Có chiến lược dài hạn Nửa đầu năm 2016, du khách Trung Quốc đến Việt Nam ước khoảng 1,2 triệu lượt, chiếm 25% tổng số khách nước ngoài đến Việt Nam. Nếu không có sự tăng trưởng của thị trường nói tiếng Trung này, khách quốc tế đến Việt Nam không có sự tăng trưởng (bởi trung bình khách quốc tế đến Việt Nam 6 tháng đầu năm chỉ đạt 21,3%). Chỉ tính riêng Đà Nẵng và Nha Trang, khách Trung Quốc bằng tất cả lượng khách quốc tế khác cộng lại, đặc biệt khách Trung Quốc đến Nha Trang tăng gấp 5 lần so với 6 tháng đầu năm 2015.
Chẳng riêng tại Việt Nam, năm 2015, Thái Lan cũng đón 7,9 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm khoảng 27% tổng số khách du lịch). 5 tháng đầu năm 2016, Nhật Bản cũng đón tới 2,5 triệu lượt khách Trung Quốc (chiếm hơn 26% tổng số khách đến). Theo dự báo của Ngân hàng đầu tư đa quốc gia Goldman Sachs (Áo), đến năm 2025 sẽ có 220 triệu người Trung Quốc đi du lịch và tiêu đến 450 tỷ USD (năm 2015 đã là 120 triệu khách, chi tiêu 250 tỷ USD). Chính vì thế, Trung Quốc là thị trường khách trọng điểm của Việt Nam. Song để thị trường này phát triển bền vững, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam Vũ Thế Bình cho rằng, phải luôn chuẩn bị sẵn sàng mọi nguồn lực và có chiến lược đón thị trường khách Trung Quốc. Nghĩa là phải nghiên cứu nhu cầu, thị hiếu của khách Trung Quốc để đầu tư đúng, trúng như Nhật Bản đã thực hiện. Nhật Bản có cả một chiến lược nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của khách Trung Quốc, nhờ đó doanh thu từ thị trường này chiếm tới 40% tổng doanh thu du lịch. Thái Lan cũng khiến mỗi du khách Trung Quốc tiêu đến 1.300 USD/chuyến đi. Đặt mục tiêu đón khoảng 2 triệu du khách Trung Quốc trong năm 2020, Campuchia đã thành lập China Ready Centre (Trung tâm sẵn sàng đón khách Trung Quốc). Trung tâm này sẽ nghiên cứu về các yêu cầu, nhu cầu của khách Trung Quốc để phục vụ được tốt hơn. Bộ Du lịch nước này cũng ra sách trắng mang tên “Du lịch Campuchia sẵn sàng đón du khách Trung Quốc” với chiến lược 5 năm thu hút du khách. Chủ động phục vụ và quản lý Thụy Sĩ cũng gặp thách thức khi đón lượng lớn khách Trung Quốc. Nhằm xoa dịu căng thẳng giữa các du khách do khác biệt về văn hóa, tháng 9/2015, Thụy Sĩ đã đưa vào sử dụng tàu hỏa đặc biệt dành riêng cho khách Trung Quốc với tần suất 20 chuyến mỗi tuần. Tháng 4/2015, Thái Lan đã in, phát hàng ngàn cuốn sổ tay hướng dẫn cách hành xử văn minh bằng tiếng Trung cho du khách. Năm ngoái, cơ quan quản lý du lịch Hokkaido (Nhật Bản) cũng phát hành 85.000 cuốn cẩm nang hướng dẫn về cách hành xử nơi công cộng bằng tiếng Trung và tiếng Anh, phát tại nhiều điểm du lịch ở Hokkaido. Có thể nói, tình trạng quản lý khách Trung Quốc một cách bị động của Nha Trang, Đà Nẵng, Hội An thời gian gần đây là bài học cho du lịch Việt. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Du lịch Ngô Hoài Chung cho hay, Tổng cục cũng dự báo TP Hồ Chí Minh, Phú Quốc, Huế sẽ là những điểm đến được khách Trung Quốc ưa thích. Thế nên, cần chủ động phục vụ và quản lý đối tượng khách này thật tốt, tránh tình trạng bị động. Không phải ngẫu nhiên mà chiều 6/7 vừa rồi, Cảng hàng không quốc tế Phú Quốc khai trương đường bay quốc tế từ Quảng Châu (Trung Quốc) do hãng hàng không China Southern Airlines khai thác, mỗi tuần có 3 chuyến với lượng khách dự kiến là 1.000 khách. Thêm vào đó, nguyên nhân dẫn đến tình trạng khách Trung Quốc lộn xộn ở nhiều địa phương thời gian qua còn do Tổng cục Du lịch chưa có lực lượng thanh tra chuyên ngành. Việc giám sát, thanh tra hoạt động du lịch vẫn do thanh tra Bộ VHTT&DL đảm trách, nên không đủ nguồn lực để xử lý. Vì thế, Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Văn Tuấn cho biết, tới đây, Tổng cục sẽ đề xuất cho tái thành lập lực lượng thanh tra du lịch.
Khách du lịch Trung Quốc thăm Văn Miếu - Quốc Tử Giám. Ảnh: Quỳnh Anh |