Theo chương trình nghị sự, Chủ tịch EC José Manuel Barroso sẽ có các cuộc thảo luận với Tổng thống Nga Vladimir Putin, Thủ tướng Dmitry Medvedev để thúc đẩy hợp tác trong các lĩnh vực như năng lượng, giao thông vận tải, miễn thị thực... Dù quan hệ giữa Nga và Liên minh châu Âu (EU) đã trải qua không ít biến cố nhưng bối cảnh kinh tế toàn cầu đầy khó khăn hiện nay đã buộc hai bên phải bỏ qua những bất đồng, hâm nóng quan hệ nhằm mong đạt được mục tiêu chung.
Tổng thống Nga Vladimir Putin và Chủ tịch EC José Manuel Barroso tại St.Petersburg tháng 6/2012.
Đặc biệt, đại diện của EC cho biết, dự án khí đốt Dòng chảy phương Nam sẽ được đưa ra thảo luận trong cuộc gặp với các quan chức Nga lần này. Trước đó, hôm 7/12, khi cả châu Âu đang run rẩy trong những ngày đầu đông khắc nghiệt, Tổng thống Putin đã phát lệnh khởi công xây dựng phần đường ống đi dưới Biển Đen - một nhánh quan trọng trong tuyến dẫn khí đốt “Dòng chảy phương Nam”. Tuy nhiên, EC cho rằng, Nga vẫn chưa đáp ứng được kỳ vọng của châu Âu trong việc đảm bảo đủ nguồn cung năng lượng, một trong những thỏa thuận để đổi lấy việc triển khai dự án "Dòng chảy phương Nam". Ngoài ra, việc Moscow đang xem xét ban hành lệnh cấm nhập khẩu các sản phẩm thịt, sữa từ các công ty của Tây Ban Nha cũng gây ra không ít lo ngại cho các nhà lãnh đạo EC. Những tuyên bố và nội dung gai góc của các vấn đề dự kiến thảo luận tại cuộc gặp lần này cho thấy, chưa chắc Nga - EC đã đạt được những tiến bộ bước ngoặt nhằm xích lại gần nhau hơn trong tương lai. Nguyên nhân chủ yếu là do về hình thức Nga - EU là quan hệ song phương, song thực chất là quan hệ đa phương giữa Nga với 27 nước thành viên EU nên sự va chạm lợi ích là không thể tránh khỏi.
Được tổ chức lần đầu tiên tại Brussels, Bỉ năm 1997, cuộc gặp giữa EC - Nga đã trở thành cơ hội để hai bên thảo luận một cách cởi mở về những vấn đề còn tồn tại, từ đó từng bước góp phần hóa giải bất đồng và mâu thuẫn của Nga và EU. Theo các nhà phân tích, dù có gay gắt đến đâu, thì cả EU và Nga vẫn cần đến nhau. Nga phải “tranh thủ” EU để trở thành nhà cung cấp năng lượng hàng đầu thế giới, thâm nhập nhiều hơn vào thị trường hàng hóa rộng lớn của châu Âu. Ngược lại EU cũng phải nhún nhường trước Nga nhằm giữ chân một trong những đối tác thương mại lớn nhất hiện nay, cũng như đảm bảo nguồn cung năng lượng, vốn đã bị cắt giảm đáng kể sau khi thực thi lệnh cấm vận với Iran.