Một buổi tuyên truyền về phòng, chống ma túy cho học sinh trường THCS Lý Thường Kiệt (phường Văn Miếu, quận Đống Đa). |
Những kết quả tích cực
Trưởng phòng LĐTB&XH quận Đống Đa Nguyễn Đình Tiên cho biết, thời gian qua, công tác vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện và quản lý, giúp đỡ người sau cai trên địa bàn quận đã đạt nhiều kết quả đáng ghi nhận. Đó là nhờ hoạt động tích cực, hiệu quả của Ban Chỉ đạo 138, Câu lạc bộ B93 (Mô hình “Quản lý, giáo dục, tư vấn, giúp đỡ người cai nghiện ma túy tái hòa nhập cộng đồng và phòng, chống tái nghiện”) và Đội công tác xã hội tình nguyện.
Trong 6 tháng đầu năm 2020, do ảnh hưởng của dịch Covid – 19, hoạt động tuyên truyền gặp nhiều khó khăn. Tuy nhiên, với sự nhiệt tình, trách nhiệm của Ban Chỉ đạo 138 quận, 2 Câu lạc bộ B93 cùng 21 Đội công tác xã hội tình nguyện, toàn quận Đống Đa đã có 190 người được tư vấn tâm lý, động viên tinh thần và 87 người được tư vấn hướng nghiệp. Ban Chỉ đạo 138 quận Đống Đa phối hợp với UBND phường Trung Liệt, Đội công tác xã hội tình nguyện phường tổ chức tuyên truyền về các biện pháp phòng chống ma túy. |
Theo đó, Ban chỉ đạo 138 quận Đống Đa do UBND quận thành lập có kế hoạch hoạt động chi tiết. Hàng năm chỉ đạo các phường chủ động xây dựng kế hoạch trong lĩnh vực phòng chống tệ nạn nói chung và công tác vận động người nghiện ma túy đi cai nghiện, quản lý, giúp đỡ người sau cai nghiện nói riêng. Ban chỉ đạo thường xuyên giám sát, theo dõi và đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ của các phường.
Ngoài ra, việc thành lập các Câu lạc bộ B93 tại 2 phường (Trung Phụng và Thổ Quan) và sinh hoạt định kỳ mỗi tháng 2 lần đã góp phần thu hút các học viên tham gia. Điều này mang lại hiệu quả lớn trong việc thúc đẩy, tạo động lực và không khí vui tươi giúp người sau cai trở về dần tự tin vào cuộc sống, tái hòa nhập cộng đồng. Song song với đó, đội công tác xã hội tình nguyện tại 21 phường với 189 tình nguyện viên luôn thể hiện sự mẫn cán với công việc, nhiệm vụ được giao. Họ thường xuyên tiếp cận, tuyên truyền, động viên người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện và tư vấn, giúp đỡ người sau cai trở về.
Bên cạnh đó, công tác hướng nghiệp, giáo dục dạy nghề và tổ chức đánh giá sau cai được quận Đống Đa thực hiện thường xuyên, có hiệu quả. Đối với mỗi học viên trở về từ trung tâm cai nghiện đều được đưa vào danh sách quản lý tại UBND phường, được phân công người giúp đỡ và đánh giá tình tình tái nghiện hàng năm.
Đổi mới cơ chế, chính sách quản lý sau cai
Chia sẻ về những khó khăn trong công tác quản lý sau cai nghiện ma túy trên địa bàn Đống Đa, Trưởng phòng LĐTB&XH quận Nguyễn Đình Tiên cho biết, đa phần người nghiện ma túy sau cai trở về ban đầu còn mặc cảm, dễ bị tự ti, sống khép mình, ít giao tiếp với người khác. Trong khi đó, một số gia đình có con, em là người nghiện ma túy chưa chủ động phối hợp với chính quyền trong công tác cai nghiện. Bên cạnh đó, hiện nay, Câu lạc bộ B93 và thành viên các Đội công tác xã hội tình nguyện có thành viên đã cao tuổi, hạn chế trong việc thực hiện các phương pháp theo dõi di biến động cũng như kết quả phòng chống tệ nạn xã hội tại địa phương…
Từ đó, ông Nguyễn Đình Tiên cho rằng, để công tác cai nghiện và quản lý sau cai đạt kết quả cao, đòi hỏi sự tham gia tích cực của cả hệ thống chính trị, bản thân, gia đình, dòng họ, toàn xã hội. Đồng thời cần có sự đổi mới về cả cơ chế, chính sách cũng như sự cố gắng, nỗ lực của bản thân người nghiện. Với quận Đống Đa là quận trung tâm, TP cần có cơ chế đặc thù trong công tác quản lý và tạo việc làm cho người sau cai tái hòa nhập cộng đồng.