Tuy nhiên, ngay cả khi sắp đến giờ bấm nút, với trách nhiệm của mình, các đại biểu vẫn yêu cầu làm rõ hơn một số nội dung của luật.
Thụ hưởng không chung chung
Để có cái nhìn đa chiều về dự thảo luật này, tại buổi tọa đàm trực tuyến với chủ đề “Doanh nghiệp được hưởng gì từ Luật Hỗ trợ DNNVV” do Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức ngày 6/6, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông nhấn mạnh: “Tư tưởng của Luật Hỗ trợ DNNVV là hỗ trợ người đi hỗ trợ, cho nên nếu có những quan điểm vẫn hình dung đến những khoản tiền mặt hỗ trợ riêng cho từng cá nhân, từng DNNVV thì chắc chắn không bao giờ có chuyện đó”. Do đó luật lần này đã xác định cụ thể nhóm đối tượng hỗ trợ. Thứ nhất là hỗ trợ những dịch vụ cơ bản mà DN nào cũng cần nhằm hướng tới số đông DN. Thứ hai, các chương trình hỗ trợ để đảm bảo trọng tâm, trọng điểm phù hợp từng thời kỳ. Thứ ba, hỗ trợ phát triển cụm liên kết ngành, tạo chuỗi giá trị bền vững cho các sản phẩm.
Sản xuất sợi xuất khẩu tại Công ty CP Đồng Phát, khu công nghiệp Thạch Thất, huyện Quốc Oai. Ảnh: Danh Lam |
Khẳng định đây là đạo luật quan trọng cho phát triển kinh tế, chuyên gia kinh tế Nguyễn Văn Phúc – nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho rằng, sự cần thiết ban hành Luật Hỗ trợ DNNVV đã được Chính phủ nêu trong tờ trình Quốc hội và được cộng đồng DNNVV ủng hộ và mong đợi. “Tuy nhiên, cá nhân tôi theo dõi từ Quốc hội Khóa XIII nhận thấy đây là đạo luật khó vì khi ban hành hướng tới hỗ trợ DNNVV, trong khi đó trong hệ thống các luật kinh tế chúng ta có khá nhiều như Luật Đầu tư, Luật DN, lĩnh vực khoa học công nghệ đều liên quan DNNVV. Do đó, Luật này ban hành thế nào để vừa có hỗ trợ đặc thù cho DNNVV, vừa phù hợp hệ thống pháp luật” - ông Phúc băn khoăn.
Có lẽ từ những lý do trên mà khi bàn hỗ trợ DNNVV thì ai cũng nhất trí về sự cần thiết của luật nhưng khi xem xét từng quy định có liên quan thì dường như đã nảy sinh không muốn Luật Hỗ trợ DNNVV này làm thay đổi những quy định hiện hành.
Cần tiếng nói chung
“Các cơ quan Chính phủ, Quốc hội cũng cố gắng thể hiện ở mức cao nhất để luật này được ban hành, mang tính khả thi cao khi triển khai vào thực tế hoạt động của cộng đồng DN. Tuy nhiên, nhiều đại biểu Quốc hội chưa hài lòng chính ở chỗ chưa thực sự có tiếng nói thống nhất trong đột phá hỗ trợ DNNVV. Cái khó là muốn đột phá nhưng lại không muốn thay đổi” – ông Phúc nêu ý kiến.
Tiếp tục đưa ra quan điểm của mình về việc trong luật đã được nghiên cứu, cụ thể, Thứ trưởng Bộ KH&ĐT Đặng Huy Đông dẫn chứng về những quy định giúp DN tiếp cận nguồn vốn, trong đó dự thảo luật yêu cầu DNNVV cũng phải nỗ lực vươn lên. Hồ sơ vay vốn phải đạt chuẩn với ngân hàng, các tổ chức tín dụng DN mới có thêm nguồn lực tài chính phát triển sản xuất, kinh doanh. Ở đây, Luật sẽ tư vấn, hướng dẫn DNNVV hoàn chỉnh hồ sơ, tạo điều kiện để 2 phía đi lại gần nhau, chứ không áp đặt ngân hàng phải cho vay với mức lãi suất nhất định. Theo ông Đặng Huy Đông, luật không quy định nhưng ổn định kinh tế vĩ mô là quan trọng nhất cho DN, vấn đề hạ lãi suất cho vay là để hỗ trợ DNNVV, còn Chính phủ hỗ trợ tổ chức tín dụng để tăng dư nợ cho vay với khu vực DN này.
Chính vì thế, ông Đặng Huy Đông một lần nữa cho rằng, phải cân nhắc đâu là luật khung để ổn định lâu dài, không phải đưa ra một luật mà nguồn lực không đạt được. Luật càng chi tiết bao nhiêu, càng khả thi bấy nhiêu và khi đạt đồng thuận cao trong Quốc hội sẽ trở thành món quà quý cho DN.
Đối với DN Việt Nam, trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn về mặt bằng, tiếp cận tín dụng, khoa học công nghệ, nguồn nhân lực, thị trường… Do đó, cộng đồng DN mong muốn có một bộ luật có thể giải quyết tất cả những khó khăn của DN. Khi Luật Hỗ trợ DNNVV được ban hành, kỳ vọng việc tổ chức triển khai cần phải rất nhanh, đặc biệt ở các địa phương trong cả nước để thu hút được nguồn lực trong xã hội, ngoài nguồn lực từ ngân sách. Tổng Thư ký Hiệp hội DNNVV Việt Nam Tô Hoài Nam |