Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, xã trong tháng 9/2024

Thịnh An
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tình hình kinh tế-xã hội những tháng đầu năm 2024 tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực. Các cấp, ngành, địa phương đã tập trung thực hiện tốt các nhiệm vụ với tinh thần "chỉ bàn làm, không bàn lùi".

Sáng 20/5, tại Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái đã trình bày báo cáo đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước năm 2023; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và ngân sách Nhà nước những tháng đầu năm 2024.

Xếp hạng môi trường kinh doanh năm 2023 tăng 12 bậc

Theo báo cáo, tình hình kinh tế xã hội những tháng cuối năm tiếp tục phục hồi, tháng sau tích cực hơn tháng trước, quý sau cao hơn quý trước; cơ bản đạt được mục tiêu tổng quát đề ra và đạt nhiều kết quả quan trọng trên các lĩnh vực. Những nhận định, đánh giá đã báo cáo Quốc hội cơ bản phù hợp, có nhiều thay đổi tích cực. Một số chỉ tiêu kinh tế- xã hội đạt cao hơn số đã báo cáo Quốc hội.

Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 20/5 - Ảnh: Quochoi.vn
Quang cảnh phiên khai mạc Kỳ họp thứ 7, Quốc hội khóa XV sáng 20/5 - Ảnh: Quochoi.vn

Tốc độ tăng trưởng GDP đạt 5,05%, thấp hơn mục tiêu đề ra nhưng ở mức cao trên thế giới và khu vực. Quy mô nền kinh tế đạt 430 tỉ đô la Mỹ, bước vào nhóm các nước trung bình cao; lạm phát được kiểm soát,  chỉ số giá tiêu dùng bình quân tăng 3,25%. Thị trường tiền tệ, ngoại khối cơ bản ổn định, mặt bằng lãi suất giảm, thu ngân sách Nhà nước đạt trên 1,75 triệu tỷ đồng (vượt 8,2%), đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, quốc phòng, an ninh, bảo đảm an sinh xã hội và các nhiệm vụ cấp thiết khác.

Nhiều chính sách, giải pháp được thực hiện đồng bộ, kịp thời, hiệu quả để hỗ trợ nền kinh tế, doanh nghiệp và người dân; bội chi ngân sách nhà nước khoảng 3,5% GDP; dư nợ công khoảng 37% GDP; dư nợ Chính phủ khoảng 34% GDP, thấp hơn nhiều so với mức trần và ngưỡng cảnh báo…

Nhiều tổ chức quốc tế có uy tín đánh giá cao kết quả và triển vọng của nền kinh tế nước ta. Fitch Ratings nâng hạng tín nhiệm quốc gia dài hạn của Việt Nam lên mức BB+ (từ mức BB), với triển vọng “Ổn định”; xếp hạng môi trường kinh doanh Việt Nam năm 2023 tăng 12 bậc; chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu tăng 2 bậc.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo kinh tế-xã hội tại Kỳ họp
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái trình bày báo cáo kinh tế-xã hội tại Kỳ họp

Tăng trưởng GDP cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cho biết, những tháng đầu năm 2024, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cấp, các ngành, các địa phương tập trung triển khai các nghị quyết của Chính phủ, phấn đấu hoàn thành tốt nhất các mục tiêu Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội năm 2024, trọng tâm là hoàn thiện thể chế, cơ chế chính sách; làm mới các động lực tăng trưởng truyền thống và khai thác hiệu quả các động lực tăng trưởng mới.

Đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công, các Chương trình mục tiêu quốc gia; thúc đẩy xuất khẩu, kích cầu tiêu dùng trong nước; tiết kiệm chi ngân sách Nhà nước; bảo đảm cung ứng điện, xăng dầu...

Làm việc với các địa phương để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội; trực tiếp kiểm tra, đôn đốc các công trình, dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia theo tinh thần “ba ca, bốn kíp”, “vượt nắng, thắng mưa”, “làm việc xuyên ngày nghỉ, ngày lễ, ngày Tết”, “chỉ bàn làm, không bàn lùi”, quyết tâm hoàn thành sớm nhất với chất lượng cao nhất.

Với những giải pháp quyết liệt, trong những tháng đầu năm 2024 kinh tế-xã hội cả nước tiếp tục chuyển biến tích cực, đạt nhiều kết quả tốt hơn cùng kỳ năm 2023 trên các lĩnh vực: kinh tế vĩ mô cơ bản ổn định, lạm phát được kiểm soát, các cân đối lớn được bảo đảm. Tăng trưởng GDP quý I/2024 đạt 5,66% (cao nhất trong giai đoạn 2020 - 2023) - đây là nỗ lực lớn trong bối cảnh nền kinh tế gặp rất nhiều khó khăn. Thu ngân sách nhà nước (NSNN) đạt 43,1% dự toán, tăng 10,1%; kim ngạch xuất khẩu tăng 15% ; xuất siêu 8,4 tỉ USD. Giải ngân vốn đầu tư công đạt 17,46% kế hoạch, cao nhất trong 4 năm trở lại đây. Tổng vốn FDI đăng ký đạt 9,27 tỉ USD, tăng 4,5%, trong đó vốn FDI đăng ký mới đạt 7,11 tỉ USD, tăng 73,2%. Nhiều tập đoàn lớn đã cam kết đầu tư vào Việt Nam trong các ngành điện tử, chíp, bán dẫn, năng lượng tái tạo… Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân 4 tháng tăng 3,93% so với cùng kỳ.

Tính đến hết năm 2023, đã dành được khoảng 680.000 tỷ đồng để thực hiện chính sách tiền lương mới.

Các đại biểu tham dự Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn
Các đại biểu tham dự Kỳ họp. Ảnh: Quochoi.vn

Bên cạnh đó, phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế-xã hội được đẩy mạnh, nhất là các công trình hạ tầng giao thông, năng lượng quan trọng, trọng điểm quốc gia. Công tác quy hoạch tiếp tục được chú trọng triển khai. Tiếp tục thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, chăm sóc người có công với cách mạng, giảm nghèo, nâng cao đời sống Nhân dân.

Tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đạt yêu cầu

Bên cạnh những kết quả đạt được, theo Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái, việc thực hiện nhiệm vụ kinh tế-xã hội trong những tháng đầu năm 2024 cũng còn một số tồn tại, hạn chế và khó khăn, thách thức. Đó là sức ép chỉ đạo điều hành kinh tế vĩ mô còn cao, nhất là trong kiểm soát lạm phát, điều hành lãi suất, tỷ giá; tăng trưởng tín dụng còn thấp, giá vàng thế giới và trong nước biến động mạnh. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân gặp nhiều khó khăn. Sản xuất công nghiệp phục hồi còn chậm; sản xuất nông nghiệp - nhất là tại vùng đồng bằng sông Cửu Long gặp nhiều khó khăn do hạn hán, xâm nhập mặn kéo dài và nặng nề hơn.

Thị trường bất động sản phục hồi chậm, tiến độ triển khai gói cho vay nhà ở xã hội 120 nghìn tỷ đồng chưa đạt yêu cầu. Tiến độ một số dự án cao tốc, giao thông trọng điểm, giải phóng mặt bằng còn chậm. Một số cơ chế, chính sách, quy định, thủ tục hành chính còn chồng chéo, rườm rà, chậm được sửa đổi. Đời sống của một bộ phận người dân còn khó khăn...

Các đại biểu tham dự phiên khai mạc kỳ họp
Các đại biểu tham dự phiên khai mạc kỳ họp

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái cũng nêu những nguyên nhân của tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm; đồng thời trình bày những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu trong thời gian tới với 11 nhóm nhiệm vụ giải pháp như: ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng gắn với ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện hiệu quả, thực chất cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh; đẩy nhanh tiến độ các công trình hạ tầng giao thông quan trọng quốc gia, liên vùng; chú trọng phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao gắn với đẩy mạnh nghiên cứu, phát triển và ứng dụng khoa học công nghệ; triển khai chính sách tiền lương mới từ ngày 1/7/2024; hoàn thành sắp xếp đơn vị hành chính cấp huyện, cấp xã giai đoạn 2023 - 2025 trong tháng 9/2024...

Đồng thời, quyết liệt triển khai ngay các giải pháp ổn định thị trường vàng theo quy định bằng việc chú trọng thanh tra, kiểm tra. Chỉ đạo triển khai ngay các giải pháp thu hẹp chênh lệch giá vàng miếng trong nước và quốc tế. Yêu cầu các DN kinh doanh vàng thực hiện hóa đơn điện tử kết nối với cơ quan thuế trước ngày 15/6/2024; rà soát, sửa đổi Nghị định số 24/2012/NĐ-CP về quản lý kinh doanh vàng Nghị định số 50/2014/NĐ-CP ngày 20/5/2014 về quản lý dự trữ ngoại hối Nhà nước. Thực hiện thanh tra, kiểm tra các cơ sở kinh doanh vàng và báo cáo kết quả trong tháng 5/2024; đồng thời, làm tốt công tác thông tin, truyền thông.

“Tiếp tục tháo gỡ khó khăn, tạo thuận lợi cho DN và người dân tiếp cận vốn tín dụng. Hướng tín dụng vào sản xuất kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên và các động lực tăng trưởng; phấn đấu tăng trưởng tín dụng đạt khoảng 15% và giảm lãi suất cho vay 1-2%. Đẩy mạnh giải ngân Chương trình 120.000 tỷ đồng cho vay nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cải tạo chung cư cũ”- Phó thủ tướng Lê Minh Khái nêu những giải pháp trọng điểm.

Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái khẳng định, với tinh thần đoàn kết, năng động, đổi mới, sáng tạo và quyết tâm cao, các cấp, ngành sẽ khắc phục khó khă, vượt qua thách thức, tận dụng cơ hội để phát triển kinh tế-xã hội nhanh, bền vững; phấn đấu hoàn thành cao nhất mục tiêu đề ra cho năm 2024 và cả giai đoạn 2021 - 2025.