Trung Á đang vươn mình trở thành một trrong những trung tâm thương mại hàng đầu châu Á cũng như là điểm trung chuyển chính của hành lang thương mại Á-Âu. Trong đó, Kazakhstan đang thu hút sự quan tâm của nhiều quốc gia, đặc biệt là Trung Quốc.
Theo Cơ quan Hải quan Trung Quốc, kim ngạch thương mại Trung Quốc-Trung Á đạt 89,4 tỷ USD vào cuối năm 2023, tăng 27% so với mức 70,2 tỷ USD năm 2022. Trong đó, xuất khẩu từ quốc gia tỷ dân sang khu vực này đã lên đến 61,4 tỷ USD.
Trong 9 tháng đầu năm 2023, chỉ riêng thương mại giữa Trung Quốc và Kazakhstan đã đạt đến con số khổng lồ 41 tỷ USD, tương đương 46% tổng kim ngạch thương mại của Trung Quốc với toàn bộ khu vực Trung Á. Theo số liệu do Cục Thống kê Quốc gia Kazakhstan tổng hợp, nền kinh tế số hai thế giới đã chiếm đến 21,3% (trị giá 21,7 tỷ USD) trong tổng ngoại thương của nước này giai đoạn này.
Các mặt hàng xuất khẩu chủ yếu của Kazakhstan sang Trung Quốc là nguyên liệu thô và tài nguyên thiên nhiên, trong khi đó, quốc gia tỷ dân thường xuất khẩu đồ gia dụng, hàng hóa thành phẩm, quần áo và ô tô sang phía đối tác của mình.
Trong tháng 1 và tháng 2 năm nay, xuất khẩu của Trung Quốc sang tất cả các nước trong vòng cung từ Thổ Nhĩ Kỳ đến Kazakhstan đã tăng 31% so với hai tháng đầu năm 2022. Thương mại của Trung Quốc với Azerbaijan tăng 83% so với cùng kỳ, gấp đôi so với mức tăng theo phần trăm trong thương mại của những quốc gia còn lại trong khu vực với quốc gia tỷ dân.
Ngoài ra, Trung Á cũng đang thu hút nhiều doanh nghiệp nước ngoài đến đầu tư. Theo Interfax, Trung Quốc đã mở 854 doanh nghiệp mới tại Uzbekistan vào năm 2023, tăng 210% so với năm 2022. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Hàn Quốc cũng đang hoạt động sôi nổi tại khu vực này.
Đường sắt Kazakhstan gần đây đã ký một biên bản ghi nhớ với công ty Trung Quốc Xi'an Free Trade Port Construction and Operation Co, LTD để tạo điều kiện thuận lợi cho việc giao thương giữa hai bên.
Theo Chiến lược gia David Goldman, tổng thương mại giữa Trung Quốc và các nước Nam bán cầu, bao gồm Trung Á, đã bù đắp phần nào sự sụt giảm thương mại giữa quốc gia này với các nền kinh tế tiên tiến khác như: Mỹ, Liên minh châu Âu và Nhật Bản.
Lý giải tại sao Trung Á đang có những bước chuyển mình mạnh mẽ như vậy, ông Javier Piedra, chuyên gia tư vấn tài chính, chuyên gia về phát triển quốc tế và là cựu phó trợ lý quản trị khu vực Nam và Trung Á tại Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) cho biết: “Điều này bắt nguồn từ những chính sách ngoại giao song phương và đa phương đầy sáng tạo của các nước tại khu vực này. Để tăng kim ngạch thương mại trong khu vực, các quốc gia nay thường phối hợp làm việc để phát huy sức mạnh tập thể”.
Ông cho biết thêm nhằm thắt chặt quan hệ hợp tác, nguyên thủ của những quốc gia này thường xuyên thực hiện các chuyến thăm hỏi lẫn nhau, chẳng hạn: Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev và Tổng thống Uzbekistan Shavkat Mirziyoyev đã gặp mặt trực tiếp 12 lần kể từ năm 2018. Hay cách đây hai tuần trước, ông Tokayev đã gặp Tổng thống Azerbaijan Ilham Aliyev tại Baku để thúc đẩy triển khai các hiệp định thương mại và vận tải.
Theo chuyên gia này, một trong những nguyên nhân thúc đẩy mối quan hệ Trung Quốc-Trung Á là do các nhà lãnh đạo tại khu vực này luôn duy trì quan điểm ủng hộ Sáng kiến Vành đai và Con đường của Bắc Kinh, các chính sách mở rộng của BRICS, Liên minh kinh tế Á-Âu cũng như nhiều cấu trúc kinh tế mà họ cho rằng có khả năng thúc đẩy thương mại.