần chất vấn vấn đề quản lý đô thị, đất đai, Chủ tịch HĐND TP Nguyễn Thị Bích Ngọc cho biết: "Có 20 lượt đại biểu chất vấn, một đồng chí Phó Chủ tịch UBND TP, 5 Giám đốc Sở đã trả lời tham gia trả lời về vấn đề quản lý nhà chung cư, chung cư tái định cư, phòng cháy chữa cháy, quản lý đất đai. Chúng tôi đánh giá cao trả lời của các đồng chí.
Về quản lý nhà chung cư, có ĐB nhầm giữa nhà chung cư, chung cư tái định cư và nhà chuyên dùng. Nhà cho thuê dịch vụ công cộng tại chung cư tái định cư và nhà chung cư tái định cư hiện nay. "Chúng ta đang cho công ty trách nhiệm hữu hạn nhà một thành viên quản lý. Hiện nay có 643 chung cư đưa vào hoạt động thì 166 nhà tái định cư, trong đó 166 nhà tái định cư có nhiều vấn đề bất cập. Nội dung này đã được HĐND chất vấn tại 3 kỳ họp: Kỳ 5, 6 và 11. UBND ngay sau đó đã tập trung giải quyết, đôn đốc đẩy nhanh cấp giấy sử dụng đất, thành lập ban quản lý nhà chung cư tái định cư. Đến hôm nay, các đại biểu thấy rằng việc quản lý nhà chung cư vẫn bất cập, cải tạo còn khó khăn, quản lý không chặt chẽ dẫn đến tình hình không phép, xử lý còn chậm, tỷ lệ ban quản lý giờ đã là 39% so với tái định cư đang hoạt động tôi thấy là còn thấp.
Đề nghị các đồng chí rà soát bổ sung quy định quy chế của TP về nhà chung cư nói chung trong đó có nhà tái định cư, nghiên cứu đưa ra cơ chế chính sách phù hợp điều kiện của TP Hà Nội, tiếp tục đẩy mạnh cấp giấy sử dụng đối với khu chung cư nói chung, rà soát lại quỹ bảo trì 2%, rà soát những hộ đến ở nhưng chưa nộp tiền, rà soát có quỹ nhà để phát triển sau này của TP. Nghiên cứu mô hình quản lý, cơ chế chính sách, cho dù nguyên nhân nào cũng cần có bộ máy quản lý, báo cáo HĐND trong thời gian tới.
Về vấn đề quản lý đất đai, các ý kiến đều tập trung vào vấn đề đối với dự án đã giao đất nhưng chậm triển khai, nội dung này đã được thường trực HĐND chất vấn nhiều lần với 35 ý kiến chất vấn và đến nay 31 ý kiến đã được các đồng chí UBND tiếp thu, khắc phục.
Công tác quản lý đất đai có những chuyển biến tích cực trong những năm gần đây. Các đồng chí đã phê duyệt 30/30 đồ án quy hoạch sử dụng đất 5 năm, triển khai phần mềm thông tin quy hoạch sử dụng đất, UBND đã ban hành 64 quyết định thu hồi đất, cho giao đất hết hạn… Qua giám sát trong tháng 5/2015 của HĐND, trên địa bàn có 620 dự án đã bàn giao đất nhưng chưa đưa vào sử dụng, 143 dự án chậm hoàn thành giải phóng mặt bằng. Đồng chí Phó Chủ tịch UBND đã trình bày rõ và nguyên nhân, giải pháp để đại biểu đồng tình với từng nhóm dự án. Chúng tôi xin nhấn mạnh, xin đề nghị UBND thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm sai phạm, tuyên truyền trên các phương tiện, thực hiện nghĩa vụ tài chính bổ sung, làm tốt hơn cải cách thủ tục hành chính, xác định quyền sử dụng đất, tài sản trên đất.
Về nội dung PCCC, chúng tôi thấy phần trả lời của Giám đốc CS PCCC chưa bám sát vào nội dung câu hỏi và trả lời. Chúng ta có 8 nhiệm vụ của CS PCCC và chúng ta đề nghị CS PCCC cần nghiêm túc xem xét trách nhiệm. Ban pháp chế đã giám sát lĩnh vực này, qua số liệu đã công khai trên cổng điện tử, vấn đề cháy nổ trên địa bàn đang tiềm ẩn và có nguy cơ rất cao. Năm 2015, tuy số vụ cháy giảm hơn trước nhưng vẫn là vấn đề tiềm ẩn, nguy cơ lớn đối với thành phố. Chúng tôi cho đi kiểm tra các nhà chung cư và báo cáo các ĐB là công tác phòng và các điều kiện phòng chống cháy nổ trên khu chung cư, chợ, nhà cao tầng là còn hạn chế. Chúng ta cần nêu rõ nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân công tác quản lý PCCC còn buông lỏng và hiệu quả hoạt động chưa cao. Qua giám sát của hội đồng 745 công trình chưa được thẩm duyệt, nghiệm thu PCCC nhưng đã đưa vào hoạt động. Tỷ lệ các DN được nghiệm thu PCCC rất thấp, các Khu công nghiệp, điểm công nghiệp cũng rất thấp. Thứ hai là tuyên truyền của cơ quan PCCC đến nhân dân, phương pháp kỹ năng phòng cháy còn rất ít, chưa đáp ứng được yêu cầu. Chúng tôi hoàn toàn đồng tình với giải pháp đã nêu và đưa ra ba giải pháp: Trách nhiệm PCCC là của toàn xã hội, trách nhiệm của người đứng đầu là Chủ tịch quận, huyện và của người dân cũng vô cùng quan trọng. Đề nghị xác định trách nhiệm, xây dựng kế hoạch triển khai luật rộng rãi đến người dân về luật PCCC. Chúng ta tập trung chỉ đạo xây dựng lực lượng, về phương tiện, sau khi thành lập UBND TP đã duyệt dự án gần 1.000 tỷ đồng để các đồng chí mua trang thiết bị, nên cần xây dựng về chuyên môn kỹ thuật nghiệp vụ. Sở CS PCCC cần rà soát lại các điều kiện PCCC ở chung cư, chợ trung tâm, khu thương mại, chung cư tái định cư, xử lý nghiêm các trường hợp không thực hiện. Sớm trình UBND quy hoạch tổng thể về PCCC trên địa bàn thành phố để các quận, huyện sớm triển khai, đầu tư nguồn lực nhất định đáp ứng yêu cầu phát triển của thành phố.
Về trật tự xây dựng đô thị, các vấn đề chủ yếu là về vi phạm khu đô thị. Theo báo cáo của UBND, chúng tôi đánh giá cao sự nỗ lực giải quyết vi phạm trật tự đô thị của các đồng chí. Vai trò của địa phương trong phát hiện vi phạm còn chưa phát hiện kịp thời, để báo chí nêu, UBND TP nêu thì các đồng chí mới vào cuộc. Cần xem xét, xử lý cá nhân có trách nhiệm. Trên 2.000 vi phạm đã xử lý 2/3, còn lại các đồng chí có phân loại, giao trách nhiệm xử lý giải quyết một cách dứt điểm, nên có giải pháp để chúng ta có quyết tâm không để phát sinh vi phạm trên địa bàn. UBND TP Hà Nội cần quan tâm công tác tuyên truyền, toàn thể hệ thống chính trị vào cuộc đồng thời cùng với người dân phát hiện kịp thời".