Hoa mắt, chóng mặt với phí sân bay

Nguyễn Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Phí sân bay đang trở thành gánh nặng cho các hãng hàng không. “Ma trận” phí sân bay khiến cho cả các hãng hàng không và khách đi máy bay phải hoa mắt, chóng mặt.

Phí sân bay đang khiến giá vé máy bay bị đội lên cao.
Phí sân bay đang khiến giá vé máy bay bị đội lên cao.

Tồn tại nhiều loại phí

Thời gian gần đây, dư luận nói đến rất nhiều về thị trường vé máy bay, trong đó nổi bật là tình trạng giá vé máy bay đang có dấu hiệu ngày một gia tăng và hoàn toàn có khả năng vượt trần giá vé nếu như mức trần này không được điều chỉnh tăng lên. Tuy nhiên, ít ai biết được rằng, trong cơ cấu vé máy bay thì phần phí còn cao hơn cả phần vé rất nhiều.

Đương nhiên, để duy trì hoạt động của các cảng hàng không thì việc thu các loại phí dịch vụ sân bay là điều không thể tránh khỏi. Song, các chuyên gia cho rằng, đang tồn tại quá nhiều loại phí với mức thu của không ít loại trong số này đang ở mức cao đã và đang trở thành gánh nặng cho các hãng hàng không.

Khi hãng hàng không đẩy các loại phí đó vào giá vé máy bay thì đến cuối cùng, mọi khoản phí này đều đi ra từ túi hành khách và đương nhiên, người dân – những người đi máy bay vẫn là đối tượng chịu thiệt nhiều nhất.

 

Không chỉ các hãng bay mà những doanh nghiệp kinh doanh trong sân bay cũng gặp khó khi chi phí thuê mặt bằng neo ở mức cao. Hiện chi phí thuê mặt bằng để bán hàng, nhà hàng tại các sân bay lớn như Tây Sơn Nhất, Nội Bài có thể lên đến hàng trăm triệu đồng/tháng. Điều này khiến các măt hàng bán ra ở đây như tô phở, chai nước, ly cà phê... đều cao hơn bên ngoài 30 - 40%, trong đó chi phí mặt bằng chiếm tỉ lệ khá cao trong cơ cấu giá.

Theo Thông tư số 53/2019 của Bộ GTVT quy định mức giá, khung giá một số dịch vụ chuyên ngành hàng không tại cảng hàng không, sân bay Việt Nam, các hãng hàng không phải chịu tới 16 loại phí do Nhà nước quy định. 

Trong số này có 5 loại dịch vụ do Nhà nước quy định mức giá, 8 loại dịch vụ do Nhà nước quy định khung giá và 3 loại dịch vụ phi hàng không do Nhà nước quy định khung giá.

Các hãng hàng không phải nộp 16 loại phí này cho 3 đơn vị đại diện cho cơ quan quản lý nhà nước là Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV), Tổng Công ty Quản lý bay Việt Nam và các cảng vụ hàng không.

Ngoài ra, hãng bay phải nộp những khoản phí dịch vụ hàng không khác cho các cảng hàng không, như phí thuê quầy bán vé giờ chót; phí thuê quầy hành lý thất lạc; phí thuê phòng tác nghiệp, phòng nghỉ, trực ca cho nhân viên; phí thuê phòng máy của hãng; phí thuê kho; phí sử dụng thiết bị đầu cuối... 

Tính sơ sơ, để thực hiện được một chuyến bay, bình quân một chiếc máy bay sẽ phải gánh hơn 20 loại phí cả trực tiếp và gián tiếp.

Còn về vé máy bay, hiện nay trong giá vé máy bay có 2 khoản thu mà các hãng hàng không đang thu hộ cho ACV khi bán vé. Bởi ACV là đơn vị đang khai thác, quản lý 22 sân bay.

Theo tính toán, trung bình cứ mỗi khách đi máy bay, thì ACV sẽ "bỏ túi" một khoản gồm phí dịch vụ cảng 100.000 đồng/khách đi nội địa và 25 USD/khách (khoảng 600.000 đồng/khách) đi quốc tế ở các sân bay như Tân Sơn Nhất, Nội Bài, Đà Nẵng...

Cho dù các hãng hàng không thường xuyên điều chỉnh giá vé lên – xuống theo từng thời điểm để đảm bảo tính cạnh tranh, song các loại dịch vụ sân bay mà các hãng hàng không phải chịu thì vẫn phải áp theo mức được quy định và thu đều đều. 

Điều này dẫn đến tình trạng, dù rất muốn giảm giá vé để thu hút khách hàng nhưng nhiều hãng hàng không cũng vẫn phải chấp nhận đặt mức giá ở mức không thể rẻ như kỳ vọng khi mỗi tờ vé máy bay phải “cõng” thêm nhiều loại phí dịch vụ sân bay.

Đó là chưa kể các khoản thu phí ra vào sân bay cho hãng taxi đưa đón hành khách. Đương nhiên, các khoản phí này cuối cùng khách đi máy bay vẫn là những người phải chịu.

Cần sớm phá bỏ thế độc quyền của các cảng hàng không để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.
Cần sớm phá bỏ thế độc quyền của các cảng hàng không để tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh.

Phải phá bỏ thế độc quyền của ACV

Trao đổi với phóng viên Kinh tế & Đô thị, PGS.TS Nguyễn Thiện Tống – chuyên gia hàng không cho biết, tình trạng “lạm phát” phí sân bay chính là “thủ phạm” đang móc túi khách đi máy bay cũng như trở thành gánh nặng cho các hãng hàng không.

“Bây giờ mỗi người dân đến sân bay để đi máy bay đang phải trả quá nhiều loại phí, quá trời tốn kém. Xe đi vào, xe đi ra cũng đều mất tiền” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

Theo chuyên gia hàng không này, điều đáng lo ngại nhất hiện nay là sự độc quyền của các cảng hàng không bởi vốn cảng này không có đối thủ cạnh tranh. Chính bởi độc quyền nên mới có chuyện các cảng hàng không có thể đưa ra loại phí một cách tùy ý. Thế mới có tình trạng hiện nay đang tồn tại hàng chục loại phí sân bay. “Cảng hàng không đang độc quyền, Nhà nước cần phải can thiệp, phải kiểm soát ngay. Đây mới là điều cần phải làm, phải lo ngay vào lúc này” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nói.

PGS.TS Nguyễn Thiện Tống cho rằng, mức phí sân bay hiện nay cần phải được giảm để giảm bớt gánh nặng cho các hãng hàng không và cho chính người dân đi máy bay. Trên thực tế, năm 2021, Bộ GTVT đã cho phép ACV giảm 50% mức giá cất hạ cánh nội địa nhưng ACV vẫn có doanh thu đủ bù đắp chi phí khai thác và nộp ngân sách nhà nước theo quy định.

“Điều này cho thấy nếu có giảm phí cho hãng bay, ACV vẫn hoàn toàn đủ khả năng cân đối chi phí phù hợp” – PGS.TS Nguyễn Thiện Tống nhận định.

Từ vấn đề trên, nhiều chuyên gia cho rằng, việc giảm phí sân bay là cần thiết bởi điều này sẽ giúp giảm gánh nặng cho các hãng hàng không, cho khách đi máy bay nhưng vẫn đảm bảo được lợi ích cho ACV. Thậm chí, ACV còn có thể thu lợi thêm từ các nguồn khác nếu giảm giá dịch vụ sân bay khi chính sách này sẽ giúp các hãng bay thu hút thêm hành khách, khách du lịch.

Còn ngược lại, khi phí sân bay quá nhiều, quá cao như hiện nay, giá vé máy bay buộc phải đẩy cao lên, khách đi máy bay, khách du lịch vì thế cũng ít đi. Điều này không chỉ khiến các hãng hàng không thiệt hại mà chính cảng hàng không cũng thâm hụt nguồn thu.

TS Vũ Đình Ánh - chuyên gia kinh tế cho rằng, cần phải đẩy nhanh việc xã hội hóa, thay đổi thế độc quyền cảng hàng không. Bởi chỉ có phá được thế độc quyền này thì mới tạo ra được môi trường cạnh tranh lành mạnh, từ đó các loại thuế, phí mới giảm, chất lượng phục vụ ở cảng hàng không mới cải thiện, người tiêu dùng hưởng lợi.

Ngoài ra, theo TS Vũ Đình Ánh, việc xã hội hóa hạ tầng hàng không cũng sẽ giúp huy động được nhiều nguồn vốn đầu tư từ các nguồn lực xã hội hóa làm sân bay, nhà ga, qua đó sẽ giảm được gánh nặng cho ngân sách Nhà nước khi nguồn chi từ ngân sách cho hạ tầng hàng không được cắt giảm đáng kể.

 

Mới đây, tại cuộc họp về kiến nghị giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh đối với chuyến bay nội địa năm 2023, Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Anh Tuấn đã thống nhất với ý kiến của các cơ quan, đơn vị tham dự cuộc họp về việc xem xét giảm giá dịch vụ cất, hạ cánh đối với các chuyến bay nội địa năm 2023 là chưa đủ cơ sở. Theo lãnh đạo Bộ GTVT, nguồn thu từ dịch vụ cất, hạ cánh để chi trả chi phí bảo trì, sửa chữa tài sản kết cấu hạ tầng hàng không theo quy định. Nguồn thu hiện nay còn đang hạn chế, cần cân đối để bố trí cho công tác sửa chữa, bảo trì tài sản kết cấu hạ tầng hàng không tại các sân bay đảm bảo khai thác an toàn.