Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hỗ trợ hoạt động hòa giải: Vướng bố trí kinh phí

Phương Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Luật Hòa giải ở cơ sở chưa quy định nguồn kinh phí để chi cho công tác hòa giải, vì vậy việc triển khai, bố trí kinh phí cho công tác này tại nhiều địa phương còn gặp khó khăn.

Theo Bộ Tư pháp, 3 năm triển khai thi hành Luật, mới chỉ có một số tỉnh, TP thực hiện chi thù lao cho hòa giải viên, có kinh phí chi cho hoạt động thường xuyên của tổ hòa giải. Nhiều địa phương chưa tự cân đối được ngân sách cho hoạt động hòa giải ở cơ sở nên mới chỉ bảo đảm được một phần mức chi theo quy định. Thậm chí, một số tỉnh chưa thực hiện chi hỗ trợ cho tổ hòa giải cũng như chi thù lao hòa giải như: Hà Giang, Lào Cai, Quảng Bình, Phú Thọ, Nam Định, Hà Nam, Ninh Bình.

Đại diện Sở Tư pháp thông tin về việc hỗ trợ kinh phí cho đội ngũ cán bộ tư pháp – hộ tịch, hòa giải viên cơ sở trên địa bàn huyện Thạch Thất hôm 13/4.  Ảnh: Hải Yến

Tại Hà Nội, UBND TP đã ban hành Quyết định số 92/2014/QĐ-UBND về việc áp dụng mức chi cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật, chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân và công tác hòa giải ở cơ sở trên địa bàn TP. Trong đó, quy định mức chi hỗ trợ cho công tác hòa giải ở cơ sở áp dụng mức chi tối đa theo quy định pháp luật hiện hành. Trong 3 năm qua, mặc dù đã cấp khoảng 26,6 tỷ đồng chi cho công tác hòa giải ở cơ sở, Hà Nội vẫn gặp khó khăn trong việc bố trí nguồn kinh phí.
Theo bà Hồ Xuân Hương - Phó Giám đốc Sở Tư pháp Hà Nội, Luật Hòa giải ở cơ sở chưa quy định nguồn kinh phí để chi cho công tác hòa giải. Thực tế chỉ những đơn vị xã, phường, thị trấn có nhiều nguồn thu trên địa bàn mới có điều kiện quan tâm đến chi kinh phí hoạt động hòa giải ở cơ sở. Luật mới chỉ quy định về việc thanh toán kinh phí hòa giải cho từng vụ việc, nhưng chưa hướng dẫn đó là vụ việc hòa giải thành hay hòa giải không thành. Trong khi nhiều vụ việc hòa giải không thành tuy nhiên lại tốn nhiều thời gian, công sức của các hòa giải viên nhưng không được thanh toán. 
Về vấn đề này, Hà Nội đã kiến nghị với Bộ Tư pháp phối hợp với Bộ Tài chính xem xét, ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể nguồn chi, hồ sơ và thủ tục thanh quyết toán việc chi thù lao cho hòa giải viên. Đồng thời, hướng dẫn cụ thể các vụ việc hòa giải được chi thù lao.
“Có những vụ việc tranh chấp đối với các tài sản có giá trị lớn về đất đai, phân chia di sản thừa kế, phân chia tài sản vợ chồng, trong khi đó mức cấp phát kinh phí hoạt động cho hòa giải từ ngân sách hiện nay còn hạn chế. Ngoài ra, cần quy định một mức thu phí hòa giải thành đối với các trường hợp này để hỗ trợ hoạt động hòa giải. Đồng thời cần xã hội hóa các nguồn lực đầu tư về kinh phí và vật chất cho hoạt động hòa giải ở cơ sở” - ông Nguyễn Văn Lâm - Trưởng phòng Tư pháp huyện Thường Tín đề xuất.
Hiện nay, Sở Tư pháp đang phối hợp với UBND các quận, huyện tổ chức tập huấn kỹ năng, kiến thức pháp luật về hòa giải cơ sở cho đội ngũ cán bộ tư pháp - hộ tịch, hòa giải viên cơ sở. Trong đó, lưu ý cán bộ tư pháp - hộ tịch cấp xã cần đề xuất tham mưu cho UBND cấp xã lập dự toán kinh phí chi cho công tác hòa giải cơ sở.
Đối với những địa phương khó khăn, nguồn thu ngân sách thấp thì kinh phí dành cho hòa giải còn khó khăn. Tới đây, Hà Nội sẽ đề xuất với T.Ư để có hướng dẫn cụ thể. Đồng thời, xem xét hỗ trợ những địa phương khó khăn để đảm bảo kinh phí hoạt động cho công tác hòa giải ở cơ sở.
Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Lê Hồng Sơn