Đó là ý kiến của các đại biểu tại Diễn đàn Xúc tiến XK Việt Nam 2015 do Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) tổ chức ngày 16/4 trong khuôn khổ Hội chợ thương mại quốc tế Việt Nam lần thứ 25 (Vietnam Expo 2015).
Nhiều khó khăn, thách thức
Theo đánh giá của Bộ Công Thương, tuy tổng kim ngạch XK quý I của cả nước đạt 35,67 tỷ USD, tăng 6,9% so với cùng kỳ năm 2014, thế nhưng đây là mức tăng trưởng thấp nhất so với cùng kỳ của 2 năm gần đây (quý I/2014, XK tăng 14,1%; quý I/2013, XK tăng 17,6% so với cùng kỳ). Điều đó cho thấy hoạt động XK đang đối mặt không ít khó khăn, ảnh hưởng đến sự tăng trưởng bền vững.
Tại Diễn đàn Xúc tiến XK Việt Nam 2015, ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết: Hiện, hàng XK của Việt Nam, nhất là nhóm hàng công nghiệp chế biến mặc dù đã tăng dần tỷ lệ nội địa hóa nhưng chủ yếu vẫn là gia công nên giá trị gia tăng của sản phẩm chỉ chiếm 10 - 15%: “Chẳng hạn, một đôi giày Adidas do Việt Nam sản xuất được bày bán tại thị trường nước ngoài là 100 USD nhưng giá trị gia tăng mà DN Việt Nam thu được chỉ 10 - 15 USD. Nguyên nhân là do DN Việt Nam hoàn toàn dựa vào nguyên liệu nhập khẩu, giá trị gia tăng của sản phẩm chỉ dựa vào việc tiền lương trả cho người lao động thấp hơn các nước khác”.
Thực tế hoạt động sản xuất hàng phục vụ XK thời gian qua cho thấy, do số lượng nguyên liệu nội địa không đáp ứng được nhu cầu sản xuất, vì vậy DN sản xuất hàng XK luôn phải nhập nguyên liệu nên chi phí sản xuất tăng 10 - 15%, đây là một trong những thách thức lớn đối với chiến lược phát triển XK của Việt Nam. Đó là chưa kể DN khi XK hàng hóa sản xuất từ nguyên liệu ngoại nhập phải chứng minh xuất xứ nguyên liệu để được hưởng những ưu đãi về thuế quan. Ngoài ra, các DN XK cũng phải đối mặt với chi phí trong nước đang tăng mạnh như chi phí về giao thông, vận chuyển, cảng biển…
Đại diện Bộ Công Thương cũng thừa nhận, một số mặt hàng nông sản của Việt Nam chủ yếu XK thô hoặc sơ chế nên giá trị XK thấp. Mối liên kết giữa người sản xuất nguyên liệu, DN chế biến và DN XK chưa được tạo lập vững chắc. Bên cạnh đó, cơ cấu thị trường XK hiện chủ yếu phụ thuộc vào một số thị trường như Mỹ, EU, Nhật Bản, ASEAN… dẫn đến hoạt động XK bấp bênh nếu DN gặp phải hàng rào kỹ thuật trong quá trình XK.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp
Để đẩy mạnh XK, nâng cao giá trị gia tăng, bên cạnh sự “vào cuộc” của các DN còn đòi hỏi Nhà nước và cơ quan quản lý tạo điều kiện cho DN.
T.S Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư nêu ý kiến: Mặc dù chính sách kinh tế của Việt Nam là hướng đến XK, nhưng việc đầu tư của Nhà nước vào hoạt động xúc tiến thương mại chưa được chú trọng, dẫn đến việc DN gặp khó khăn trong quá trình tìm kiếm thị trường. Theo ông Thành, trong quá trình tái cơ cấu nền kinh tế đòi hỏi các cơ quan quản lý phải đẩy mạnh cải cách hành chính, tạo điều kiện để nâng cao năng lực cạnh tranh của DN và sức cạnh tranh của sản phẩm, hàng hóa. “Quan trọng hơn cả là Bộ Công Thương nên đẩy mạnh thông tin tới DN những lợi ích đem lại từ các hiệp định thương mại tự do, từ đó giúp DN tìm kiếm thị trường XK mới” – ông Thành nhận định.
Bà Nguyễn Thị Hải Thanh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội và đại diện nhiều DN đề nghị Bộ Công Thương, các thương vụ, tham tán thương mại Việt Nam ở nước ngoài, các cơ quan xúc tiến thương mại... cần thường xuyên cập nhật thông tin thị trường có nhu cầu nhập khẩu hàng Việt Nam, những rào cản kỹ thuật của từng thị trường; Cung cấp thông tin sâu, cập nhật hàng năm về thị hiếu tiêu dùng ở các thị trường để DN có cơ sở phân tích, định hướng sản xuất hàng XK. Ngoài ra, Nhà nước nên hỗ trợ DN trong việc phát triển công nghiệp hỗ trợ, tiếp cận những nguồn vốn vay với lãi suất hợp lý để DN mở rộng đầu tư sản xuất hàng XK.
Hapro giới thiệu sản phẩm gốm Chu Đậu phục vụ xuất khẩu tại Hội chợ Vietnam Expo 2015.
|