Tham vọng là lớn và hợp lý nhưng liệu có thành danh mục rỗng hoặc gây nhiều phản ứng như quy định cập nhật các bài hát được phép lưu hành trước năm 1975 đang còn bị bỏ ngỏ.
Công nghệ thay việc cho hội đồng xét tặng Cục NTBD đang xây dựng dự thảo trong nghị định mới về hoạt động NTBD. Trong các quy định mới, ngoài mong muốn cập nhật danh mục các cuộc thi sắc đẹp uy tín trên thế giới, giảm thủ tục cấp phép cho các ca khúc sáng tác trước năm 1975…, dự thảo còn có nhiều điểm mới nổi bật khác. “Cục NTBD mong muốn áp dụng công nghệ trong việc lập cơ sở dữ liệu cá nhân nghệ sĩ. Theo đó, hồ sơ sẽ là một tiểu sử của nghệ sĩ. Mỗi năm hồ sơ được cập nhật về giải thưởng, chương trình tham gia, sáng tác mới… Ban đầu sẽ là dữ liệu từ các đơn vị công lập, sau đó sẽ mở rộng các nghệ sĩ tự do” – nghệ sĩ Tuyết Minh -Chuyên viên phòng Nghệ thuật (Cục NTBD), thành viên Tổ Biên tập dự thảo nghị định, cho biết.
|
Các nghệ sĩ biểu diễn tại Nhà hát Lớn Hà Nội. Ảnh: Chiến Công |
"Trước đây, các nghệ sĩ khi xét duyệt danh hiệu phải làm hồ sơ, xin xác nhận vất vả. Với công nghệ quản lý mới, Cục NTBD sẽ thay họ làm điều đó. Từ dữ liệu Cục cung cấp, công chúng, cơ quan quản lý sẽ dễ dàng có cái nhìn khái quát về mỗi cá nhân, từ đó có cơ sở xét duyệt danh hiệu Nghệ sĩ Ưu tú, Nghệ sĩ Nhân dân" – Cục trưởng Cục NTBD Nguyễn Quang Vinh bày tỏ. Từ cơ sở dữ liệu này, mỗi kỳ xét tặng sự hơn kém của nghệ sĩ sẽ thể hiện rõ trong bảng thành tích. Mức độ đánh giá về đạt hay không đạt danh hiệu chỉ còn thuộc về các cống hiến trong hoạt động xã hội. Như vậy, công tác xét tặng sẽ công khai, minh bạch hơn so với cách làm hồ sơ mang tính truyền thống.
Ôm đồm và chồng chéo?Ủng hộ cách quản lý dữ liệu hồ sơ nghệ sĩ bằng công nghệ, tuy nhiên, NSND Thanh Hoa – Chủ tịch Hiệp hội Bảo vệ quyền của nghệ sĩ biểu diễn âm nhạc Việt Nam cho rằng, nếu quy định này ra đời sẽ dễ vướng vào những bất cập, giống như quy định đưa danh mục cấp phép các khúc sáng tác trước năm 1975 thời kỳ trước. “Bộ có danh mục của Bộ, Cục có danh mục của Cục, cái thiếu vẫn thiếu, cái thừa vẫn thừa nên mới dẫn đến chuyện đưa ra danh mục nhưng danh mục rỗng. Tôi không hiểu vì sao các cơ quan quản lý Nhà nước thích đi làm thay việc của các hội nghề nghiệp. Không ai hiểu và nắm bắt được nghệ sĩ bằng các Hội. Chính vì vậy, tôi đề xuất đưa việc cập nhật danh mục hồ sơ dữ liệu của các diễn viên cho Hội Điện ảnh, của nghệ sĩ múa cho Hội Múa, của ca sĩ cho Hội Âm nhạc và các hội chuyên ngành âm nhạc…” – NSND Thanh Hoa bày tỏ.
Bày tỏ những băn khoăn này với thành viên Tổ Biên tập dự thảo Nghị định, nghệ sĩ Tuyết Minh cho rằng: Đúng là việc cập nhật được đầy đủ dữ liệu của từng nghệ sĩ là việc rất khó. Tuy nhiên, thực tế hiện nay thay vì quản lý nghệ sĩ tại các nhà hát thuộc hệ thống công lập bằng hồ sơ giấy thì ta chuyển sang dữ liệu điện tử. Về lâu dài, Cục sẽ phân cấp việc cập nhật cho các Sở bằng những quy định dữ liệu chung. Bên cạnh hồ sơ dữ liệu của nghệ sĩ, trong dự thảo Nghị định lần này còn có nội dung quản lý lại các cuộc thi và liên hoan trong lĩnh vực NTBD. Hiện nay, hầu hết các cấp đều có những liên hoan, cuộc thi nghệ thuật quần chúng đến sân khấu. “Truyền thông lẫn người làm nghề kêu ca cuộc thi, liên hoan quá nhiều mà không phân biệt cấp độ. Từ đó, chúng tôi đề xuất việc quản lý tổ chức các cuộc thi, liên hoan này để danh hiệu thật sự ý nghĩa với xã hội và bản thân nghệ sĩ” – nghệ sĩ Tuyết Minh nhấn mạnh.
Xem ra, tham vọng chấn chỉnh hoạt động nghệ thuật biểu diễn nhờ quản lý thông qua công nghệ là rất lớn. Nhưng quy định này có giẫm phải vết xe đổ của quy định lần trước, khiến Cục trưởng Cục NTBD phải đăng đàn xin lỗi dư luận vẫn là những điều đầy hoài nghi. Vì các căn cứ tạo ra hiệu quả quản lý trực tuyến chưa thật thuyết phục nghệ sĩ và người làm ngành.