Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Hội chợ đặc sản vùng miền: Cầu nối nhà sản xuất - phân phối

Lê Nam
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Trong những năm qua, TP Hà Nội đã liên tục tổ chức nhiều Hội chợ đặc sản vùng miền, qua đó giúp các DN quảng bá sản phẩm, thương hiệu.

Tuy nhiên, để hoạt động này trở thành cầu nối giữa nhà sản xuất với người tiêu dùng từ đó tiêu thụ sản phẩm, đòi hỏi các DN phải đẩy mạnh xây dựng thương hiệu, tăng cường liên kết vùng miền…
Doanh nghiệp chưa chú trọng xây dựng thương hiệu
Kết quả khảo sát của Viện nghiên cứu & Phát triển ngành nghề nông thôn Việt Nam cho thấy, hiện Việt Nam có gần 1.000 các mặt hàng đặc sản nhưng mới chỉ có trên 60 mặt hàng đạt tiêu chí chỉ dẫn địa lý Quốc gia. Số liệu này cho thấy, mặc dù có tiềm năng cũng như nhu cầu đối với các đặc sản vùng miền Việt Nam là rất lớn nhưng việc phát triển, tiêu thụ sản phẩm còn nhiều hạn chế.
 Giới thiệu đặc sản vùng miền tới người tiêu dùng Hà Nội tại Hội chợ đặc sản vùng miền 2018.         Ảnh: Lê Nam
Phân tích nguyên nhân một số địa phương chưa chú trọng xây dựng thương hiệu đặc sản vùng miền, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Đầu tư - Thương mại - Du lịch Hà Nội (HPA) Nguyễn Thị Mai Anh nêu rõ: Địa phương nào cũng có sản phẩm đặc trưng nhưng DN sản xuất chưa nhận thức đầy đủ giá trị nên chủ yếu bán sản phẩm thô, từ đó để DN nước ngoài gắn thương hiệu của họ trước khi bán ra thị trường…
Thực tế tiêu thụ đặc sản vùng miền thời gian qua cho thấy, sản phẩm khi mang ra thị trường đòi hỏi phải có nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hiệu hàng hóa được các cơ quan chức năng bảo hộ. Tuy nhiên, hiện rất ít sản phẩm đặc sản đăng ký, bảo hộ, xây dựng phát triển nhãn hiệu, thương hiệu, do DN chưa chú trọng thiết kế mẫu mã, bao bì, quy trình công nghệ sản xuất đạt tiêu chuẩn an toàn, thân thiện với môi trường…
“Nhiều loại lạp xưởng, măng khô khi đưa vào siêu thị tiêu thụ chỉ bao gói bằng những túi nylon, trên bao bì không có “điểm nhấn” tạo ấn tượng với khách hàng. Một số ít DN đã chú trọng đến mẫu mã, bao bì nhưng lại không cung cấp hướng dẫn sử dụng, bởi DN mặc định người mua sản phẩm phải biết cách sử dụng, trong khi với đặc sản vùng miền, người ở địa phương khác không phải ai cũng biết cách sử dụng sao cho phù hợp” - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Thương mại Hà Nội (Hapro) Nguyễn Tiến Vượng nói.
Đẩy mạnh kết nối tiêu thụ sản phẩm
Với phương châm “Hà Nội vì cả nước và cả nước vì Hà Nội”, trong thời gian qua TP Hà Nội đã đẩy mạnh giao thương, hợp tác với các địa phương qua đó khai thác tiềm năng, thế mạnh hỗ trợ cùng phát triển.
Thông tin từ Sở Công Thương Hà Nội cho thấy, năm 2017 – 2018, TP Hà Nội đã phối hợp với một số tỉnh như Bắc Giang, Hưng Yên, Sơn La... tổ chức các Tuần lễ nhận diện sản phẩm an toàn và đặc sản vùng miền. Qua đó, DN bán lẻ Hà Nội đã ký kết 400 biên bản, ghi nhớ về hợp tác tiêu thụ sản phẩm trị giá 100.000 tỷ đồng (chiếm hơn 40% tổng mức bán lẻ trên địa bàn Hà Nội) với DN các tỉnh, TP. Đặc biệt HPA đã hỗ trợ DN các tỉnh giới thiệu sản phẩm vào hệ thống phân phối nước ngoài như Aeon (Nhật Bản), Central Group (Thái Lan)…
Từ đầu năm đến nay, Sở Công Thương Hà Nội và HPA triển khai hoạt động kết nối cung - cầu tới các tỉnh, TP phía Bắc như Sơn La, Lào Cai, Bắc Kạn, Nghệ An, Bắc Giang… giúp DN Hà Nội và các địa phương trao đổi hàng hóa hai chiều.
“Thông qua hoạt động kết nối cung cầu, đã hỗ trợ DN các tỉnh thành xuất khẩu nông sản sang thị trường quốc tế như đưa xoài Mộc Châu sang thị trường Úc, Mỹ; vải thiều Thanh Hà (Bắc Giang) xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc, Úc…” - Phó Giám đốc Sở Công Thương Hà Nội Trần Thị Phương Lan nêu rõ.
Để chương trình kết nối ngày càng hiệu quả trong bối cảnh hội nhập, cạnh tranh gay gắt, Giám đốc HPA Nguyễn Gia Phương kiến nghị: Các cấp chính quyền cần song hành với DN, qua đó tháo gỡ khó khăn, vướng mắc; Tổ chức rà soát và hoàn thiện các cơ chế chính sách hỗ trợ DN trong việc cung cấp thông tin, xúc tiến việc thương mại, xây dựng thương hiệu.
Cùng với đó, cần có các hội chợ đặc sản vùng miền ở quy mô địa phương, quy mô quốc gia và tiến đến hội chợ vùng miền quốc tế để tạo thêm cơ hội mở rộng thị trường tiêu thụ cho sản phẩm đặc sản. Đồng thời trên cơ sở liên kết các vùng miền thiết lập hệ thống tiêu thụ đặc sản vùng miền thông qua các sàn giao dịch điện tử tại các TP có thị trường rộng lớn như Hà Nội, Đà Nẵng, TP Hồ Chí Minh...