Chia sẻ về công tác đào tạo nghề công nghệ may vốn có truyền thống hơn 40 năm, cô Nguyễn Thu Hương - Phó Hiệu trưởng trường TCNNA - DVDL&TT Hà Nội bộc bạch: Chưa có học sinh nào học nghề công nghệ may tốt nghiệp ra trường lại bị DN may từ chối, trừ trường hợp không muốn đi làm. Về phía nhà trường luôn có đội ngũ giáo viên giàu kinh nghiệm, trang thiết bị phục vụ dạy nghề hiện đại thế nhưng lại gặp khó khăn trong tuyển sinh. Vì thế hiện nay, nguồn tuyển chính vẫn là học sinh của các trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên vừa học văn hóa, vừa học nghề.Để nâng cao chất lượng dạy nghề, khi Luật Giáo dục nghề nghiệp có hiệu lực đã tạo điều kiện cho trường TCNNA - DVDL&TT Hà Nội chủ động xây dựng lại chương trình nghề may thời trang. Đáp ứng nhu cầu DN, nhà trường thực hiện giảm bớt những môn học cơ sở, tăng thời lượng thực hành lên tới 75%, lý thuyết giảm còn 25%. Số bài học cắt may cũng rút gọn lại, chỉ bao gồm: Quần âu, áo sơ mi nam nữ, váy đầm thời trang, nhằm tạo điều kiện cho người học trang bị tốt hơn kỹ năng tay nghề. Cùng với việc học lý thuyết kết hợp thực hành, học sinh nghề may thời trang có 3 tháng đi thực tập thực tế tại các DN may là đối tác hợp tác của nhà trường.Theo một số chuyên gia, cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ khiến 70% số người lao động làm việc trong các DN dệt may, da giày, thủy sản thất nghiệp. Thông tin này đã khiến nhiều người lo lắng và không mặn mà với công việc suốt ngày làm bạn với cái máy may. Tuy nhiên, cô Thu Hương cho rằng, cách mạng công nghiệp 4.0 vào Việt Nam sẽ chỉ giảm số lượng lao động làm việc trực tiếp. Thực tế, nhiều DN may đã đầu tư những trang thiết bị rất hiện đại và vẫn đang có nhu cầu tuyển dụng nhiều lao động có kỹ thuật, kỹ năng. Chẳng hạn như, Công ty TNHH May Minh Trí, Công ty CP May Đức Giang, Công ty CP Thời trang JENVIET luôn có nhu cầu tuyển dụng học sinh của trường vào làm việc. “Những người có tay nghề, biết sử dụng các trang thiết bị hiện đại và yêu thích công việc hoàn toàn vẫn có cơ hội việc làm với mức lương tùy theo từng vị trí. Cụ thể, thợ kỹ thuật, thợ vẽ mẫu có lương dao động từ 15 - 20 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, với những kiến thức và kỹ năng nghề công nghệ may do nhà trường trang bị, người học hoàn toàn có thể mở cửa hàng may đo phục vụ khách. Những ai có khả năng thiết kế các kiểu dáng, thu nhập từ nghề sẽ rất khá và có cơ hội phát triển cao hơn” - Phó Hiệu trưởng Thu Hương khẳng định.