Mức độ thiệt hại kinh tế khá nghiêm trọng
Công tác phong tỏa hiện trường được thực hiện rất nghiêm ngặt, ngay từ thời điểm ngọn lửa được khống chế và dập tắt vào khoảng hơn 1 giờ sáng ngày 5/7.
Tại hiện trường, toàn bộ nhà xưởng đã sụp đổ, biến dạng. Các phương tiện vận chuyển, dây truyền máy móc trang thiết bị, hàng hóa nguyên vật liệu đều bị thiêu rụi.
Theo nhiều công nhân, thiệt hại về tài sản do vụ hỏa hoạn gây ra rất lớn bởi cơ sở đang tiến hành đóng gói toàn bộ hàng hóa sản xuất được trong thời gian dài vừa qua để chuyển đến đối tác.
“Công ty cách nhà tôi chừng 8 km, tôi không ngờ hậu quả của vụ cháy lại khủng khiếp như vậy. Toàn bộ hàng hóa chúng tôi mới đóng gói hôm qua để trả hàng cho đối tác, bây giờ hóa thành tro bụi, các hạng mục công trình nhà xưởng đều sụp đổ hoàn toàn. Phân xưởng của tôi chuyên mảng bao bì với 30 công nhân, ngoài ra còn có 2 phân xưởng khác chuyên về cắt may” - chị Thanh, công nhân tại cơ sở thông tin.
Theo nhiều công nhân, ngày hôm qua họ được nghỉ làm sớm hơn thường lệ, bởi vì Công ty chuẩn bị chuyển hàng đến các đối tác. Ca làm việc buổi tối chỉ có khoảng trên dưới 10 người trong tổng số cả trăm công nhân của Công ty ở lại làm việc. Khi hỏa hoạn xảy ra, số công nhân này đã kịp thời thoát ra ngoài trước khi ngọn lửa bùng lên dữ dội.
Được biết, địa điểm cơ sở kinh doanh sản xuất nhựa và bao bì xảy ra hỏa hoạn được thuê lại toàn bộ nhà xưởng của một công ty thương mại và xây dựng, địa chỉ tại số nhà 153 đường Trần Phú, phường Trưng Nhị, thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc. Phía trước cơ sở kinh doanh cách khu dân cư dọc đường Trần Phú khoảng chừng 10 m, còn phía sau Công ty được xây tường gạch bao quanh, sát cánh đồng hoàn toàn trống trải.
Hậu quả của vụ hỏa hoạn đã khiến xưởng sản xuất diện tích cả nghìn mét với 3 dãy nhà, cùng nhiều vật liệu, phương tiện xe cộ, máy móc sản xuất kinh doanh bị thiêu rụi, hư hỏng. Rất may, không xảy ra thiệt hại về người.
Hé lộ nhiều vi phạm trong PCCC
Ngay sau khi nhận được tin báo cháy vào thời điểm khoảng 21 giờ 28 phút, lực lượng Cảnh sát PCCC&CNCH đã được huy động số lượng người và phương tiện hùng hậu với hơn 10 xe chữa cháy, 3 xe xitec; đồng thời các Đội chữa cháy chuyên ngành: Khu công nghiệp (KCN) Thăng Long Vĩnh Phúc, KCN Khai Quang, KCN Bá Thiện II cũng tiếp viện 3 xe chữa cháy; huy động 3 máy xúc của các hộ dân; lực lượng dân phòng với tổng số hàng trăm lượt cán bộ, chiến sĩ… đến hiện trường triển khai chữa cháy, chống cháy lan.
Lãnh đạo UBND tỉnh Vĩnh Phúc, lãnh đạo UBND thành phố Phúc Yên và các đơn vị liên quan cũng đến hiện trường trực tiếp chỉ đạo lực lượng chức năng tiến hành biện pháp dập lửa. Đến 23 giờ tối 4/7, đám cháy dần được khống chế, nhưng phải đến hơn 1 giờ sáng 5/7 thì đám cháy mới được dập tắt. Lực lượng chữa cháy đã ngăn chặn được ngọn lửa, không để cháy lan sang các hộ dân liền kề.
Qua tìm hiểu, PV Báo Kinh tế và Đô thị cũng được biết, cơ sở sản xuất kinh doanh bao bì để xảy ra vụ hỏa hoạn gây hậu quả nghiêm trọng tối 4/7 có nhiều vi phạm các quy định về phòng cháy chữa cháy.
Cụ thể, tại biên bản kiểm tra về PCCC&CNCH lập ngày 11/6/2024, lực lượng chức năng xác định cơ sở có một số vi phạm, tồn tại như sau:
Không bố trí người có thẩm quyền, trách nhiệm làm việc với người có thẩm quyền kiểm tra khi đã nhận được thông báo về việc kiểm tra an toàn phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ.
Đưa hạng mục công trình vào sử dụng, hoạt động khi chưa có giấy chứng nhận hoặc văn bản thẩm duyệt thiết kế về phòng cháy và chữa cháy. Cơ sở thuộc diện phải mua bảo hiểm cháy, nổ bắt buộc mà không mua theo quy định của pháp luật.
Không xây dựng phương án chữa cháy, phương án cứu nạn, cứu hộ. Trang bị không đầy đủ phương tiện phòng cháy và chữa cháy cho đội phòng cháy và chữa cháy cơ sở theo quy định của pháp luật.
Với 5 hành vi vi phạm như trên của chủ cơ sở, Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH đã lập biên bản vi phạm hành chính và tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định xử phạt hành chính số 868/QĐ-XPHC ngày 21/6/2024 với tổng số tiền là 180.000.000 đồng; đồng thời ban hành quyết định tạm đình chỉ hoạt động.