Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Học cách đối diện với “bão” suy giảm

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Sáng 9/10, Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) đã chính thức công bố Báo cáo "Triển vọng Kinh tế thế giới 2012". Theo đó, dự báo tăng trưởng của nền kinh tế toàn cầu tiếp tục sụt giảm xuống mức chỉ còn 3,3% trong năm 2012 (thấp hơn đáng kể so với dự báo trước đó), nhưng có chiều hướng tăng nhẹ trở lại lên mức 3,6% trong năm 2013.

Trong "cơn bão" của sự suy giảm kinh tế thế giới, nhiều chuyên gia đã đưa ra những nhận định và gợi ý đường hướng phát triển cho nền kinh tế Việt Nam.

Thế giới… “phẳng”

Tăng trưởng ở các thị trường mới nổi và đang phát triển được cho là giảm đáng kể so với dự báo trước đó vào tháng 4 và tháng 7, chỉ ở mức 5,3% so với 6,2% của cùng kỳ năm trước. Những nền kinh tế mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ, Nga và Brazil sẽ tiếp tục chỉ đạt được mức tăng trưởng chậm. Thương mại thế giới cũng sụt giảm nghiêm trọng, chỉ còn 3,2% trong năm 2012, so với mức 5,8% của năm ngoái và 12,6% của năm 2010.

Học cách đối diện với  “bão” suy giảm - Ảnh 1

Với các quốc gia đang phát triển như Việt Nam, việc lựa chọn giữa tăng trưởng và lạm phát luôn rất khó khăn. Ảnh: Hùng Huy

"Tăng trưởng kinh tế chậm và không bền vững của các nền kinh tế phát triển đang ảnh hưởng không nhỏ tới các nền kinh tế mới nổi và đang phát triển thông qua cả hai kênh là thương mại và tài chính; từ đó góp phần phức tạp hóa những khó khăn nội tại của các quốc gia", ông Olivier Blanchard - Chuyên gia Kinh tế trưởng của IMF nhận định.Một số điểm đáng chú ý của báo cáo được đưa ra, đó là những dự báo về sự tăng trưởng trở lại của những nền kinh tế đầu tàu. Tại Mỹ, mức tăng trưởng được dự báo là 2,2% trong năm 2012 và tăng dần đều trong toàn năm 2013 với mức dự báo cuối năm khoảng 2,75%. Cùng với những nỗ lực tái thiết đất nước sau động đất, kinh tế Nhật Bản cũng đạt mức tăng trưởng 2,2%; Con số này dự kiến sẽ tăng thêm khoảng 1% trong năm 2013. Trong khi đó tại khu vực đồng Euro, tăng trưởng dự báo giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước và tăng nhẹ khoảng 0,2% trong năm 2013. Do ảnh hưởng của đồng Euro, hầu hết các nền kinh tế ngoại vi sẽ chịu ảnh hưởng ít nhiều. Tuy nhiên, cán cân thương mại được các chuyên gia nhận định là sẽ ổn định và phát triển trở lại trong năm 2013.

Tại khu vực châu Á phát triển, GDP thực sẽ đạt trung bình 6,7% trong năm 2012. Trong khi đó, ở hầu hết các khu vực khác như Trung Đông và Bắc Phi, châu Mỹ Latin, Trung và Đông Âu và tiểu vùng Sahara (châu Phi), nền kinh tế dù có những biến động và không thực sự chắc chắn về sự bền vững, nhưng cũng được dự báo sẽ tăng trưởng trở lại trong năm 2013. 

Để tránh những cú sốc

Nhận định về ảnh hưởng của suy giảm kinh tế thế giới đối với Việt Nam, ông John Bluedorn - Kinh tế trưởng của Quỹ Tiền tệ thế giới (IMF) cho biết, Việt Nam chỉ là một quốc gia ngoại biên nên không chịu nhiều ảnh hưởng bởi biến động của đồng Euro. Tuy nhiên, Chính phủ Việt Nam cần chuẩn bị để đối diện với những cú sốc từ bên ngoài. Các quyết sách cần được minh bạch hóa và tiến hành nhanh, giống như cách thức mà những nền kinh tế Đông Âu như Liên Xô (cũ), Ba Lan, Slovenia… từng làm trong khủng hoảng kinh tế những năm 1990.

Ông Sanjay Kalra - Đại diện thường trú của IMF tại Việt Nam cho biết thêm: "Với các quốc gia đang phát triển, việc lựa chọn giữa tăng trưởng và lạm phát luôn rất khó khăn. Cá nhân tôi nghĩ, Việt Nam nên đảm bảo mức lạm phát của quốc gia không vượt quá ngưỡng 10%. Bên cạnh đó, các bạn cũng cần phải chuẩn bị để đối mặt với những rủi ro tiềm ẩn, mà rõ nét nhất hiện nay đó là tình trạng bất bình đẳng về thu nhập giữa các nhóm đối tượng. Điều này có thể gây nên những hệ lụy rất xấu về mặt an sinh xã hội".

TS Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư bày tỏ quan điểm, kinh tế Việt Nam không chỉ chịu tác động của một "kênh" mà từ nhiều "kênh" khác nhau. Chính vì vậy, cần nghiên cứu chuyên sâu để có hướng giải quyết từng yếu tố ngoại vi và nội tại có tác động tới nền kinh tế. Theo TS Võ Trí Thành, dù quan hệ thương mại Việt Nam - EU chỉ ở mức trung bình (chiếm khoảng 19% GDP), nhưng theo một báo cáo mới đây của IMF và Ngân hàng Thế giới, tác động của sụt giảm kinh tế thế giới tới nghèo đói của các quốc gia Đông Nam Á (trong đó có Việt Nam) là rất nghiêm trọng. Điều này có liên quan mật thiết tới các vấn đề về lao động, việc làm và hàng rào kỹ thuật.