Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hóa giải thách thức đô thị hóa: Thay đổi tư duy về không gian sống

Mai Vân
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quá trình đô thị hóa kéo theo sự chuyển dịch lượng lớn cư dân từ các vùng nông thôn vào sinh sống trong đô thị. Trong khi quỹ đất ngày càng hạn hẹp, việc định cư theo chiều đứng - hay nói cách khác là người dân tập trung sinh sống tại các tòa nhà chung cư cao tầng ngày càng phổ biến.

Chung cư Times City. Ảnh: Hải Linh
Xu thế tất yếu

Anh Nguyễn Văn Hải, trú tại chung cư CT, Khu đô thị Linh Đàm chia sẻ, 5 năm trước, anh cùng gia đình sống chuyển từ Tả Thanh Oai (Thanh Trì) về sống tại chung cư. “Việc thay đổi nơi ở trước hết là vấn đề an ninh được đảm bảo, nghỉ lễ hay Tết gia đình đóng cửa đi về quê mà không lo bị trộm cạy cửa. Bên cạnh đó, người dân ở các chung cư đa phần có ý thức về vấn đề vệ sinh, môi trường” - anh Hải nói.
Hiện nay, mật độ dân số tại các quận nội thành Hà Nội khoảng trên 2.000 người/km2, nếu so sánh với Dhaka (Bangladesh) 45.000 người/km2, con số này vẫn thấp hơn rất nhiều. Thực tiễn đòi hỏi thay đổi tư duy và cách tiếp cận để có thể quản lý quá trình phát triển một cách khoa học, nhìn nhận đô thị như một tổng thể gắn kết, sống động với vô vàn tiềm năng cần được khơi thông để trở thành động lực chính thúc đẩy kinh tế - xã hội.

PGS. TS Nguyễn Hồng Thục - Viện trưởng Viện nghiên cứu định cư

Bà Phan Thị Vân (72 tuổi), trú tại CT2 chung cư Trung Văn Viettel Lê Văn Lương (Nam Từ Liêm) cho biết, trước đây, gia đình bà sống tại căn nhà 5 tầng tại phố Đỗ Quang (quận Cầu Giấy) nhưng sau đó đã chuyển lên sống tại chung cư. “Vợ chồng tôi đều đã cao tuổi, việc đi lên đi xuống bằng cầu thang bộ ở nhà cao tầng rất khó khăn. Chúng tôi chuyển lên chung cư ở vì mọi sinh hoạt đều ở trên một mặt bằng phù hợp với những người tuổi cao, đi lên đi xuống bằng thang máy cũng thuận lợi hơn" - bà Vân cho hay.

Xu hướng chuyển dịch định cư lên các tòa nhà cao tầng không chỉ bởi những tiện ích từ mô hình này mang lại mà còn do quá trình đô thị hóa. Hiện nay, quỹ đất tại đô thị ngày càng hạn hẹp trong khi dân số tăng theo từng năm, việc mở rộng không gian chiều cao để tạo thành nơi định cư của người dân được lựa chọn như một giải pháp thích ứng phù hợp.

Theo TS. KTS Hoàng Hữu Phê - chuyên gia quy hoạch, quản lý đô thị, nhiều ý kiến cho rằng, với việc tập trung nhiều dân số và các công trình xây dựng cao tầng đang có nguy cơ phá vỡ không gian quy hoạch của Thủ đô. Nhưng thực tế, ở các quốc gia phát triển tại châu Âu, Bắc Mỹ có thiên hướng coi mật độ dân số đô thị là một thuộc tính có ích, tạo sự phát triển bền vững. “Nghe có vẻ nghịch lý nhưng ở những nơi đạt được mật độ dân số cao thì phải nhờ vào quy hoạch sử dụng đất hỗn hợp, nâng cao hiệu quả sử dụng đất, sử dụng được tối đa năng lực của giao thông. Từ đó giảm thiểu tiêu thụ năng lượng và các tài nguyên khác” - ông Hoàng Hữu Phê phân tích.

Tăng vai trò quản lý

Việc phát triển nhà ở cao tầng là xu thế tất yêu của quá trình đô thị phát triển nhưng cũng có mặt trái. Đặc biệt thời gian gần đây có chiều hướng gia tăng hành vi ứng xử không chuẩn mực tại các tòa nhà chung cư. Nổi cộm là vụ cưỡng hôn trong thang máy tại chung cư Golden Palm (phường Nhân Chính, Thanh Xuân, Hà Nội) hay vụ sàm sỡ bé gái trong thang máy chung cư Galaxy 9 (phường 1, quận 4, TP Hồ Chí Minh) vẫn đang nóng dư luận.

Theo đánh giá của các chuyên gia, tại các quốc gia phát triển ở châu Âu, Bắc Mỹ hay những quốc gia trong khu vực châu Á, như Hàn Quốc, Singapore... người dân đã tập trung sinh sống tại các tòa nhà cao tầng từ hàng trăm năm nay nên đã hình thành văn hóa ứng xử. Ở Việt Nam, mô hình này mới bắt đầu xuất hiện được gần 20 năm, phát triển mạnh nhất trong khoảng 10 năm trở lại đây, do đó vẫn chưa hình thành được văn hóa nơi chung cư cao tầng.

Xây dựng phát triển nhà chung cư cao tầng ồ ạt cũng gây ra hệ lụy đáng lo ngại về vấn đề hạ tầng không đáp ứng được nhu cầu đời sống sinh hoạt, học tập, vui chơi giải trí của người dân vì thiếu trường học, khu vui chơi công cộng... Nguyên nhân do quy hoạch chưa chuẩn, giám sát quy hoạch chưa chặt chẽ, xử lý vi phạm xây dựng chưa nghiêm, hiện tượng "xin - cho" nâng tầng, phá vỡ quy hoạch còn khá phổ biến.

Các chuyên gia kỳ vọng, với tầm nhìn xa, trong Đồ án quy hoạch chung Xây dựng Thủ đô Hà Nội đến năm 2030 tầm nhìn đến năm 2050, sẽ xây dựng 5 đô thị vệ tinh của Thủ đô. Đây được xem là chiến lược dài hạn cho xu hướng chuyển dịch định cư theo chiều đứng. Bài toán đặt ra là khi số lượng cư dân chuyển dịch từ các vùng nông thôn vào đô thị, sinh sống dựa vào các hoạt động sản xuất nông nghiệp chuyển sang mô hình dịch vụ tăng lên, cần được quy hoạch lại để phù hợp với môi trường mới. Những sự thay đổi này cần phải có sự hỗ trợ, chỉ dẫn của cấp chính quyền và cơ quan quản lý.

KTS Bùi Huy Dũng - Hội KTS Việt Nam cho biết, việc chuyển dịch của bộ phận lớn cư dân các vùng nông thôn vào đô thị sẽ kéo theo những thiết kế kiến trúc của khu vực đó cũng như lối sống... sẽ thay đổi. “Việc thay đổi tư duy về không gian sống có liên quan chặt chẽ đến công tác quy hoạch, quản lý xây dựng. Vì vậy, các cơ quan quản lý giữ vai trò quan trọng trong việc kiểm tra, giám sát, xây dựng các chế tài để áp dụng vào môi trường sống mới, để việc chuyển dịch dân cư trong quá trình đô thị hóa không trở thành gánh nặng của chính quyền đô thị” - ông Dũng nói.