Hoạt động của các cơ sở giáo dục tư thục, trung tâm ngoại ngữ: Lỗ hổng trong công tác quản lý?

Nhi Nguyễn
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Hàng loạt cơ sở giáo dục tư thục, trung tâm ngoại ngữ công khai hoạt động không phép, cùng với đó là sự thiếu trách nhiệm của cơ quan cấp phép, quản lý… đang khiến dư luận hoài nghi về công tác quản lý đối với các cơ sở này.

Công khai hoạt động “chui”
Sau clip giáo viên chửi học viên, Trung tâm ngoại ngữ MST English vừa bị ngành chức năng phát hiện hoạt động “chui”. Bên cạnh đó, nhiều cơ sở giáo dục ngoài công lập tuyển sinh khi chưa được cấp phép, hay sự việc trường Quốc tế George Washington (GWIS - Mỹ) là trường quốc tế “ma” khiến nhiều người lo ngại về công tác quản lý, giám sát các cơ sở tư thục.

Theo khảo sát của phóng viên, để nhận diện được các cơ sở giáo dục, trung tâm gia sư có phép hay không hiện là vấn đề rất khó đối với phụ huynh và học sinh. Bởi các đơn vị này không hề hoạt động chui, mà công khai giới thiệu, tuyển sinh. Các cơ sở dù có phép hay không, trên biển hiệu đều hạn chế ghi số giấy phép hoạt động, học viên muốn xem giấy phép hoạt động không dễ. Vì vậy, nếu không có sự vào cuộc của các cơ quan chức năng, thì người dân khó có thể nhận biết đâu là cơ sở được cấp phép, đâu là cơ sở trái phép. Chị Nguyễn Thu Huyền (ngõ 89, Quan Nhân, Hà Nội) cho biết: “Phụ huynh chỉ có thể chọn cơ sở dựa theo niềm tin hay qua giới thiệu, còn không thể biết đâu có phép, đâu không. Vì thế, chúng tôi mong muốn ngành chức năng thông tin cụ thể về trường đủ điều kiện và không đủ điều kiện để biết và lựa chọn”.
 Giờ học tại trường Mầm non tư thục DREAM FOR KIDS. Ảnh: Tú Oanh
Mới đây, Đoàn giám sát của HĐND TP Hà Nội đã có đợt kiểm tra, giám sát các cơ sở giáo dục mầm non trên địa bàn. Đoàn chọn các sơ sở không qua giới thiệu của các phòng GD&ĐT và đã phát hiện nhiều tồn tại, hạn chế. Cụ thể, có 70 nhóm trẻ, lớp mẫu giáo chưa được cấp phép đã hoạt động, có đến 559/2467 nhóm trẻ có số trẻ vượt quá quy định. “Quy định chỉ 50 trẻ/nhóm/lớp, nhưng thực tế có nhóm, lớp đã lên tới 300 trẻ. Hay có lãnh đạo phường đi qua nhà nghe tiếng trẻ khóc mới biết ở đó là cơ sở trông giữ trẻ hoạt động chui” - ông Trần Thế Cương – Trưởng Ban chuyên trách Văn hóa xã hội, HĐND TP cho biết.

Để xảy ra hiện tượng trên, đoàn giám sát xác định nguyên nhân do một số địa phương chưa chủ động trong việc quản lý và xử lý nghiêm các cơ sở hoạt động trái pháp luật. Một số cán bộ quản lý còn hạn chế về nhận thức và chuyên môn, chưa chấp hành tốt các quy định của Nhà nước và văn bản chỉ đạo.

Ai “chống lưng”?

GS Phạm Tất Dong – Phó Chủ tịch Hội Khuyến học Việt Nam nhận định, qua nhiều sự việc cho thấy công tác quản lý đang rất lỏng lẻo. “Nếu chỉ một vài cơ sở hoạt động chui thôi để bảo cơ quan quản lý không phát hiện được thì có thể chấp nhận được. Nhưng thực tế rất nhiều cơ sở không phép hoạt động, thậm chí công khai tuyển sinh rộng rãi” - GS Dong nhấn mạnh. Cũng theo ông Dong, một khi phát hiện các tổ chức hoạt động chui, cần đình chỉ ngay, nếu không làm nghiêm thì các trung tâm khác sẽ vẫn đua nhau làm trái quy định.

Riêng trường hợp của MST English, theo GS Dong, cần làm rõ xem ai đang đứng sau “chống lưng” cơ sở này khi tháng 2/2018, cơ sở tại 234 Phạm Văn Đồng, quận Bắc Từ Liêm của MST English đã từng bị Ban kiểm tra liên ngành quận Bắc Từ Liêm phát hiện ra sai phạm. Tuy nhiên, đến nay đơn vị vẫn hoạt động và công khai mở thêm chi nhánh khác.

Kiểm soát các cơ sở giáo dục trên địa bàn là vấn đề được đặt ra với các cơ quan quản lý trước thực tế quá nhiều cơ sở đang hoạt động không phép, trái phép. Hiện nay các văn bản quản lý khá đầy đủ, nhưng việc chấp hành qui định lại không được thực hiện nghiêm. Bên cạnh đó, quá nhiều bên tham gia vào quản lý, nhưng cuối cùng trách nhiệm chẳng thuộc về ai. Bởi vậy, mỗi khi xảy ra vụ vi phạm, các bên lại đá bóng trách nhiệm cho nhau. Đây là vấn đề đáng lo ngại trong công tác quản lý.

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần