Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ lụy từ dịch

Trọng Tùng
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ sau 4 tháng bùng phát, dịch tả lợn châu Phi đã càn quét qua 24/24 quận, huyện, thị xã có chăn nuôi lợn trên địa bàn Hà Nội.

Số lợn buộc phải tiêu hủy hiện đã chiếm khoảng 21% tổng đàn lợn toàn TP khiến cho hơn 21.000 hộ chăn nuôi lợn như “ngồi trên đống lửa”.
Điều đáng nói, trong số hơn 2 vạn hộ có lợn bị tiêu hủy, không ít hộ đã phải vay lãi các tổ chức tín dụng để phát triển chăn nuôi. Nay sản xuất bị ngưng trệ nhưng tiền lãi hàng tháng vẫn phải trả, không ít hộ đứng trước nguy cơ tái nghèo.
Ngay từ khi dịch tả lợn châu Phi bùng phát, TP Hà Nội đã chủ trương hỗ trợ các hộ chăn nuôi có lợn bị tiêu hủy theo giá thị trường. Việc làm tốt công tác này đã phát huy hiệu quả lớn trong công tác khống chế dịch. Được hỗ trợ kịp thời, nhiều hộ sau khi tiêu huỷ lợn đã chuyển sang chăn nuôi các loại gia súc, gia cầm khác để ổn định đời sống kinh tế. Tuy nhiên thời gian qua, do số lượng lợn bị dịch quá lớn, trong khi nguồn ngân sách dự phòng có hạn nên việc chi trả hỗ trợ cho các hộ dân chưa kịp thời.
Thậm chí tại một số địa phương, hiện nguồn ngân sách dự phòng đã cạn kiệt. Kéo theo đó là hàng nghìn hộ chăn nuôi chưa nhận được tiền chi trả hỗ trợ lợn bị tiêu hủy. Số nông dân “trắng tay” vì dịch tả lợn sẽ còn lớn hơn trong bối cảnh dịch bệnh chưa có dấu hiệu được khống chế và nguồn ngân sách phục vụ công tác phòng, chống dịch đang ngày càng eo hẹp.
Điều đáng nói, việc chậm chi trả tiền hỗ trợ cho các hộ có lợn bị tiêu hủy có thể làm phát sinh nhiều khó khăn trong công tác khống chế dịch tả lợn. Hệ lụy đáng lo nhất là các hộ có lợn bị chết có thể giấu dịch, lén lút giết mổ, bán thịt lợn ra thị trường để thu tiền tái đầu tư sản xuất, thay vì mỏi mòn chờ đợi được hỗ trợ!
Quan điểm xuyên suốt của lãnh đạo TP Hà Nội trong suốt nhiều tháng qua là không để thiếu nguồn kinh phí phòng, chống dịch tả lợn châu Phi. Công tác chỉ đạo rất sát sao nhưng quy trình thực hiện tại một số sở, ngành hiện khá chậm, nhất là đối với đề xuất bổ sung nguồn kinh phí hỗ trợ lợn bị tiêu hủy do dịch. Nếu không kịp thời tháo gỡ khó khăn này, viễn cảnh vỡ trận ngành chăn nuôi lợn sẽ không chỉ dừng ở mức độ “nguy cơ”.
Bên cạnh bổ sung nguồn kinh phí phục vụ công tác khống chế dịch tả lợn châu Phi, các bộ, ngành T.Ư và Hà Nội, nhất là các tổ chức tín dụng cần nghiên cứu, có chính sách trợ giúp nông dân, cụ thể là giãn tiến độ trả nợ cho các hộ vay vốn chăn nuôi lợn.
Đồng thời, hướng dẫn các hộ chuyển đổi sang chăn nuôi gia súc, gia cầm, canh tác cây trồng có giá trị khác, tiến tới dần ổn định sản xuất. Đây sẽ là giải pháp thiết thực nhằm giảm áp lực tài chính, vơi bớt nỗi lo tái nghèo cho các hộ không may có lợn bị tiêu hủy trong bối cảnh dịch tả lợn châu Phi tiếp tục lan rộng.