Hiểu đúng về bệnh sốt xuất huyết

Trần Nga
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sốt xuất huyết (SXH) tại Hà Nội đang tiến dần vào thời điểm đỉnh dịch với những bất thường về số ca mắc và số các ca bị biến chứng nặng.

Tuy nhiên, nhiều người dân vẫn còn chưa hiểu rõ về nguyên nhân gây bệnh, các dấu hiệu cảnh báo và cách phòng bệnh đúng cách.
Sốt xuất huyết lây truyền qua muỗi vằn Aedes
Giám đốc Trung tâm Y tế dự phòng Hà Nội Nguyễn Nhật Cảm cho biết, SXH được gây ra do virus Dangue. Virus này có 4 chủng huyết thanh khác nhau là Den 1, Den 2, Den 3 và Den 4. Bệnh nhân nhiễm với chủng virus nào, thì chỉ có khả năng tạo nên miễn dịch suốt đời với chủng virus đó. Chính vì vậy, một người có thể mắc SXH tới 4 lần trong đời. SXH không lây qua đường hô hấp, dịch tiết hay tiếp xúc với người bệnh, mà chỉ lây qua muỗi Aedes (muỗi vằn) đốt người bệnh nhiễm virus, sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Như vậy, việc tiếp xúc trực tiếp giữa người khỏe mạnh và người bệnh SXH không làm lây bệnh.

Bệnh nhân sốt xuất huyết điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư. Ảnh: Hải Lý

Đặc điểm nhận dạng loại muỗi Aedes là màu đen, thân và chân có những đốm trắng, nên thường được gọi là muỗi vằn. Muỗi vằn gây SXH phân bố trên toàn quốc, tập trung tại các TP lớn, khu đô thị, đặc biệt ở khu vực miền Nam. Muỗi đốt người bị nhiễm virus mang mầm bệnh theo cơ chế hút máu. Virus phát triển trong con muỗi khoảng một tuần, rồi truyền lên tuyến nước bọt. Sau thời gian này, muỗi đốt có khả năng truyền bệnh cho người lành. Muỗi đã nhiễm virus có thể truyền bệnh suốt đời. Vì vậy, chỉ một con mang mầm bệnh có thể truyền cho nhiều người. Đặc biệt, muỗi vằn chỉ đốt người vào buổi sáng sớm và trước hoàng hôn. Tuy nhiên, người dân thường chỉ có thói quen dùng màn vào ban đêm. Điều đó làm tăng nguy cơ bị muỗi vằn đốt và mắc bệnh.
Các dấu hiệu nhận biết
Theo bác sĩ Nguyễn Trung Cấp – Trưởng khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới T.Ư, những người mắc SXH trong 3 ngày đầu thường có các biểu hiện sốt cao, đau đầu, đau mỏi người, nhức mắt. Tuy nhiên, đây không phải là thời gian nguy hiểm nhất và không xuất hiện các biến chứng, bệnh nhân vẫn có thể điều trị tại nhà. Từ ngày thứ 4 (tính từ khi bắt đầu sốt) trở đi là thời điểm nguy hiểm nhất của bệnh. Bệnh nhân sẽ không còn sốt cao như 3 ngày trước, do vậy nhiều người bệnh cho rằng, đã bớt nguy hiểm và sắp khỏi, song chính giai đoạn này lại có thể xảy ra những biến chứng nặng. Một số biến chứng có thể gặp như xuất huyết dưới da, chảy máu cam, chảy máu chân răng, nữ có thể rong kinh, rong huyết... Biến chứng nặng có thể là xuất huyết nội tạng như đi ngoài ra máu, đi tiểu ra máu hoặc xuất huyết não. Đây là những biến chứng có thể tử vong.
Bác sĩ Nguyễn Trung Cấp lưu ý, khi người bệnh có các biểu hiện của SXH cần lập tức nghỉ ngơi, đến cơ sở y tế gần nhất để khám và làm xét nghiệm. Nếu kết quả xét nghiệm cho thấy bệnh nhân dương tính với virus gây SXH thì trong 3 ngày đầu có thể nghỉ ngơi tại nhà, uống thuốc hạ sốt và uống nhiều nước oresol, nước hoa quả, chườm ấm để hạ sốt. Thuốc hạ sốt duy nhất được dùng là Paracetamon, không cần thiết uống kháng sinh. Bởi SXH là bệnh do virus gây ra, việc uống kháng sinh không có chỉ định càng khiến người bệnh mệt mỏi, không mang lại tác dụng điều trị.
Diệt lăng quăng, bọ gậy để phòng bệnh
TS Nguyễn Nhật Cảm khẳng định, do tác nhân truyền bệnh SXH là muỗi vằn, nên hoàn toàn có thể phòng bệnh bằng việc diệt trừ tận gốc loại muỗi này. Muỗi vằn gây bệnh được mệnh danh là “muỗi quý tộc”, thường đẻ ở những nơi nước sạch như chum vại, lọ hoa, bát nước trên bàn thờ, các dụng cụ phế thải chứa nước mưa… Loại muỗi này không sinh sản ở nơi ao tù, nước thải, nước cống như người dân vẫn nghĩ. Do vậy để phòng chống dịch SXH, Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần loại bỏ các dụng cụ chứa nước trong gia đình bằng cách đổ nước bình hoa, lật úp chum lọ không dùng đến, dọn sạch sẽ các dụng cụ có nguy cơ đọng nước ở vườn, thả cá vào bình chứa nước, bể cảnh, vệ sinh thường xuyên hoặc đậy kín khay nước thải điều hòa, tủ lạnh, bể nước ăn, giếng nước, chum, vại, thùng phuy, bể nước nhà vệ sinh, xô, chậu, máng gia súc/gia cầm, bát kê chạn, hốc cây, lon, hũ, chai, lọ phế thải, mảnh vỡ chum, vại, lốp xe, vỏ dừa trong và xung quanh nhà. “Việc này cần phải làm thường xuyên hàng ngày, hàng tuần, các gia đình phải có ý thức tự diệt bọ gậy quanh khu vực sống” – TS Cảm nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, người dân cần tự bảo vệ mình khỏi muỗi đối bằng cách mặc quần áo dài, mắc màn khi ngủ, đặc biệt là có ý thức hợp tác, phối hợp với cơ quan chức năng trong các đợt phun hóa chất diệt muỗi.
Lập khu điều trị dã chiến tiếp nhận bệnh nhân sốt xuất huyết
Theo thông tin từ Bệnh viện (BV) T.Ư Quân đội 108, để giảm tải bệnh nhân sốt xuất huyết (SXH) và đáp ứng nhu cầu điều trị của người bệnh, BV đã thành lập khu điều trị dã chiến chuyên tiếp nhận bệnh nhân mắc SXH. Theo đó, khu điều trị dã chiến được đặt tại khoa khám bệnh đa khoa C1.1 với 40 giường bệnh, có thể tiếp nhận điều trị cho khoảng 200 bệnh nhân ở Hà Nội đến điều trị ngoại trú. Bắt đầu hoạt động từ 12/8, cho đến nay các giường bệnh luôn chật kín bệnh nhân SXH đến truyền dịch. GS.TS Mai Hồng Bàng - Giám đốc Bệnh viện T.Ư Quân đội 108 cho biết, hơn một tháng qua, mỗi ngày BV có hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị SXH, thậm chí tiếp nhận tới gần 400 bệnh nhân. Hầu hết bệnh nhân được chỉ định điều trị ngoại trú, hoặc chuyển xuống tuyến dưới như BV Đa khoa Xanh Pôn, Đống Đa hay Thanh Nhàn...
Tương tự, tại BV Bệnh Nhiệt đới T.Ư, mặc dù cơ sở 2 của bệnh chưa được nghiệm thu phòng cháy chữa cháy nhưng trong đợt dịch SXH này đã được tận dụng làm BV dã chiến. Các bệnh nhân SXH đến khám tại BV ở cơ sở 1 nếu cần điều trị dài ngày và những bệnh nhân nhẹ đều được chuyển đến cơ sở 2. Giám đốc BV Nguyễn Văn Kính cho biết, hiện BV đã đề xuất với TP Hà Nội thành lập riêng 1 chuyến xe bus chuyên chở bệnh nhân từ cơ sở 1 sang cơ sở 2.
Trước tình hình dịch SXH diễn biến phức tạp, trong ngày 16/8, Hà Nội tiếp tục phun hóa chất diệt muỗi trưởng thành, bọ gậy tại 21 quận, huyện trong TP. Đến nay, 21 tỉnh, TP trên cả nước đã cho TP Hà Nội mượn máy phun công suất lớn để sử dụng trong đợt tổng phun hóa chất toàn TP. Bộ Y tế cũng đã cấp thêm cho Hà Nội 30 máy phun đeo vai và 300 lít hóa chất. (Hà Ngân)

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần