Lần đầu tiên, giải nữ quốc gia có đến 7 đội bóng tham dự. Nên nhớ rằng, để có thêm được một đội bóng dự giải là Tao Đàn vốn là đội hình 2 của TP Hồ Chí Minh là cả một sự cố gắng lớn của những người làm bóng đá. Ai cũng biết, nền bóng đá đang gặp nhiều khó khăn và bóng đá nữ thì còn gian nan gấp bội. Họ sống chủ yếu từ nguồn ngân sách sự nghiệp vốn không thật sự dồi dào. Và bất ngờ ở chỗ, khi tuyển U23 đang làm mưa làm gió ở Hà Nội thì các quan chức của nền bóng đá đã kéo vào TP Hồ Chí Minh trao quà cho các cô gái đá bóng. Người ta bảo, đây là cách tiếp cận vấn đề khá tinh tế và cho thấy một định hướng hoàn toàn khác của các nhà quản lý. Họ muốn chứng tỏ rằng, bóng đá nữ đang được quan tâm hơn và giờ là lúc để thực hiện một chiến lược mới nhằm hướng tới tương lai. Khi VFF quyết định giao Đội tuyển quốc gia nữ cho một HLV ngoại, lại là chuyên gia đào tạo trẻ thì có vẻ như tổ chức này muốn hướng đến mục tiêu thay đổi triệt để. Rằng, Đội tuyển quốc gia nữ phải đón nhận một lứa cầu thủ mới thì mới mong nâng tầm đội tuyển ở đấu trường lớn. Nhưng, để có lứa cầu thủ mới thì cần phải tung vào sân những đội bóng trẻ. Và thế là những đội bóng như Thái Nguyên, Hà Nội II, Tao Đàn, Hà Nam bỗng chốc được quan tâm khi mà đội hình của họ có thật nhiều cầu thủ trẻ. Bóng đá nữ dần thoát khỏi cảnh "con nuôi" khi mà VFF quyết định nâng 150% quỹ thưởng ở giải vô địch quốc gia. Có thể, vài trăm triệu không đáng là bao ở V-League nhưng ở sân chơi nữ, nơi mà không có nhiều Mạnh thường quân vào cuộc và các cầu thủ đang nhận mức lương vài triệu đồng/tháng thì đó là con số vô cùng ý nghĩa. Và, bản thân các cầu thủ cũng có cho mình một mục tiêu khác ngoài tiền thưởng, đó là chiếm được thiện cảm của ông thầy người Nhật Norimatsu để có suất lên Đội tuyển quốc gia. Với họ, lên tuyển có nghĩa là đời sống sẽ được cải thiện, bởi sẽ được hưởng chế độ đãi ngộ cao hơn. Đã xuất hiện những tín hiệu tích cực từ sân chơi dành cho các cô gái đá bóng. Chỉ hy vọng rằng, ngày vui ấy sẽ được kéo dài để bóng đá nữ nước nhà có được một diện mạo mới.