Kinhtedothi - Minh bạch và bình đẳng hơn, đó là những đánh giá ban đầu về Luật Đấu thầu năm 2013 (chính thức có hiệu lực từ 1/7/2014). Và với việc cho áp dụng phương thức "một giai đoạn, hai túi hồ sơ", Luật Đấu thầu mới cũng chấm dứt tình trạng nhà thầu có năng lực yếu nhưng vẫn trúng thầu do chào giá thấp.
Trọng năng lực hơn tài chính
Một trong những vướng mắc lớn nhất trong việc thực hiện đấu thầu, theo ông Lê Văn Tăng - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT), là khi tổ chức đấu thầu, 2 túi hồ sơ về kỹ thuật và tài chính cùng mở một lúc. Do vậy, trong một số trường hợp, nhà thầu yếu nhưng lại chào với giá thấp khiến chủ đầu tư lúng túng trong việc đánh giá. Tuy nhiên, thực hiện Luật Đấu thầu mới, các bên tham gia dự thầu bắt buộc phải nộp cùng lúc 2 túi hồ sơ đề xuất kỹ thuật và hồ sơ đề xuất tài chính.
Nhưng khi mở thầu, túi hồ sơ kỹ thuật sẽ được đánh giá trước. Nhà thầu nào đáp ứng về năng lực mới được mở tiếp túi hồ sơ về tài chính, lúc này, nhà thầu nào bỏ giá thấp mới được tính tới. "Không bóc túi tài chính nên chủ đầu tư không bị tác động bởi giá bỏ thầu, chỉ khi đạt về năng lực, kinh nghiệm, chuyên môn mới được mở túi đề xuất giá. Như vậy, khi đấu thầu sẽ loại ra được nhà thầu năng lực yếu kém" - ông Tăng chia sẻ.
Ngoài ra, Luật lần này cũng bổ sung thêm nhiều phương pháp đánh giá hồ sơ đấu thầu để lựa chọn. Cụ thể, trước đây, với mua sắm hàng hóa xây lắp, Luật Đấu thầu cũ chỉ có một phương pháp là đánh giá, nhưng hiện nay, Luật mới có sự kết hợp cả tiêu chí kỹ thuật và giá. Do đó, nhà thầu nào có kỹ thuật cao hơn sẽ được chọn. Luật cũng ràng buộc trách nhiệm của tổ chấm thầu, theo đó, tổ chấm thầu được quyền lựa chọn nhà thầu có năng lực chuyên môn tốt trước rồi mới tới giá, nếu vẫn chọn nhà thầu yếu thì lỗi do tổ chấm thầu và sẽ bị xử lý.
Cùng với việc có nhiều điểm cải tiến trong Luật Đấu thầu mới, đẩy mạnh đấu thầu qua mạng giúp công khai, minh bạch, nhà thầu ở bất kể nước nào cũng có thể tham gia, qua đó nâng cao mức cạnh tranh, thêm lựa chọn cho chủ đầu tư...
Mở cơ hội cho nhà thầu nội
Nhiều năm qua, các doanh nghiệp (DN), đặc biệt là DN xây dựng trong nước luôn cho rằng, cơ chế Luật Đấu thầu không ưu tiên cho DN nội. Tuy nhiên, với Luật Đấu thầu mới, theo đánh giá của TS Nguyễn Minh Phong - chuyên gia kinh tế, với việc quy định một mẫu hồ sơ dùng chung cho cả dự án có vốn từ các nhà tài trợ cũng như nguồn vốn của Việt Nam đã đảm bảo sự minh bạch, tiệm cận hơn với luật pháp quốc tế, tạo "sân chơi" bình đẳng cho các nhà thầu trong nước. Bên cạnh đó, Luật mới cũng quy định, sau khi nhà thầu hoàn thành xong công trình nếu như chủ đầu tư không thanh toán tiền thì nhà thầu có thể kiện và đòi lãi suất từ số tiền còn nợ của chủ đầu tư. Đây là một điểm rất mới và tiến bộ, có lợi hơn cho DN. Đặc biệt, nếu như trước đây, cơ hội trúng thầu thường dành cho các trường hợp nhà thầu bỏ giá thấp nhất thì Luật mới lại sử dụng tiêu chí xác định toàn diện, cả về kỹ thuật và năng lực tổ chức thi công. Nếu DN bỏ giá thấp thứ hai nhưng đáp ứng đầy đủ các tiêu chí về kỹ thuật thì vẫn trúng thầu.
Mở ra cơ hội lớn cho các nhà thầu trong nước, song bài toán đặt ra là phải làm thế nào để vừa phát huy nội lực của các nhà thầu, vừa tích lũy thêm được kinh nghiệm từ đối tác ngoại. Liên quan đến vấn đề này, Tổng Thư ký Hiệp hội Nhà thầu xây dựng Việt Nam (VACC) Dương Văn Cận cho rằng, các thương hiệu nhà thầu nội như VINACONEX, COFICO, Sông Đà… đã từng bước vươn lên ngày càng mạnh, cả trong lĩnh vực xây dựng dân dụng, công nghiệp, giao thông và đã có đủ năng lực để cạnh tranh với các nhà thầu quốc tế. Tuy nhiên, hạn chế của các nhà thầu nội là về tài chính. "Trong khi một số nhà thầu nước ngoài được hưởng những ưu đãi trong đầu tư thì chính sách thuế, tín dụng của Việt Nam chưa dành nhiều ưu đãi đối với chủ đầu tư và nhà thầu trong nước. Năng lực cạnh tranh của từng nhà thầu không chỉ phụ thuộc vào thể trạng của chính họ, mà còn phụ thuộc vào môi trường thể chế" - ông Cận cho hay. Và khi cơ chế, chính sách vẫn đang tiếp tục được hoàn thiện, bản thân các nhà thầu trong nước muốn giành lại chỗ đứng trên "sân nhà" phải cố gắng, nỗ lực và nghiêm khắc với chính mình để dần hình thành năng lực cần có của nhà thầu mạnh, uy tín.
Việc đấu thầu cần công khai, minh bạch. Trong ảnh: Một đoạn Quốc lộ 1A. Ảnh: Thanh Thảo
|