Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hiệu quả từ xã hội hóa cách làm bình ổn giá

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 nhưng sức mua trên thị trường vẫn trầm lắng, dự kiến sau "ngày ông Công, ông Táo", sức mua sẽ tăng mạnh.

Để tránh tình trạng khan hàng, sốt giá, các DN bán lẻ, siêu thị cam kết không tăng giá bán các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu.
Sức mua chưa tăng
Kết quả buổi kiểm tra việc dự trữ hàng hóa phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 tại một số siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Hapro, Vinmart, Fivimart…do Sở Công Thương Hà Nội vừa tổ chức cho thấy: Những năm trước, từ cuối tháng 12 âm lịch người dân đã sắm Tết rất nhộn nhịp, nhưng năm nay không khí mua sắm trầm lắng hẳn. Vì vậy mặc dù lượng người mua sắm đã bắt đầu tăng thêm khoảng 20 - 30% so với ngày thường nhưng cũng chỉ bằng 70 - 80% cùng thời điểm này năm trước. Sức mua chỉ tăng từ 7 - 10% so với tháng trước.

Người dân mua hàng Tết tại siêu thị Vinmart. Ảnh: Hoài Nam

Khi nói về vấn đề sức tiêu thụ hàng hóa trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 chưa tăng như mong muốn, ông Nguyễn Bá Lộc - Giám đốc điều hành hệ thống siêu thị Vinmart miền Bắc phân tích: Tết năm nay lương, thưởng đều sụt giảm, điều này ảnh hưởng lớn tới sức tiêu thụ hàng hóa trong những ngày áp Tết. Tuy nhiên, có thể sau 23 tháng Chạp, sức mua bán hàng Tết sẽ chuyển động mạnh do người lao động đã được lĩnh tiền thưởng Tết.
Thực tế cho thấy, việc sức mua hàng Tết chưa tăng còn do xu hướng mua sắm của người tiêu dùng đã có sự thay đổi. Thay vì mua thực phẩm tích trữ ăn cả tuần như trước đây, người dân chỉ mua thực phẩm đủ ăn trong 2 - 3 ngày. Trong khi đó, ngày mùng 2 - 3 Tết một số chợ, siêu thị đã hoạt động trở lại.
Tích cực dự trữ hàng hóa
 Để phục vụ tốt nhu cầu mua sắm của Nhân dân, bên cạnh việc tăng cường dự trữ hàng hóa, DN bán lẻ, siêu thị cam kết không tăng giá hàng hóa, thực hiện bình ổn giá, qua đó ngăn chặn tình trạng khan hàng, sốt giá giả tạo.
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy: Năm 2016, UBND TP Hà Nội đã tạm ứng cho các DN tham gia chương trình Bình ổn giá vay 236,074 tỷ đồng không lãi suất. Song năm 2017 mặc dù chương trình  Bình ổn giá vẫn được triển khai nhưng theo cách làm mới trên cơ sở kêu gọi xã hội hóa nguồn vốn dự trữ hàng hóa.
Mặc dù UBND TP dừng việc hỗ trợ DN vốn dự trữ hàng hóa tiêu dùng thiết yếu qua đó bình ổn giá, ngăn chặn tăng giá bất hợp lý, nhưng các DN đã tích cực dự trữ các mặt hàng bình ổn giá bằng nguồn vốn tự có. Bà Nguyễn Thị Hải Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) cho biết: Mặc dù UBND TP không tạm ứng vốn cho các DN tham gia chương trình bình ổn giá nhưng Hapro đã dự trữ 10 nhóm hàng bình ổn gồm dầu ăn, gạo, đường, thực phẩm tươi sống, thực phẩm đã qua chế biến, trứng gia cầm… trị giá trên 500 tỷ đồng. Nhằm đưa lượng hàng bình ổn giá này đến tay người tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017, Hapro tổ chức 100 chuyến bán hàng lưu đồng, 22 phiên chợ Việt tại các huyện ngoại thành, qua đó đưa hàng bình ổn giá tới tay người tiêu dùng. Đồng thời, Hapro cam kết không tăng giá bán một số mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết Nguyên đán Đinh Dậu.
Trong khi đó, các siêu thị trên địa bàn Hà Nội như Vinmart, Big C... cũng khẳng định giữ giá bán hàng tiêu dùng. Hệ thống siêu thị Vinmart cam kết sẽ không tăng giá các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu như thực phẩm tươi sống, bánh kẹo, rượu, bia, nước giải khát… Hệ thống siêu thị Big C cam kết từ nay đến hết ngày 27/1 (30 Tết) không tăng giá bán sản phẩm phục vụ Tết, đặc biệt, giá không đổi này sẽ được giữ cố định như niêm yết ngay cả khi giá các sản phẩm này trên thị trường có biến động tăng. Nhưng nếu những sản phẩm này trên thị trường có biến động giảm, Big C cũng sẽ điều chỉnh giảm tương ứng.
Việc các DN phân phối lớn cam kết không tăng giá hàng hóa có tác dụng kiềm chế tình trạng tăng giá bất hợp lý của thị trường tự do những ngày áp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.
Ngày 19/1 tại xã Đồng Tân (huyện Ứng Hòa), Tổng Công ty Thương mại Hà Nội đã tổ chức điểm bán hàng theo mô hình “ Chợ Tết”  với chủ đề: “ Hapro mang xuân đến mọi nhà”. “Chợ Tết” huyện Ứng Hòa năm nay có quy mô 30 gian hàng, bày bán sản phẩm tiêu dùng thiết yêu như lương thực, thực phẩm chế biến, đồ uống, bánh kẹo, dệt may, thiết bị điện tử, đồ gia dụng…
Chương trình “Chợ Tết” diễn ra hết ngày 23/1. Tối cùng ngày tại xã Tiền Phong (huyện Mê Linh) Sở Công Thương Hà Nội tổ chức Hội chợ Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017 và trưng bày hoa cây cảnh huyện Mê Linh 2017. Hội chợ với quy mô 120 gian hàng thu hút 80 DN, cơ sở, hộ sản xuất, làng nghề tham gia trưng bày, giới thiệu bán các sản phẩm hàng hóa với các mặt hàng tiêu dùng thiết yếu trong dịp Tết Nguyên đán Đinh Dậu 2017.