Hoàn thiện hành lang pháp lý hợp tác công – tư

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 16/7, Bộ KH&ĐT đã tổ chức Chương trình Đối thoại cấp cao Việt Nam và Ngân...

Kinhtedothi - Ngày 16/7, Bộ KH&ĐT đã tổ chức Chương trình Đối thoại cấp cao Việt Nam và Ngân hàng Hợp tác quốc tế Nhật Bản (JBIC) lần thứ hai với nội dung chính là tiến trình xây dựng khung pháp lý và việc triển khai chương trình hợp tác công - tư (PPP) tại Việt Nam, thảo luận về 3 dự án nhiệt điện mà Nhật Bản đang quan tâm đầu tư.

Cơ chế PPP dần hình thành

Cũng như các nhà đầu tư khác, doanh nghiệp (DN) Nhật Bản mong muốn một hành lang pháp lý cho PPP sớm được hoàn thiện để có thêm những cơ hội đầu tư vào Việt Nam. Theo dự kiến, tháng 8/2014, dự thảo lần 5 Nghị định PPP sẽ được trình Chính phủ ban hành.

Ngày 21/3/2013, Bộ KH&ĐT và JBIC đã ký biên bản ghi nhớ xây dựng khung đối thoại giữa hai cơ quan cùng các bộ, ngành liên quan của Việt Nam nhằm thúc đẩy các dự án PPP hoặc các chương trình tương tự như hợp đồng xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), hợp đồng xây dựng - sở hữu - kinh doanh (BOO) và hợp đồng xây dựng - chuyển giao (BT). Mục tiêu của khung đối thoại là hình thành, thúc đẩy các dự án tại Việt Nam có tính khả thi, đáng tin cậy và có thể vay vốn ngân hàng.  

 
Dự án nâng cấp QL1A qua huyệnThạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh được sử dụng bằng nguồn vốn BOT. 	 Ảnh: Trọng Đạt
Dự án nâng cấp QL1A qua huyệnThạch Hà, tỉnh Hà Tĩnh được sử dụng bằng nguồn vốn BOT. Ảnh: Trọng Đạt

Ông Hiroshi Wantanabe - Tổng Giám đốc JBIC đánh giá: "Để có thể đẩy nhanh, thực hiện hiệu quả dự án PPP, cần có đơn vị mang tính đầu mối bởi nhà đầu tư nếu phải qua nhiều cửa để giải quyết thủ tục sẽ mất rất nhiều thời gian. Đầu mối một cửa sẽ giúp các nhà đầu tư quan tâm hơn đến các dự án ở Việt Nam".

Thống nhất với quan điểm cần có cơ chế một cửa trong quá trình thực hiện, ông Lê Văn Tăng - Cục trưởng Cục Quản lý đấu thầu (Bộ KH&ĐT) cho biết: Ngay từ khi xây dựng Nghị định về PPP, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải - Trưởng ban chỉ đạo về PPP đã chỉ đạo, Nghị định này phải rõ ràng theo hướng công khai, minh bạch. Theo đó, mở rộng lĩnh vực đầu tư ra các lĩnh vực xác định được khả năng triển khai; không hạn chế DN Nhà nước tham gia các dự án PPP. Hiện nay, các DN Nhà nước đang thực hiện tiến trình cổ phần hóa, sắp tới thoái vốn khỏi tất cả các ngành nghề không phải lĩnh vực kinh doanh chính của mình. Vì vậy, không cấm và không quy định các biện pháp hạn chế những DN này tham gia dự án PPP. Bên cạnh đó, đồng ý cho phép nhà đầu tư lập báo cáo nghiên cứu khả thi trong trường hợp nhà đầu tư đề xuất dự án. Cơ quan Nhà nước có trách nhiệm thẩm định và phê duyệt theo quy định. Đặc biệt, Nghị định cũng sẽ không xác định cụ thể tỷ lệ phần tham gia của Nhà nước trong các dự án PPP…

Ông Lê Văn Tăng cũng cho biết thêm, sẽ thực hiện đấu thầu cạnh tranh dự án PPP khi có từ 2 nhà đầu tư trở lên quan tâm, đồng thời công khai hóa chính sách cũng như khung giá để giảm thời gian đàm phán… Dự án tham gia PPP cũng sẽ được rà soát kỹ lưỡng, nếu không có khả năng thu hồi vốn sẽ không được phê duyệt.

Doanh nghiệp Nhật quan tâm các dự án điện

Tại buổi đối thoại này, ông Hiroshi Wantanabe chia sẻ, các nhà đầu tư Nhật Bản đang rất quan tâm đến các dự án phát điện ở Việt Nam. Với việc Việt Nam đưa ra tổng sơ đồ điện đến năm 2020 và định hướng phát triển đến năm 2030 giúp các nhà đầu tư có thể hình dung được sự phát triển của ngành điện trong một thời gian dài. Bên cạnh đó, nhu cầu điện trong phát triển kinh tế của Việt Nam đang ngày một tăng cao là những điểm quan trọng thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư Nhật vào lĩnh vực này. Trong đó, các nhà đầu tư Nhật Bản đặc biệt quan tâm tới 3 dự án nhiệt điện đốt than BOT ở Việt Nam, đó là các dự án điện Nghi Sơn 2, Vũng Áng 2 và Vân Phong 1. "Hiện, 3 dự án này đang trong quá trình đàm phàn, thương thảo để ký hợp đồng giữa hai bên" - ông Wantanabe cho biết.

"Mặc dù Tổng thống Mỹ đã tuyến bố dừng tài trợ vào các dự án nhiệt điện đốt than do lo ngại khí thải cacbon nhưng quan điểm của JBIC - với tư cách là một định chế tài chính chính sách là khuyến khích phát triển các nhà máy điện loại này áp dụng các công nghệ hiệu quả cao, phát thải thấp, thân thiện với môi trường" - ông Hiroshi Wantanabe khẳng định. Được biết, trong những năm tới, đây sẽ là chủ đề quan trọng giữa phía Việt Nam và Nhật Bản, đặc biệt trong đàm phán thực hiện các dự án PPP.