Có thể thấy rằng, trong bối cảnh hiện nay và những kịch bản dự báo thời gian tới về diễn biến của dịch, của tình hình kinh tế - xã hội, rất cần những giải pháp để sẵn sàng "sống chung với dịch" thay vì chỉ “chạy theo dịch”. Như các chuyên gia đã chỉ rõ, việc thiết lập chiến lược lâu dài, kịch bản thích ứng an toàn từ đi lại an toàn, sản xuất an toàn, dịch vụ an toàn… với mục tiêu, chiến lược, phương pháp để dần có thể thích nghi trong điều kiện có dịch là việc cần tính đến để có thể dần trở lại cuộc sống trong điều kiện bình thường mới.
Trong một bài viết, TS Nguyễn Sĩ Dũng (nguyên đại biểu Quốc hội) đã nhận định, thực ra, phòng chống dịch Covid-19 là một công việc rất mới và rất khó. Chúng ta cần phải vừa làm, vừa rút kinh nghiệm, vừa điều chỉnh các giải pháp của mình cho kịp thời. Để làm được điều này, quan trọng là cần phải tổ chức thu thập dự liệu cho đầy đủ, khách quan. Đồng thời, cần tiếp cận nhanh chóng thông tin, dự liệu và tri thức của thế giới trong phòng chống dịch. Để sống chung với Covid-19, cần phải trang bị cho người dân sự hiểu biết chính xác, khách quan và khoa học về Covid và cách thức phòng chống nó. Khi và chỉ khi mỗi người dân đều có thể tự bảo vệ mình thì dịch bệnh mới có thể bị đẩy lùi. Ngoài ra, hiểu biết cũng làm gia tăng sức đề kháng. Tâm lý hoảng loạn và tuyệt vọng có thể là một trong những nguyên nhân làm cho tỷ lệ tử vong vì Covid-19 tăng cao.
Theo GS Nguyễn Anh Trí: Về một số nguyên tắc để “sống chung” an toàn lâu dài với dịch Covid-19 thì khi đã tiêm đủ 2 liều vaccine, xét nghiệm kháng thể đủ để phòng nhiễm SARS-CoV-2, xét nghiệm Covid-19 âm tính, cho trở lại sinh hoạt bình thường, đi hoặc đến một địa bàn nào đó không cần cách ly 14 ngày nữa; đồng thời, vẫn tiếp tục việc đeo khẩu trang và sát khuẩn, vẫn thực hiện giãn cách hợp lý ở những nơi quá đông người, như sân vận động, các hội trường lớn. Tuy nhiên, các hoạt động đông người, như khai giảng, hội họp, tổng kết, văn nghệ, tổ chức các sự kiện… nên ưu tiên tổ chức ngoài trời hơn ở trong nhà.Hiện sau thời gian giãn cách dài để phòng, chống đợt dịch thứ tư, nhiều địa phương đã tính đến những phương án để nới lỏng dần như giãn cách theo từng phần, từng vùng, từng khu vực, để người dân ở những vùng an toàn có thể được tạo điều kiện tái hoạt động sản xuất, kinh doanh... Hoặc tính đến phương án để mở cửa với những người đã được tiêm đủ 2 mũi vaccine làm việc trong nhà xưởng, nhà máy, cơ quan… Tuy nhiên, đề đạt đến điều đó, cũng phải thực hiện được những điều kiện kèm theo như chúng ta cần phải có đủ vaccine phòng ngừa, thuốc điều trị khi bị mắc... để giúp mỗi người dân trở thành chiến sĩ chống dịch.Bình thường mới trong điều kiện có dịch, quan trọng trước hết vẫn là tâm thế, thói quen sống, hành vi, ý thức phòng, chống dịch của người dân cần thay đổi theo hướng tốt để luôn nâng cao tinh thần cảnh giác, phòng ngừa, bảo vệ mình, gia đình và rộng hơn là cộng đồng xã hội. Tránh chủ quan sau khi cơ bản hoàn thành tiêm vaccine mũi 1, bởi sau khi tiêm vaccine, cần khoảng 14 ngày để tạo kháng thể.Trên hết, các chuyên gia, nhà khoa học nhấn mạnh, người dân vẫn phải tiếp tục thực hiện nghiêm thông điệp 5K; có những điều chỉnh tích cực để hình thành các mô hình chung sống an toàn (sinh hoạt an toàn, giáo dục an toàn, đi lại an toàn, sản xuất an toàn…); thực hiện giãn cách xã hội thực chất khi cần thiết để làm chậm chuỗi lây nhiễm… Để chung sống an toàn với Covid-19, người dân cần tuân thủ đeo khẩu trang khi ra khỏi nhà, tại các địa điểm và trên phương tiện giao thông công cộng; rửa tay thường xuyên bằng xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn; hạn chế tụ tập đông người tại nơi công cộng; giữ khoảng cách an toàn khi tiếp xúc, dần hình thành thói quen, nếp sống phù hợp trong tình hình mới để giữ an toàn cho bản thân và xã hội. Đây là cơ sở quan trọng để trong thời gian tới, TP Hà Nội cũng như một số tỉnh, TP tiếp tục nới lỏng một số hoạt động của TP, tiến tới nới lỏng giãn cách tại nhiều khu vực, sớm dần bắt đầu trở lại trạng thái bình thường mới, cùng mở ra giai đoạn phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.