Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả từ đổi mới phương thức tuyên truyền

Nam Bắc
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Những năm gần đây, công tác tuyên truyền, phổ biến giáo dục pháp luật (PBGDPL) được huyện Gia Lâm tích cực triển khai với nhiều hình thức đa dạng, phong phú.

Qua đó đã tạo được sự chuyển biến rõ nét trong nhận thức và ý thức chấp hành pháp luật của người dân, góp phần làm giảm các hành vi vi phạm pháp luật, giữ vững ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương.
Yên Viên đã bình yên

Giáp ranh với thị trấn Yên Viên, xã Yên Viên có có 5 thôn và 5 tổ dân phố với hơn 3.000 hộ dân (15.000 nhân khẩu). Hơn 10 năm về trước, xã Yên Viên từng là điểm nóng về tệ nạn xã hội của huyện, đặc biệt là tệ nạn ma túy. Ông Nguyễn Đức Quyết – Phó Chủ tịch UBND xã Yên Viên cho biết, vào thời điểm đó, trên địa bàn xã trong một năm đã có hơn 30 người (chủ yếu là thanh niên) chết vì ma túy. Có gia đình bị ma túy cướp đi sinh mạng 3 người con.

Một buổi tuyên truyền, phổ biến pháp luật tại xã Lệ Chi, huyện Gia Lâm. Ảnh: Nam Bắc

Nhận thấy việc tuyên truyền, PBGDPL nhằm nâng cao kiến thức pháp luật cho người dân, chính quyền địa phương đã huy động các tổ chức, ban ngành vào cuộc. Cùng với việc tuyên truyền, vận động người dân tránh xa ma túy và các tệ nạn xã hội, bộ phận Tư pháp xã và huyện còn tổ chức nhiều hội nghị PBGDPL liên quan đến các lĩnh vực pháp luật: Hình sự, Đất đai, Hôn nhân gia đình, Khiếu nại tố cáo… Đến nay, xã đã không có người nghiện ma túy mới phát sinh, tệ nạn xã hội cơ bản được dẹp bỏ. Xã cũng đã thành lập được Câu lạc bộ B93 để quản lý tại cộng đồng những người sau cai nghiện và có 10 thành viên tham gia.

Theo ông Nguyễn Văn Huận – cán bộ tư pháp xã, từ đầu năm đến nay, UBND xã phối hợp với Phòng Tư pháp huyện tổ chức được 6 cuộc PBGDPL cho người dân, mỗi cuộc có hàng trăm người tham gia.

Xác định rõ đối tượng

Ngay từ đầu năm, Phòng Tư pháp huyện với vai trò là cơ quan thường trực của Hội đồng PBGDPL huyện Gia Lâm đã tham mưu cho UBND huyện ban hành Kế hoạch PBGDPL trên địa bàn. Sau đó, phối hợp với các phòng, ban và các xã, thị trấn triển khai kế hoạch thực hiện. Đến nay, Phòng Tư pháp đã triển khai tới các đơn vị, xã, thị trấn Kế hoạch thi hành Luật Tố tụng hành chính; Kế hoạch triển khai thi hành Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng dân sự...

Ông Nguyễn Minh Thiết – Phó Trưởng phòng Tư pháp huyện Gia Lâm cho biết, năm nay, Phòng Tư pháp đổi mới phương thức tuyên truyền, lấy đối tượng được tuyên truyền làm trung tâm, tuyên truyền, PBGDPL và tư vấn pháp luật bằng các ví dụ cụ thể từ thực tế tại các địa phương. Do vậy, chất lượng tuyên truyền có bước chuyển biến rõ rệt, tạo hứng khởi cho đối tượng được tuyên truyền, giúp họ có cái nhìn tổng quan về hệ thống pháp luật để từ đó tự tìm hiểu, nắm bắt các quy định mới một cách nhanh hơn, sâu hơn.

Từ đầu năm đến nay, Phòng Tư pháp huyện Gia Lâm đã tổ chức 17 hội nghị, đồng thời phối hợp với các xã tổ chức nhiều buổi tuyên truyền tại địa phương. Nội dung PBGDPL về pháp luật dân sự, quản lý quy hoạch, trật tự xây dựng, ATTP, bảo vệ môi trường, khiếu nại tố cáo, tiếp công dân… với tổng số hơn 3.000 người tham dự. Bên cạnh đó, Phòng còn phối hợp với Chi nhánh Trợ giúp pháp lý số 11 tổ chức 10 cuộc tuyên truyền pháp luật và trợ giúp pháp lý miễn phí cho các xã, thị trấn; phối hợp với Hội Luật gia TP Hà Nội tổ chức 3 buổi phổ biến pháp luật cho người dân.

Cũng theo ông Nguyễn Minh Thiết, trong thời gian tới sẽ tiếp tục đổi mới phương thức tuyên truyền, đồng thời nâng cao tính chủ động của các thành viên trong Hội đồng PBGDPL huyện để công tác tuyên truyền đạt hiệu quả hơn nữa.