Chuyến thăm được thực hiện trong bối cảnh hội nghị "Những người bạn của Syria" với sự tham gia của lãnh đạo cấp cao đến từ 11 quốc gia thuộc thế giới Ả Rập và châu Âu tại Thổ Nhĩ Kỳ kết thúc hôm 21/4 mà không đạt được bất cứ thỏa thuận nào nhằm tìm ra các giải pháp cho cuộc khủng hoảng của Syria. Trong khi đó, hôm 17/4, ông Hagel đã tuyên bố Mỹ sẽ gửi một đơn vị tham mưu tác chiến bộ binh gồm 200 quân và 2 đơn vị tên lửa đánh chặn Patriot đến Jordan để đối phó với tình hình xung đột đang trở nên trầm trọng hơn tại Syria.
Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel.
Về thực chất, động thái trên của Mỹ được cho là nhằm từng bước thực hiện chính sách “đại Trung Đông mới” và loại bỏ vai trò của Nga - Trung trong khu vực. Đây không phải là lần đầu tiên Mỹ và NATO thực hiện việc triển khai hệ thống tên lửa Patriot tại Qatar, Barhain, Kuwait, UAE và gần đây nhất là tại Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này cho thấy, Mỹ và đồng minh đã dần dần siết chặt thòng lọng chiến tranh với Syria. Hệ thống tên lửa này được cho là nhằm để áp đặt một "vùng cấm bay" ở phía Bắc Syria, mở đường để Mỹ hậu thuẫn phe nổi dậy củng cố quyền kiểm soát tại các khu vực đã chiếm được và tạo điều kiện cho việc thiết lập một Chính phủ thân phương Tây trên đất Syria. Trong một động thái nhằm hiện thực hóa mục tiêu can thiệp vào Syria, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết, Mỹ sẽ tăng gấp đôi viện trợ cho lực lượng đối lập Syria, lên 250 triệu USD và mở rộng hỗ trợ quân sự phi sát thương cho các tay súng nổi dậy. Hiện, Mỹ đã hỗ trợ phi sát thương cho phe đối lập Syria khoảng 117 triệu USD.
Việc Mỹ và NATO tăng cường thiết lập hệ thống tên lửa Patriot tại các quốc gia thuộc thế giới Ả Rập đã đe dọa trực tiếp đến quyền lợi của Nga và Trung Quốc, hai nước vốn có quan hệ chặt chẽ với chính quyền Tổng thống al-Assad và có nhiều lợi ích về quân sự, kinh tế tại Syria. Và thế đối đầu của tam giác quyền lực thế giới Nga - Mỹ - Trung một lần nữa lại được thiết lập tại khu vực có vị trí địa chiến lược quan trọng bậc nhất thế giới này. Để đáp lại động thái triển khai hệ thống tên lửa Patriot của Mỹ và đồng minh, Nga đã bàn giao hệ thống tên lửa Iskander tối tân và triển khai hệ thống phòng thủ đất đối không Pechora 2M cho Syria.
Việc Iskander, vốn được đánh giá là không một hệ thống phòng thủ tên lửa nào có thể phá hủy và Pechora 2M được giới quân sự Mỹ thừa nhận là "một mối đe dọa" đối với các tên lửa hành trình được Moscow chuyển giao cho Damascus cho thấy Nga sẽ không chịu ngồi yên nhìn Mỹ viết kịch bản Syria theo ý của riêng mình. Trong khi đó, Bắc Kinh cũng nhiều lần phát đi thông điệp không muốn nhìn thấy kịch bản Libya lặp lại tại Syria. Vì thế, chừng nào các bên chưa giải được bài toán phân chia lợi ích tại Syria, tình hình quốc gia Trung Đông này sẽ tiếp tục diễn biến theo hướng ngày càng phức tạp hơn.