Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thành hiệp đồng tìm kiếm cứu nạn trong tháng 6/2018

Lâm Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Đây là chỉ đạo của Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu tại Kế hoạch số 119/KH-BCH của Ban Chỉ huy Tìm kiếm cứu nạn TP về công tác tìm kiếm cứu nạn năm 2018.

Ảnh minh họa
Theo Kế hoạch trên, có 8 tình huống dự kiến có thể xảy ra được liệt kê gồm: Bão, áp thấp, lũ lụt, lũ ống, lũ quét, sạt lở đất, vỡ đê - hồ, đập; Cháy rừng; Cháy nhà cao tầng, khu đô thị, khu công nghiệp, khu dân cư có người bị nạn trong sự cố, tai nạn; Động đất, sập đổ nhà, công trình; Rò rỉ, phát tán hóa chất độc, chất phóng xạ; Cháy nổ, vỡ đường ống dẫn dầu, khí, các nhà máy điện; Tai nạn máy bay, tàu thuyền trên sông, tai nạn giao thông đường bộ, đường sắt đặc biệt nguy hiểm và cuối cùng là thảm họa giao thông đặc biệt nghiêm trọng, tắc đường kéo dài.
Đối với mỗi loại hình thảm họa, UBND TP Hà Nội giao các đơn vị cụ thể chịu trách nhiệm chính trong tổ chức xử lý sự cố, tìm kiếm cứu nạn. Phương châm thực hiện là “4 tại chỗ” (lực lượng tại chỗ, chỉ huy tại chỗ, vật tư tại chỗ và hậu cần tại chỗ).

Liên quan tới các nội dung hiệp đồng và bảo đảm, UBND TP chỉ đạo các sở, ban ngành bảo đảm: Thông tin liên lạc, cơ động, giao thông, vận chuyển, hậu cần, y tế, quân y, vệ sinh môi trường, khắc phục hậu quả và vật tư, dụng cụ, phương tiện, trang bị. Trong Kế hoạch trên, Phó Chủ tịch Thường trực UBND TP Hà Nội Nguyễn Văn Sửu cũng yêu cầu các quận, huyện, thị xã khẩn trương phối hợp, hoàn thành công tác tổ chức hiệp đồng với các đơn vị quân đội và các lực lượng làm nhiệm vụ tìm kiếm cứu nạn trên địa bàn xong trong tháng 6/2018.
Đồng thời, đề nghị Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn, Ban Chỉ đạo T.Ư về Phòng, chống thiên tai và Bộ Quốc phòng tăng cường lực lượng, phương tiện hỗ trợ cho Hà Nội khi tình huống sự cố xảy ra vượt quá khả năng của TP.