Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hệ lụy từ người mắc nghiện

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Có người đã nói rằng, một gia đình dù giàu có và thành đạt đến đâu, chỉ cần có người mắc nghiện thì coi như muối bỏ bể. Nhưng đấy là về mặt kinh tế, còn về tinh thần thì chưa có một con số thống kê nào cho thấy hết những cay đắng, tủi nhục.

KTĐT- Có người đã nói rằng, một gia đình dù giàu có và thành đạt đến đâu, chỉ cần có người mắc nghiện thì coi như muối bỏ bể. Nhưng đấy là về mặt kinh tế, còn về tinh thần thì chưa có một con số thống kê nào cho thấy hết những cay đắng, tủi nhục.

Thực tế cho thấy, ma túy đã không buông tha bất cứ thành phần nào trong xã hội… Con đường dẫn đến nó cũng có muôn vàn cách, nhưng kết cục luôn là những câu chuyện buồn.

Nhìn gia đình chị A. không ai nghĩ rằng bên trong nó lại là một bi kịch lớn. Cả hai vợ chồng đều là người có học. Ngày chị tình cờ phát hiện ra anh nghiện hút, tất cả mọi thứ trước mắt chị tối sầm lại. Chị đã khóc rất nhiều, cảm thấy sao mình thật bất hạnh vậy, bao cố gắng vun đắp cho hạnh phúc gia đình giờ đây mình lại nhận được kết quả như vậy. Chị dằn vặt anh chỉ được nghe câu trả lời mà chị biết là không thật: "Do công việc, chán nản mà anh rơi vào nghiện. Nhưng anh mới mắc nghiện thôi, mức độ không nặng, anh có thể tự cai, chỉ cần thời gian nửa tháng". Rồi thời gian sau anh lại nói: "Anh đã tự cai nhưng chỉ được hai ngày lại không thể chịu được…".Chị vẫn biết từ bỏ nghiện hút không phải một chuyện dễ dàng, nhưng vấn đề là anh vẫn không ý thức được việc phải từ bỏ. Chị cảm thấy thất vọng, hụt hẫng vì không ngờ chồng mình có học lại không nhận thức được vấn đề nghiêm trọng đến như vậy. Một gia đình êm ấm hạnh phúc như vậy mà anh đã đánh đổi nó cho những cơn phê thuốc.

Với nhiều gia đình có người nghiện, nỗi thất vọng đã biến thành tuyệt vọng, thậm chí nỗi tuyệt vọng đó đã nhân lên nhiều lần khi phải hứng chịu hậu quả của nghiện hút là bệnh HIV. Nhiều người nói rằng, "chết là hết", nhưng với không ít gia đình có người bị nghiện hút, rồi nhiễm HIV qua đời, nỗi buồn đau để lại cho người sống dai dẳng mãi không thôi. Cho đến bây giờ, khi Quân đã qua đời được hơn một năm nhưng ông bà Thứ vẫn chưa thôi oán trách nhau, rồi lại tự trách mình đã không kịp ngăn con khi nó sa vào tệ nạn. Quân vốn là niềm tự hào của ông bà, bởi cậu có khiếu văn nghệ, có tài viết và cả tài nói nữa. Nên khi mọi người xung quanh bảo "thằng Quân nó nghiện", ông bà lại cho là đặt điều, không đúng. Chỉ đến khi thấy Quân ngày càng vật vờ, có lần bỏ đi cả tháng không thấy về, rồi nhiều người kéo đến đòi nợ , ông bà mới té ngửa ra. Chưa kịp làm gì để lôi con lại, ông bà lại như không tin ở mắt mình khi nhận được giấy buộc thôi việc ở công ty Quân gửi về với lý do "nhiễm HIV". Rồi Quân chán đời bỏ đi lang thang và bị bắt vào Trung tâm Cai nghiện, ông bà chỉ còn như hai cái bóng. Tiền bạc, hay sự xấu hổ với người thân, láng giềng chỉ còn là chuyện nhỏ. Ông bà không nghĩ rằng cái ngày kẻ đầu bạc tiễn kẻ đầu xanh lại đến nhanh quá vậy. Quân trốnTrung tâm Cai nghiện, tiếp tụclao vào chích hút để quên đi bệnh tật. Và cũng chính vì việc ấy mà chỉ chưa đầy một năm sau, cậu đã không còn sức để trụ lại với đời. Quân chết đã đành, ông bà Thứ cứ sống mãi trong nỗi dày vò, day dứt. Tuổi già cứ héo quắt đi trong nỗi tuyệt vọng không thôi.

Khó có thể kể hết được những câu chuyện đang xảy ra trong những gia đình không may có người dính vào ma túy. Nhưng có điều, hầu như ai cũng ý thức được đấy là việc không tốt, sẽ có kết cục buồn, nhưng dũng khí để dứt ra lại không phải ai cũng có. Dù đã rất nỗ lực để ngăn ngừa tình trạng nghiện ma túy nhưng những con số thống kê từ hội nghị phòng, chống ma túy tại Hà Nội khiến những người có trách nhiệm chưa thể yên lòng khi 70% người nghiện là thanh niên. Cùng với trách nhiệm của nhà trường, xã hội, nguyên nhân quan trọng vẫn là do sự thiếu sự quản lý của gia đình. Bởi thế, những đau buồn khi gia đình có người mắc nghiện có lẽ là câu chuyện không mới nhưng cũng chưa bao giờ cũ.