Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hòa giải "cơn khát" năng lượng

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Kể từ khi cơn khát năng lượng trở thành nỗi ám ảnh các quốc gia châu Âu trong mùa đông khắc nghiệt, nhu cầu dầu mỏ của các nước đang phát triển gia tăng,... tham vọng làm chủ nguồn tài nguyên này đã tác động mạnh đến cục diện toàn cầu.

  Từ cuối tháng 2 đến nay, mục đích các chuyến công du, thăm viếng lẫn nhau của lãnh đạo các nền kinh tế hàng đầu thế giới được giới quan sát cho là nhằm hướng tới việc "mặc cả" về năng lượng. Trong chuyến công du nước ngoài đầu tiên, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã chọn đích đến là các quốc gia giàu có trữ lượng dầu mỏ dồi dào tại Trung Đông với mục tiêu chủ động tiếp cận, duy trì nguồn cung năng lượng. Đặc biệt, động cơ thật sự phía sau cam kết hỗ trợ lực lượng đối lập trong "Hội nghị những người bạn của Syria" ở Italia hôm 28/2 cũng được cho là nhằm thực hiện tham vọng kiểm soát và chi phối nguồn lợi dầu mỏ tại đây. Đáng chú ý nhất trên chính trường thế giới những ngày cuối tháng 2 là chuyến thăm của Tổng thống Pakistan Asif Ali Zardari tới Iran nhằm nâng một bước cao hơn nữa quan hệ "vì ta cần nhau" giữa hai nước sau thỏa thuận về xây dựng đường ống khí đốt trị giá 7,5 tỷ USD.

Hòa giải "cơn khát" năng lượng - Ảnh 1

Nguồn lợi dầu mỏ đã trở thành nhân tố tác động mạnh đến cục diện chính trị, ngoại giao, kinh tế toàn cầu

Trước đó, hôm 21/2, trong cuộc gặp với Tổng thống Mỹ Barack Obama tại Washington, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã đề nghị quan chức nước chủ nhà phê duyệt việc xuất khẩu khí đốt từ Mỹ sang Nhật nhằm giảm chi phí nhiệt điện vốn đang tăng mạnh từ sau khủng hoảng hạt nhân ở nhà máy Fukushima Daiichi năm 2011. Trong chuyến thăm của Thủ tướng Nga Dmitry Medvedev hôm 20/2 tới Brazil, hai bên cũng đã hội đàm về khả năng tăng cường hợp tác năng lượng như xây dựng các nhà máy thủy điện hay nhà máy điện nguyên tử tại quốc gia Nam Mỹ này.

Trong một diễn biến mới nhất, chuyến thăm của Tổng thống Ukraine Viktor Yanukovych tới Nga hôm 4/3 cũng được cho là nhằm thảo luận về vấn đề hợp tác năng lượng. Hiện, Ukraine đang muốn xem xét lại thỏa thuận khí đốt ký với Nga năm 2009 vì cho rằng nó đang gây tổn hại cho nền kinh tế nước này từ 6 tỷ USD mỗi năm. Dù chưa biết Nga và Ukraine có đạt được thỏa thuận cuối cùng về giá bán khí đốt hay không thì sự hiện diện lần này của ông Yanukovych tại Moscow cũng nối dài danh sách các chuyến công du vì năng lượng của các nhà lãnh đạo thế giới. Những diễn biến này một lần nữa cho thấy, nếu con người không tìm ra hướng khai thác các nguồn năng lượng mới, sự phụ thuộc vào "vàng đen" sẽ tiếp tục khiến cục diện thế giới trở nên phức tạp hơn.